Kevin Systrom, cha đẻ ứng dụng Instagram: Từ kẻ vô danh thành triệu phú đô la sau 18 tháng

Cha đẻ của Instagram Kevin Systrom trở nên nổi tiếng tức thì sau khi bán lại ứng dụng này cho Facebook với giá 1 tỷ USD.

Bài viết Song Long
Chia sẻ

Sinh năm 1983, Kevin Systrom là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Instagram - ứng dụng chia sẻ ảnh trực tuyến nổi tiếng thế giới. Instagram được nhiều người chọn dùng để kể chuyện bằng hình ảnh - có thể là những nhân vật nổi tiếng, các tòa soạn báo, nhạc sĩ, thanh thiếu niên hay bất kỳ ai. 

Trong vòng gần 2 năm kể từ khi ra mắt, Instagram đã được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD vào năm 2012. Instagram có 500 triệu người dùng hoạt động hàng ngày và có 4,2 tỷ lượt thích trên Instagram mỗi ngày.

Đứng sau sự thành công của Instagram chính là nỗ lực tuyệt vời của nhà sáng lập Kevin Systrom.

Nói về cuộc sống cá nhân, Kevin là một người rất kín đáo. Anh đã hoàn thành bằng Cử nhân Khoa học Quản lý và Kỹ thuật tại Đại học Stanford. Anh lần đầu tiên làm quen với lập trình khi còn ở tuổi thiếu niên và bị cuốn vào thế giới lập trình kể từ đó.

Niềm đam mê lập trình đã giúp anh bước vào thế giới công nghệ khi còn rất trẻ. Điều trớ trêu là công việc thực sự đầu tiên của Kevin lại không phải là lập trình.

Trong những ngày học trung học, Kevin bị ám ảnh bởi việc trở thành một DJ. Có lần, anh còn viết email cho một cửa hàng băng đĩa nhựa để xin việc. Khi bắt đầu cuộc sống đại học tại Stanford, anh đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra mình có hứng thú hơn với các môn học thực tế như tài chính và kinh tế.

Tại Stanford, anh là một trong số ít sinh viên được chọn tham gia Chương trình Nghiên cứu sinh Mayfield. Đây cũng là khoảng thời gian mạng xã hội Facebook ra mắt.

Một điều thú vị là Mark Zuckerberg từng cố gắng thuê Kevin khi anh ấy vẫn còn là một sinh viên đại học tại Stanford vào năm 2004. Tất nhiên, Kevin không tham gia vì muốn hoàn thành chương trình học của mình trước.

Sau khi lấy bằng, Kevin gia nhập Google với tư cách là Phó giám đốc tiếp thị sản phẩm. Tại Google, anh đã làm việc trên một số sản phẩm phổ biến như Gmail, Bảng tính, Tài liệu, Lịch cho đến khi được chuyển sang nhóm Phát triển Công ty.

Vào năm 2009, Kevin đưa ra quyết định mạo hiểm lớn trong đời. Chàng trai trẻ gia nhập công ty khởi nghiệp có tên Nextstop.com với vai trò giám đốc sản phẩm. Công ty khởi nghiệp được thành lập bởi các cựu nhân viên của Google và đưa ra các đề xuất du lịch hấp dẫn cho khách hàng. Tại Nextstop, anh có cơ hội viết mã và các chương trình liên quan tới ảnh. 

“Khi đang làm việc tại NextStop, tôi bắt đầu học lập trình vào ban đêm. Tôi chỉ lập trình theo sở thích và chỉ làm những thứ cơ bản nhất. Song chính những thứ cơ bản này đã giúp tôi trở nên vững chắc hơn sau này. Từ đó, tôi rút ra bài học rằng, đừng từ bỏ điều gì sớm nếu bạn thực sự đam mê nó và những điều tôi học được đều từ những công việc quen thuộc và cơ bản hàng ngày, chứ không phải từ những gì tôi học được ở trường”, Kevin tâm sự.

Khi rảnh rỗi, Kevin đầu tư vào một ứng dụng chia sẻ ảnh dựa trên vị trí có tên là Burbn. Sau cuộc gặp thành công với doanh nhân Andreessen Horowitz vào năm 2010, Kevin nghỉ việc và tiếp tục thành lập Burbn.

Trong vòng hai tuần sau khi nghỉ việc, anh đã nhận được số tiền đầu tư 500.000 USD từ Baseline Ventures và Andreesen Horowitz. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh gọi Mike Krieger, người bạn cùng tốt nghiệp Stanford, để cùng điều hành công ty khởi nghiệp. Thế nhưng, ứng dụng Burbn không thu hút được sự quan tâm của công chúng. 

Mọi thứ không diễn ra tốt đẹp như Systrom đã mong đợi. "Chúng tôi nhận thấy các bức ảnh chụp bằng điện thoại là cơ hội tuyệt vời và quyết định thử nghiệm ý tưởng này. Mất một tuần chỉnh sửa lại Burbn để tập trung vào mảng ảnh nhưng trông nó khá tệ hại nên chúng tôi buộc phải quay trở lại phiên bản ban đầu", Kevin kể.

Chàng trai trẻ lại tiếp tục vùi đầu vào làm việc. Ứng dụng được trang trí với nhiều bộ lọc làm cho các bức ảnh trông nghệ thuật. Sau hai tháng chỉnh sửa mã và tinh chỉnh nền tảng, bộ đôi Kevin và Krieger đã tạo ra Instagram.

Tháng 10/2010, Instagram chính thức ra mắt. Lúc này ứng dụng đã được trang bị khả năng chụp ảnh đẹp nổi bật vì giúp người dùng có thể chọn các bộ lọc để chỉnh màu cho bức ảnh trở nên lung linh hơn trước khi được chia sẻ lên mạng xã hội. Trong vòng hai giờ kể từ khi Instagram hoạt động, các máy chủ của nó liên tục gặp sự cố do số người truy cập đăng ký quá cao. Hai nhà sáng lập đã làm việc "điên cuồng" cả đêm vì sợ thất bại. 25.000 người được cho là đã đăng ký trên nền tảng này trong 24 giờ đầu tiên.

Mọi người thích cách ứng dụng cho phép họ chia sẻ ảnh và video trực tuyến. Nền tảng này cho phép họ chia sẻ album ảnh kỹ thuật số với bạn bè và gia đình. Trong vòng 9 tháng kể từ khi ra mắt, Instagram đã có 7 triệu người dùng trên toàn thế giới. Một số người dùng nổi tiếng nhất của ứng dụng này bao gồm Justin Bieber và Ryan Seacrest.

Đến năm 2012, Instagram được định giá 25 triệu USD và tiếp tục gặt hái thành công. Vào tháng 9/2011, những người sáng lập đã đưa ra phiên bản 2.0, bao gồm các bộ lọc trực tiếp, đường viền, xoay và một biểu tượng được cập nhật. 

Với việc ra mắt ứng dụng trên nền tảng Android, những người sáng lập đã thu hút được hơn một triệu người dùng trong vòng chưa đầy một ngày. Ứng dụng cũng trở thành một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Google Play.

Những thành công của Instagram buộc Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg phải chú ý đến. Rất nhiều người dùng Facebook đã ngừng sử dụng Facebook để đăng ảnh, thay vào đó họ chọn Instagram. Đó là một vấn đề cấp bách đối với Zuckerberg. Kevin và CEO Facebook từng gặp nhau tại buổi họp mặt ở Stanford và Zuckerberg giống như một người cố vấn cho Kevin.

Tại một hội nghị, Kevin được đề nghị 500 triệu USD cho Instagram. Khoảng thời gian này, Mark Zuckerberg cũng đã đề nghị mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu. 

Vào tháng 4/2012, Instagram cùng với 13 nhân viên đã được Facebook mua lại. Ngay cả sau thương vụ này, Instagram vẫn là một công ty được quản lý độc lập dưới sự quản lý của Facebook, Inc. Cổ phiếu của Facebook sau đó tăng mạnh, nâng giá trị tài sản ròng của Systrom lên hơn một tỷ USD. 

Giá trị tài sản ròng của Kevin là 400 triệu USD khi anh bán Instagram cho Facebook với giá 1 tỷ USD. Lúc này, anh mới 28 tuổi. Kể từ khi bán lại Instagram, Kevin đã thực hiện tổng cộng ba khoản đầu tư, bao gồm Blue Bottle Coffee, Sparks và Even.

Thành công của Kevin đối với Instagram rõ ràng không phải là sự may mắn, mà là kết quả của việc chàng CEO dám quyết tâm thực hiện hóa ý tưởng và nhiều đêm tự mày mò học lập trình.

Bài viết

Song Long

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ