Ralph Lauren: Hành trình từ con nhà nghèo đến ông hoàng đế chế thời trang xa xỉ

Khởi đầu từ con số 0 tròn trĩnh, Ralph Lauren bắt đầu đế chế thời trang trị giá hàng tỷ USD của mình bằng lối tư duy "khác người".

Bài viết Song Long
Chia sẻ

Bắt đầu từ những chiếc cà vạt làm từ vải vụn, đến nay cái tên Ralph Lauren đã trở thành biểu tượng của thời trang Mỹ, và là ông chủ của tập đoàn thời trang dành cho giới thượng lưu. Nhưng ít ai biết Ralph Lauren từng nói ông không hề hứng thú với thời trang, cái ông muốn tạo nên là tinh thần quý tộc, phong cách sống cao cấp vượt thời gian.

Ralph Lauren: Hành trình từ con nhà nghèo đến ông hoàng đế chế thời trang xa xỉ Ảnh 1

Sinh năm 1939, Ralph Lauren là con trai út trong một gia đình có 4 anh chị em. Xuất thân từ một gia đình là dân nhập cư nghèo, cậu bé Ralph gần như không có cơ hội tiếp xúc với tầng lớp thượng lưu hay những thứ xa xỉ. 

Nhưng dường như cuộc sống khó khăn không thể làm ảnh hưởng đến tình yêu với cái đẹp và niềm hứng thú với cuộc sống lộng lẫy, xa hoa của Ralph. Vì vậy Ralph thường dành thời gian đắm chìm trong thế giới màu nhiệm của phim ảnh để tạm trốn thoát khỏi cuộc sống thường ngày tẻ nhạt và u ám. Chính những ngày tháng này đã truyền cảm hứng cho Ralph xây dựng đế chế thời trang thành công bậc nhất thế giới như hôm nay.

Ralph Lauren: Hành trình từ con nhà nghèo đến ông hoàng đế chế thời trang xa xỉ Ảnh 2

Tài năng của Ralph được bộc lộ từ khá sớm. Năm 12 tuổi, Ralph tự may cà vạt bằng những miếng vải thừa để bán cho bạn bè cùng trường. Thông qua những chiếc cà vạt, Ralph đã cho thấy tầm nhìn và năng lực của mình.

Thực ra Ralph không đơn thuần chỉ bán cà vạt, mà còn bán cảm xúc về thế giới thượng lưu như cách mà ông cảm nhận qua phim ảnh. Một số diễn viên nổi tiếng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thiết kế của Ralph sau này có thể kể đến như Fred Astaire và Cary Grant.

Ralph Lauren: Hành trình từ con nhà nghèo đến ông hoàng đế chế thời trang xa xỉ Ảnh 3

Trước khi bắt tay xây dựng đế chế của riêng mình, Ralph Lauren đã có thời gian làm thuê cho một vài thương hiệu thời trang khác nhau. Vào năm 1964, sau khi kết thúc 2 năm phục vụ trong quân đội Mỹ, Ralph xin vào làm nhân viên bán hàng cho Brooks Brothers - thương hiệu thời trang nam lâu đời nhất nước Mỹ. Sau đó Ralph chuyển sang làm việc cho Beau Brummell - một công ty nổi tiếng chuyên sản xuất cà vạt. Tại đây, ông có cơ hội học hỏi và tìm hiểu để thiết kế những mẫu cà vạt của riêng mình. 

Năm 1967, ông thành lập công ty Ralph Lauren khi chỉ có bằng tốt nghiệp cấp 3 và chút kiến thức kinh doanh ít ỏi khi còn học ở trường đại học. Sản phẩm đầu tiên của công ty là những mẫu cà vạt độc đáo, có độ rộng 10 cm - lớn hơn rất nhiều so với bình thường (khoảng 6 cm). Chỉ với những thiết kế cà vạt sáng tạo này, ông đã kiếm được hơn nửa triệu USD. 

Ralph Lauren: Hành trình từ con nhà nghèo đến ông hoàng đế chế thời trang xa xỉ Ảnh 4

Nhưng sản phẩm làm nên thương hiệu Ralph Lauren, và cũng là biểu tượng của đế chế thời trang Ralph Lauren lại là những chiếc áo polo. Chỉ sau lần đầu tiên đi xem một trận polo (đua ngựa), Ralph đã bị ấn tượng với sự hào nhoáng của bộ môn thể thao dành riêng cho giới thượng lưu này, và bị thôi thúc phải tạo nên một thương hiệu thời trang cao cấp và sang trọng. Kể từ đó những chiếc áo polo ra đời, và có hẳn một nhãn hiệu riêng gọi là Polo Ralph Lauren.

Công ty Ralph Lauren phát triển thần tốc. Vào năm 1971, công ty cho ra mắt dòng sản phẩm dành riêng cho nữ giới rồi liên tiếp mở thêm các cửa hàng mới tại những khu vực sầm uất nhất nước Mỹ. Năm 1997, công ty lên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. Đến nay, Ralph Lauren có hơn 300 cửa hàng trên khắp nước Mỹ và khoảng 100 cửa hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ralph Lauren: Hành trình từ con nhà nghèo đến ông hoàng đế chế thời trang xa xỉ Ảnh 5

Ngay từ những sản phẩm đầu tiên, Ralph Lauren đã luôn định hình mọi thiết kế của mình theo phong cách xa xỉ và gợi nhắc đến những nét đặc trưng của giới quý tộc Anh, nhưng đã được điều chỉnh theo phong cách thể thao của tầng lớp thượng lưu khu vực Bờ Đông nước Mỹ. Ví dụ như dòng sản phẩm thời trang nam đầu tiên của Ralph Lauren gây ấn tượng với thiết kế vải tuýt cổ điển. Sau đó những mẫu thời trang nữ đầu tiên của thương hiệu này cũng vẫn tiếp tục tạo nên cơn sốt bằng lối cắt may cổ điển.

Được truyền cảm hứng xây dựng nên đế chế thời trang từ phim ảnh, nên các thiết kế của Ralph Lauren cũng thường xuyên bước lên màn ảnh rộng. Trong bộ phim The Great Gatsby (1974), toàn bộ các diễn viên nam đều mặc trang phục của Ralph Lauren. Với bối cảnh là kỷ nguyên hào nhoáng những năm thuộc thập kỷ 20 ở Mỹ, những mẫu thiết kế của Ralph Lauren đã truyền tải một cách hoàn hảo sự thanh lịch và cảm giác hoài cổ đến với những ai yêu thích tác phẩm này. Những mẫu thiết kế cổ điển và sang trọng của Ralph Lauren còn xuất hiện trong tác phẩm Annie Hall (1977), và ngay lập tức tạo nên cơn sốt với giới mộ điệu.

Ralph Lauren từng nói, “thời trang rồi sẽ sớm trở nên lỗi thời, cái trường tồn là phong cách”. Vì vậy điều mà Ralph Lauren quan tâm và theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình là tạo nên một phong cách có thể len lỏi vào từng ngóc ngách trong đời sống để tồn tại mãi mãi.

Ralph Lauren: Hành trình từ con nhà nghèo đến ông hoàng đế chế thời trang xa xỉ Ảnh 6

Có lẽ chính nhờ tầm nhìn sâu sắc mà thương hiệu Ralph Lauren đã chạm đến cảm xúc của hàng trăm triệu khách hàng, và Ralph Lauren nhanh chóng trở thành một đế chế - độc đáo, không thể so sánh. Vậy nên cho đến nay, Ralph Lauren không chỉ dừng lại ở quần áo, mà còn đem đến cả đồ nội thất như giường, nệm, các sản phẩm nhà tắm, bàn ghế…

Tính đến tháng 4/2022, giá trị tài sản ròng của ông ước tính là 6,9 tỷ USD, theo Forbes.

Và đúng như lời tuyên bố “tôi không quan tâm đến thời trang, điều tôi muốn làm là tạo nên phong cách sống”, mọi sản phẩm của Ralph Lauren vẫn luôn mang hơi thở của sự cổ điển và lối sống thanh lịch của tầng lớp thượng lưu nước Mỹ.

Bài viết

Song Long

Thiết kế

Tuấn An

Chia sẻ