Nhà thơ gốc Việt tài năng Ocean Vuong và hành trình thẩm mỹ hóa Anh ngữ bằng thi ca

Cháy hàng từ tập thơ dài xuất bản đầu tiên, các tác phẩm được đăng tải trên nhiều báo và tạp chí danh tiếng, nhận được nhiều giải thưởng danh giá,... Ocean Vuong không chỉ giàu có trong câu từ, anh còn làm giàu đẹp tiếng Anh.

Bài viết Hoàng Thiên Tân
Chia sẻ

Làm thế nào một người sinh ra ở Việt Nam có thể tạo ra nhiều tuyệt tác thi ca bằng tiếng Anh trên đất Mỹ? Không ai hay thậm chí là chính Ocean Vuong có thể trả lời được câu hỏi này chỉ trong vỏn vẹn vài câu chữ. Đó là một câu chuyện dài của cậu bé Á Đông xem tiếng Anh là hành trình và đích đến.

“Trời Đêm và Những Vết Thương Xuyên Thấu” (Night Sky with Exit Wounds), tuyển tập thơ dài đầu tiên của Ocean Vuong được ra mắt vào 04/2016 và bán sạch trong vòng chưa đầy một tháng. Cùng năm, anh nhận giải thưởng văn thơ Whiting Award vì tuyệt tác này.

Liên tục qua các năm, những giải thưởng thi ca danh tiếng đều xướng tên anh bởi những tác phẩm. Giải Stanley Kunitz (2012), Giải Chad Walsh (2013), Giải Pushcart (2014), Giải Narrative (2015) hay Giải T. S. Eliot (2017) danh giá bậc nhất ở Vương Quốc Anh rồi gần đây nhất và vinh dự nhất là Giải thưởng Nhân Tài (MacArthur Fellowship) với tiền thưởng lên đến 625.000 USD (khoảng 14,5 tỷ đồng).

Ocean Vuong không phải một nhà thơ của sự trải nghiệm, anh là nhà thơ từ những sự trải nghiệm của người Mỹ. Thơ của Vuong duyên dáng, đầy kinh ngạc; những dòng thơ vừa ngắn, lại vừa dài; những câu chữ được sắp đặt vừa trữ tình, lại vừa tự sự; cách chọn từ vừa phóng khoáng, lại vừa trang trọng.

Con không được sinh
mà bò ra từ đầu trước
vào đói khát của đàn chó.

Con à, cơ thể là lưỡi dao được mài sắc
bằng những vết cắt.

- Headfirst, Ocean Vuong

Cất âm thanh đầu tiên gửi lời chào đến cõi đời vào năm 1988 ở ngoại thành Sài Gòn. Hai năm sau, đứa trẻ Vinh Quốc Vương cùng 6 người thân trong gia đình của mình chuyển đến thành phố Hartford, bang Connecticut rồi chia nhau từng không gian nhỏ trong căn hộ một phòng ngủ.

Tại trường, anh đánh vật với tiếng Anh mỗi ngày. Mãi đến năm 11 tuổi, anh mới có thể đọc và viết thứ ngôn ngữ này một cách thuần thục. “Đối với những đứa trẻ được sinh ra tại Mỹ, việc sử dụng Anh ngữ có lẽ là một điều bình thường hay thậm chí là nhàm chán. Nhưng đối với tôi, đó là một đích đến”, Vuong nói.

Mất 9 năm trời để trở thành người đầu tiên trong nhà biết đọc. Mẹ của Vuong với vốn tiếng Mỹ ít ỏi, đã vô tình phát âm “beach” thành một từ nhạy cảm và được gợi ý hãy dùng từ “ocean” để thay thế. Sau này, biết được từ “ocean” chỉ vùng nước rộng lớn bọc lấy các quốc gia - cả Mỹ lẫn Việt Nam, bà đã dùng nó để đặt tên cho con trai mình.

Năm 2008, Ocean Vuong học tiếp thị ở Đại học Pace với mong muốn kiếm tiền giúp đỡ gia đình nhưng bỏ học ngay sau 3 tuần. Sau đó, anh học Văn học Anh tại Đại học Brooklyn và làm việc tại một tiệm bánh. Lên đại học, anh tạo cho mình thói quen viết lách vào ban đêm. Buổi tối khi thả hồn vào những câu chữ, Vuong cảm thấy được cô độc vì là người duy nhất tỉnh giấc.

“Nhìn ra ngoài cửa sổ, nó tối đen như mực, nó giống như việc ta đang ngồi trên một con tàu nhỏ trôi giữa biển cả bao la. Làm thơ vào lúc thư giãn nhất chính là ta đang tự giải phóng mình. Ban ngày, trong tâm trí ta luôn có một nhà phê bình già cỗi ưa cằn nhằn và hay gắt gỏng. Đêm đến, chỉ còn mình với ta”, Ocean Vuong chia sẻ.

Một người lính Mỹ cưỡng hiếp một cô nông dân Việt Nam. Nên mẹ tôi tồn tại.
Nên tôi tồn tại. Nên không bom mìn = không gia đình = không tôi.
Than ôi!

- Notebook Fragments, Ocean Vuong

Có xuất thân không giống những thi sĩ Mỹ đương thời, Ocean Vuong là đứa con của chiến tranh - những đứa trẻ không biết gì về cuộc chiến nhưng thứ ấy vẫn hiển hiện qua các câu chuyện hằng ngày. Cuộc chiến vẫn nhuốm màu đau thương qua lời kể của bà, của người mẹ con lai, của những người phụ nữ trong gia đình.

Trong “Trời Đêm và Những Vết Thương Xuyên Thấu” - tuyển tập thơ dài đầu tiên của Vuong, anh đã suy tư về hậu quả của chiến tranh đối với ba thế hệ chung sống trong gia đình mình. Bức ảnh làm bìa sách chụp cảnh anh ngồi giữa mẹ và dì của mình hồi thời thơ ấu.

Trong tác phẩm này, cuộc đời của chính anh được đưa vào thật điềm tĩnh và thận trọng, dần dà thấm sâu hơn như đưa độc giả vào lặn hụp dưới những làn nước mát lạnh. Gần 40 bài thơ chia làm 3 phần, đi từ tuổi thơ tha hương không được sống cùng cha quá lâu đến chàng trai trẻ đồng tính tự khám phá bản thân mình.

Cha của anh phải vào tù vì bạo hành vợ, không lâu sau hai người li dị. Với Vuong, đó là thế giới bị đày đọa bởi bạo lực. Các bài thơ không chỉ khắc họa bạo lực hiện hữu mà còn bạo lực tiềm ẩn. Trong “Always and Forever”, di sản của người cha “là một khẩu súng lục Colt 45, im lặng và nặng nề như một cánh tay cụt”.

Ký ức về bạo lực, sự hiện hữu cũng như tính buộc phải có của nó, tạo nên con người Ocean Vuong và làm anh chuyển hóa. Sự chuyển hóa hay nói đúng hơn là sự biến dạng bản thân được gây ra bởi một thứ sức mạnh, được đi sâu hơn dần qua từng bài thơ ở càng về cuối.

Anh đặt chính mình vào một đoạn của lịch sử Việt Nam. Dù sinh ra vào thời bình và chưa từng đặt chân vào một cuộc chiến nào, nhưng bạo lực chiến trường vẫn ở đó rất rõ ràng với Vuong, để anh trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để nói ra ký ức mà ta không thuộc về”, để biết được “sau chấn thương, chúng ta yêu nhau như thế nào?”

Thơ văn của Ocean Vuong không phải là bức tranh đẫm màu máu và nước mắt, mà đó là nơi mà bạo lực và dịu dàng đụng độ. Qua các tác phẩm, độc giả có thể thấy được Vuong là một người có thái độ vừa yêu vừa ghét nhân loại. Yêu loài người vì tính nhân hậu, ghét con người vì tính bạo lực.

Tiểu thuyết đầu tay của anh, “Trên Mặt Đất Chúng Ta Đã Một Thoáng Huy Hoàng” (On Earth We're Briefly Gorgeous) vừa được phát hành vào mùa hè năm 2019, là một sự nối dài cho những gì được anh ghi lại trong tập thơ trước đó.

Sự va chạm của hai thứ đối nghịch nhau trong thơ của Vuong rất nhẹ nhàng dù đó là điểm đi lên căng nhất trong xuyên suốt tác phẩm, đó cũng là điểm giúp cân bằng cảm xúc trong tác phẩm của anh. Nếu như ta không thể tìm thấy một liều thuốc giúp xoa dịu vết thương của sự tàn bạo, thì ít ra ta vẫn giữ được thái độ lạc quan.

Cuộc đời của Ocean Vuong cũng như những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này. Anh tìm thấy sự bình yên trong những điểm lên căng thẳng nhất của sự tàn bạo. Một trong những mối an yên nhất mà Vuong đưa vào thi phẩm của mình, chính là quê hương Việt Nam và ngôn ngữ người Việt.

Nói về tiếng Việt, anh cho biết: “Tiếng Việt giàu tính nhạc, ý nghĩa của từ có thể thay đổi tùy theo cách ta cho giọng lên xuống. Tiếng Việt có một cách nhìn rất lạ về thế giới, nó rất thơ. Cách nhìn đó và cách ta viết ra từ mới khi không có từ để nói để tạo nên phép ẩn dụ, cho phép tôi tạo ra những hình ảnh cho riêng mình khi viết”.

Lớn lên trong vòng tay ấm áp của mẹ, Giải thưởng Nhân Tài là nguồn hỗ trợ rất lớn cho Ocean Vuong và mẹ của mình khi bà đang nằm viện và chống chọi lại căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Suốt cuộc đời của Vuong, anh đã chứng kiến được một người mẹ vĩ đại khi bà quần quật làm mọi công việc để nuôi anh lớn.

Bật khóc tại buổi ra mắt sách, mẹ của Vuong ngậm ngùi chia sẻ: “Má chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ sống được đến ngày nhìn thấy những người Mỹ trắng lớn tuổi cùng nhau vỗ tay chúc mừng và tán thưởng cho thành công của con trai má”.

Ocean Vuong sau khi tốt nghiệp đại học đã theo học chương trình thạc sĩ văn chương ở Đại học New York vào năm 2017. Sau khi hoàn thành, anh bắt đầu giảng dạy tại Đại học Massachusetts, Amherst. Anh được tờ Foreign Policy bình chọn là một trong 100 nhà tư tưởng toàn cầu vì đã viết lại ranh giới của chủ nghĩa dân tộc.

Bài viết

Hoàng Thiên Tân

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ