Trung Thu ở bệnh viện dã chiến: 'Niềm vui con trẻ vẫn tròn đầy'

Bên trong khuôn viên của bệnh viện dã chiến, có những gương mặt được che chắn bằng lớp khẩu trang, nhưng ánh mắt vẫn ngập tràn niềm vui. Giữa những bộn bề, lo âu của ngày dịch bệnh, các em thiếu nhi F0 vẫn có một vòm trời cảm xúc để bay bổng và yêu thương.

Bài viết Team Đời Sống
Chia sẻ

Nếu từng là một đứa trẻ lớn lên ở Sài Gòn, bạn sẽ "gạch đầu dòng" những gì khi nói về Trung Thu? 

- Ông trăng tròn vành vạnh

- Những chiếc bánh Trung Thu thơm lừng hương mè đen, béo bùi vị hạt sen.

- Phố lồng đèn Lương Nhữ Học tấp nập người và xe.

- Những con đường nghẹt người, được dát vàng bởi ánh đèn.

- Một mâm trà - mứt đoàn viên

...

Nhưng có lẽ, Trung Thu năm 2021 là mùa Trung Thu "lạ kì" nhất, đặc biệt là với trẻ con. Dịch bệnh làm mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng. Phố xá cũng chẳng còn rộn ràng tiếng nói cười, đường Lương Nhữ Học vắng lặng, chỉ có những rào phong tỏa chắn ngang. 

Nhiều đứa trẻ đã phải đón Trung Thu trong một nơi "không mong muốn": bệnh viện dã chiến. Một mùa Trung Thu tưởng chừng sẽ không có trống lân, không có những cuộc rước đèn rực rỡ, cũng chẳng có mộng mơ. 

Ấy vậy mà giữa những khắc nghiệt, đầy âu lo của dịch bệnh, các y bác sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến số 4 (đơn vị được phụ trách bởi bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM) đã tổ chức cho các em nhỏ một Trung Thu vô cùng đáng nhớ.

BS CKI Nguyễn Cát Phương Vũ chia sẻ: "Đó là một chương trình Trung Thu "dã chiến" không kịch bản đến từ một bạn tình nguyện viên của ATM F0. Tết Trung Thu về, bầu trời có ông trăng tròn vành vạnh. Mọi năm, các gia đình vẫn còn cơ hội tại nhà bày những mâm cỗ với những chiếc bánh nướng, bánh dẻo tròn lẳn thơm lừng cùng đèn kéo quân xoay tròn lấp lánh, nhà nhà đầy những niềm vui trọn vẹn.

Nhưng bọn trẻ F0 tại chốn dã chiến thì khác, dịch bệnh cướp đi cơ hội tận hưởng trọn vẹn tuổi thơ của chúng. Đã vậy, rất nhiều trẻ còn thiếu điều kiện, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu tình thương gia đình hay đau đớn tột cùng khi có nhiều bạn nhỏ phải chịu phận mồ côi, mất đi ông bà cha mẹ quá sớm, quá nhanh và quá nguy hiểm. 

Chúng tôi muốn góp sức cùng nhau mang lại cho các em một đêm Trung Thu nhiều ý nghĩa".

Bệnh Viện Dã Chiến 4 là nơi có số lượng F0 trẻ em cao kỉ lục cả nước, gần 600 bé. Bạn Hồng Loan (tình nguyện viên) đã cùng với các tình nguyện viên khác  chuẩn bị quà bánh, lồng đèn... từ đêm hôm trước. Một chương trình "không kịch bản" cứ thế diễn ra.

Buổi tối, các bệnh nhi F0 được tràn xuống sân, vẫy gọi nhau, cười nói với những chiếc lồng đèn đầy sắc màu. 

Các em được dầm mưa múa lân, nhảy break-dance, rước lồng đèn và phá cỗ Trung Thu. Nhiều em vẫn chưa hình dung được không gian mà mình đang ở là bệnh viện dã chiến, nơi điều trị Covid-19, một đại dịch của thế kỉ. 

Niềm vui con trẻ rất đơn giản và sáng trong. Các em vẫn rước đèn, nhận bánh Trung Thu, hớn hở với những ánh nến lung linh... Hạnh phúc và yêu thương cứ thế mà lan tỏa. 

BS Phương Vũ nói thêm: "Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố và Bệnh viện Dã Chiến 4 rất trân trọng tấm lòng và tâm huyết của các bạn tình nguyện viên. Các bạn đã mang đến một chương trình nhiều ý nghĩa và rất kịp thời đối với những mảnh đời tuổi thơ gặp nhiều trắc trở. Hy vọng những chương trình ý nghĩa như thế này sẽ luôn được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn nữa ở nhiều nơi, đặc biệt đối với những lực lượng tuyến đầu chống dịch ở nước ta.

Vì cuộc sống này còn nhiều điều đẹp lắm. Tại sao chúng ta không chọn cho mình cách dung nạp yêu thương nhiều hơn mỗi ngày. Gác lại những bộn bề ngoài kia, chúng tôi vui vì đã giúp được cơ số những mảnh đời khó khăn. Còn đối với các bạn tình nguyện viên, hành động là từ trái tim, nên rất ấm áp".

Chương trình diễn ra dưới cơn mưa phùng lất phất, bọn trẻ bị bí bách ngột ngạt, đã "chạy giỡn" hết cỡ trong khu cách ly. "Không khí rộn rã ấy còn giúp đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi cũng an lòng hơn thực hiện công việc chuyên môn tại môi trường khắc nghiệt vốn dĩ nhiều niềm đau hơn tiếng cười", BS Vũ cho biết.

Nhiều ngày trước, bệnh viện dã chiến số 4 đã đón nhận hai trường hợp đặc biệt. Đó là hai em bé F0 bị bỏ rơi, các y bác sĩ, tình nguyện viên đã thay nhau "làm bố, làm mẹ" các em trong suốt thời gian qua. 

Người pha sữa, người thay tã... tất cả đều dành sự thương yêu, chăm sóc tận tình nhất cho hai em. 

Trung thu này, cả hai cũng đã có những niềm vui đong đầy. Các cô điều dưỡng đã bế em xuống sân để em "chạm" vào những chiếc đèn lồng nhiều sắc màu, thấy anh chị quanh mình cười giỡn, rôm rả. Các em được tặng cho những món đồ chơi xinh xắn. 

Đây có lẽ là một Trung Thu vô cùng đáng nhớ đối với nhiều em thiếu nhi. 

Dưới ông trăng tròn vành vạnh, bên chiếc lồng đèn sắc màu, có những niềm vui thật rực rỡ sẽ tiếp tục được gửi trao.

BS Vũ cho biết: "Trung Thu này, có nhiều đại gia đình không được ở bên nhau, cũng có thể mất nhau vĩnh viễn. Nhưng những người còn ở lại, thì nhất định phải vui, phải dành nhiều nhất tình yêu thương đến lấp đầy những khoảng trống.

Trung thu dã chiến, với màn rước đèn chan hòa giữa các bạn tình nguyện viên và y bác sĩ, bọn trẻ vẫn có cái kết tương đối trọn vẹn và ấm cúng".

Bài viết

Team Đời Sống

Thiết kế

Nyny Võ

Chia sẻ