Bác sĩ tâm sự chuyện chăm sóc bệnh nhân COVID-19: '10, 20, 30 giây. Tôi ngỡ như mình bị phơi nhiễm phóng xạ vậy'

"Bạn đã xem chương trình thảm họa hạt nhân Chernobyl trên kênh HBO chưa? Virus cũng vậy đấy. Có những rủi ro vô hình đang rình rập xung quanh chúng ta”, một bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 chia sẻ.

Bài viết Phương An
Chia sẻ

Michelle Au đang làm việc tại Bệnh viện Emory St. Joseph ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ). Nhưng trong thời khắc này, cô lại cảm thấy mình như đang ở giữa thảm họa hạt nhân Chernobyl.

Là một bác sĩ gây mê, Michelle phải thực hiện một trong những quy trình nguy hiểm nhất khi chữa trị cho người nhiễm COVID-19: đặt nội khí quản. Để đặt được ống khí quản cho bệnh nhân, bác sĩ phải kề sát miệng người bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì bệnh nhân có thể ho, hắt hơi, làm phát tán virus và chúng có thể lơ lửng trong không khí vài giờ sau đó.

Tuần trước, bác sĩ Michelle đã đặt nội khí quản cho 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19. “Tôi cảm nhận được từng khoảnh khắc đang trôi qua lúc đó. 10 giây. 20 giây. 30 giây. Tôi cảm thấy như mình bị phơi nhiễm phóng xạ vậy.

Bạn đã xem chương trình thảm họa hạt nhân Chernobyl trên kênh HBO chưa? Virus cũng vậy đấy. Có những rủi ro vô hình đang rình rập xung quanh chúng ta”.

Những rủi ro vô hình đó - dấu vết của virus corona - có thể ẩn náu dưới móng tay hay trên một sợi tóc và đó thực sự là cơn ác mộng với bác sĩ Michelle. Cô lo sợ bản thân có thể bị nhiễm bệnh vì cô còn có chồng và 3 đứa con nhỏ đang chờ ở nhà.

Vì vậy, mỗi ngày trước khi rời khỏi bệnh viện, bác sĩ Michelle đều tắm, gội đầu cận thẩn và thay quần áo sạch sẽ. Khi về tới nhà, cô lại làm điều tương tự vì người cô có thể đã dính phải virus trong lúc lái xe. Sau đó, bác sĩ Michelle lại pha loãng dung dịch thuốc tẩy lau sạch mọi bề mặt mà cô đã chạm vào như tay nắm cửa, vô lăng, điện thoại,…

Cách đây không lâu, bác sĩ Michelle cho rằng những biện pháp phòng ngừa này thật điên rồ. Nhưng bây giờ, nó lại rất phù hợp.

Trong suốt 2 tuần qua, bác sĩ Michelle đã phải ngủ dưới tầng hầm, trong khi chồng cô, một bác sĩ phẫu thuật, vẫn ngủ trong phòng của hai vợ chồng. Bởi nhẽ “trong chúng tôi phải có một người khỏe mạnh”.

Trường hợp của bác sĩ Michelle không phải là duy nhất mà đó là quy tắc chung của các y bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Kể từ cuối tháng 2, bác sĩ John Marshall, trưởng khoa cấp cứu tại Trung tâm y tế Maimonides ở Brooklyn, đã phải ngủ riêng phòng với vợ. Mỗi ngày, bác sĩ Marshall được về nhà khoảng 1-2 tiếng để gặp 3 đứa con trai 11, 13 và 15 tuổi của mình. Nhưng nhiều đồng nghiệp của anh còn cho gia đình chuyển tới nơi khác an toàn hơn hoặc thuê phòng Airbnb để tự cách ly.

Vào tuần tới, Đại học Columbia đang lên kế hoạch cho phép các bác sĩ và nhân viên y tế sống trong ký túc xá của trường để hạn chế thời gian đi lại và nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Một số bác sĩ đã nhiễm virus. Bác sĩ Richa Bhardwaj, bác sĩ khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Lenox Hill ở Manhattan, có chồng cũng là bác sĩ và kết quả xét nghiệm trả về hôm 25/3 cho thấy anh đã dương tính với COVID-19. Cặp đôi có một bé gái 5 tháng tuổi và bây giờ gia đình họ phải tạm chia tay nhau.

Bác sĩ Bhardwaj mang theo con gái tới nhà anh trai ở Yonkers. Tại đây, cô tự cách ly mình trong phòng ngủ trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Mỗi ngày cô sẽ vắt sữa rồi nhờ chị dâu cho con gái ăn.

Cô tự hỏi liệu con gái có quen không khi sống ở một nơi xa lạ. Và cô cũng rất lo sợ sẽ lây nhiễm cho con gái và người thân trong gia đình. “Tôi đã không thấy con bé từ hôm qua. Tâm trạng tôi lúc này rất rối bời”, bác sĩ Bhardwaj nói.

Bác sĩ Marshall chia sẻ: “Chúng tôi biết cách xử lý vết thương do đạn bắn, chúng tôi biết phải làm gì khi có người bị nhiễm trùng huyết hoặc lên cơn đau tim. Nhưng trong trường hợp này, chúng tôi không chắc làm sao để bảo vệ chính mình nên cũng không có biện pháp nào có thể đảm bảo sự an toàn cho người thân”.

Khi bị kẻ thù vô hình rình rập xung quanh, bác sĩ Sharon Levine, trưởng khoa lão khoa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, đã phải thốt lên: “Nếu tôi có thể ngâm mình trong thuốc khử trùng thì tốt biết mấy”.

Các nghiên cứu cho thấy, nhân viên y tế có nhiều khả năng nhiễm virus corona hơn so với người bình thường và một khi nhiễm bệnh, họ sẽ phải chịu đựng các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Nhiều bác sĩ đã tự phân phát đồ bảo hộ của mình gồm áo choàng, găng tay, khẩu trang và…. ngồi viết di chúc trong thời gian rảnh.

Bác sĩ Mechille và chồng thường ngồi lại với nhau vào cuối tuần và lên danh sách những ai có thể chăm sóc các con nếu nhỡ may họ có mệnh hệ gì. Bác sĩ Mechille nói: “Chúng tôi đã đào sâu 4 tầng lớp. Hai ưu tiên hàng đầu là người cao tuổi nhưng họ lại nằm trong nhóm nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Lựa chọn thứ 3 là bác sĩ nhưng khả năng nhiễm bệnh của họ vẫn ở ngưỡng cao. Vì vậy, chúng tôi đã chọn phương án thứ 4: ký hợp đồng với một người có nguy cơ thấp”.

Bà mẹ đơn thân Jane van Dis là một bác sĩ sản phụ khoa ở Los Angeles đồng thời là giám đốc phụ trách mảng y tế cho phần mềm Maven. “Tôi chợt nhận ra rằng nếu mình xảy ra điều gì bất trắc thì cuộc đời tôi sẽ khép lại trong trí nhớ của mình. Vì vậy, tôi đã viết ra hết những điều quan trọng như bảo hiểm nhân thọ và khuyết tật, thế chấp, khoản vay tự động và những chi tiết trong cuộc đời. Nếu ai đó giúp tôi sau khi qua đời, chí ít họ cũng có vài thông tin cơ bản”.

Bác sĩ Marshall cũng đang hối thúc các đồng nghiệp của mình lập di chúc. “Chúng tôi biết điều gì sắp xảy ra. Đã có rất nhiều người chết ở đây và các nhân viên y tế là một phần trong số đó”, bác sĩ Marshall nói.

Bác sĩ lão khoa Vicki Jackson cũng nói rằng, gần đây cô đã tâm sự với chồng, nói anh hãy tái hôn nếu như cô chết đi. “Nhưng cô ấy phải là người cứng rắn nhé. Em không muốn bọn trẻ sẽ có một người mẹ yếu mềm”, bác sĩ Jackson thủ thỉ với chồng.

Từng chăm sóc rất nhiều bệnh nhân nặng nên bác sĩ Jackson hiểu rõ điều gì đang chờ đợi cô ở phía trước. “Hầu hết mọi người đều phủ nhận sự thật rằng cuộc sống có thể thay đổi trong nháy mắt. Và làm trong ngành y tế, chúng tôi hiểu rõ điều đó”.

Do công việc của bác sĩ Jackson là chăm sóc những người cao tuổi nên cô đã chứng kiến nhiều cảnh tượng sinh ly tử biệt, có nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị cho giây phút cuối đời của bệnh nhân. Mỗi lúc như vậy, cô thường hỏi bệnh nhân và gia đình của họ rằng: Cuộc sống có ý nghĩa như thế nào? Bạn có việc gì muốn mà chưa làm được không?

Nhưng bây giờ, những cuộc trò chuyện tựa như sức nặng ngàn cân ấy lại trở nên đơn giản, dễ khơi gợi hơn rất nhiều. Có lẽ, đại dịch đã khiến các bệnh nhân dũng cảm hơn trước.

Đồng nghiệp của cô, bác sĩ Levine đã giành vài tuần để nói chuyện với các bệnh nhân cao tuổi về việc chăm sóc trong những ngày cuối đời của họ liệu có sự thay đổi nào không nếu họ bị nhiễm virus corona.

Và một bệnh nhân đã nói rằng cô ấy không muốn được chữa trị và không muốn đặt nội khí quản. “Cô ấy tuyên bố nếu ai đó cần máy thở hơn cô ấy thì họ nên có nó”.

Mỗi bác sĩ đều lo sợ sẽ hết máy thở và đồ bảo hộ như khẩu trang. Họ bị sốc toàn tập vì đại dịch này đã bóc trần sự bấp bênh của hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ.

Ai có thể tượng tưởng được rằng, các bác sĩ ở Mỹ phải lên mạng xã hội để xin đồ tiếp tế? Các bệnh nhân đã gọi điện cho tôi và nói: ‘Tôi tìm thấy 3 chiếc mặt nạ trong hộp dụng cụ. Tôi có thể mang tới cho cô không?’ Và họ mang chúng tới, đặt ở lối vào của bệnh viện”, bác sĩ Michelle kể.

Nói về hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, bác sĩ Michelle thất vọng nói: “Cả đời bạn đã tin tưởng hệ thống chăm sóc sẽ đảm bảo an toàn cho bạn. Bạn cứ chờ hệ thống khởi động. Nhưng bạn bất chợt nhận ra không có ai đến cứu mình”.

Trong khi đó, bác sĩ Jackson nói: “Chúng tôi như đang đứng trong bóng tối vô tận bên đại dương. Chúng tôi đang chờ sóng đến mà không biết sóng sẽ cao đến nhường nào”.

Hiện tại, các bác sĩ vẫn đang miệt mài làm việc. 80 đôi khi là 100 giờ mỗi tuần. Họ sẽ không ngừng lại cho đến khi máu ngừng chảy.

Bài viết

Phương An

Thiết kế

Tuấn Lê

Theo

The New York Times

Chia sẻ