Logo Saostar - Special
SPECIAL

Tết của những người hùng thầm lặng: 'Cảm giác tủi thân khi Tết không được về nhà đã qua lâu lắm rồi'

Chia sẻ

Sài Gòn, 30 Tết… Cái không khí nô nức, hối hả như len vào tận trong con hẻm, góc chợ và những ngôi nhà nhỏ. Những chiếc xe máy chật ních hàng hóa, bánh mứt... đổ về con đường lớn. Ở góc công viên, những tiểu thương bán hoa cũng đã khệ nệ chất từng chậu sành lên xe hàng, cẩn thận đếm lại số tiền bán được trong mấy ngày qua. Nhiêu đó tiền chắc cũng đủ để tạt qua buổi chợ cuối năm, sắm sửa cho sấp nhỏ ở nhà thêm bộ quần áo mới, bánh mứt cúng ông bà.

Sài Gòn, 30 Tết… Những chiếc xe khách cuối cùng cũng đã lăn bánh rời khỏi thành phố, chở theo mong nhớ của bao người con xa quê. Cái xóm nhỏ cũng rộn ràng tiếng nhạc xuân, báo hiệu Tết đang đến thật gần rồi đấy.

Và cũng là Sài Gòn, 30 Tết… Khi khu chợ bắt đầu vơi bớt tiếng rao hàng, bảo vệ chợ cũng bắt đầu ngày làm việc của mình. Họ dọn từng sạp hàng, nhắc nhở tiểu thương đóng cửa ra về, kê lại bàn ghế rồi quay trở lại căn nhà nhỏ bên hông chợ cùng chờ giao thừa. Không người thân, Tết của họ là tiếng pháo giao thừa rền vang bên chiếc TV cũ kĩ, những ca trực thay phiên nhau để giữ bình yên cho khu chợ.

Sài Gòn, 30 Tết... Bên trong phòng cấp cứu là những giờ “nghẹt thở” để giữ mạng sống cho bệnh nhân. Và cũng từ đó mà bao câu chuyện cảm động, tiếc nuối, buồn vui đã được kể.

Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Văn Ngang (thuộc Ban quản lí chợ Xóm Củi, quận 8) chưa bao giờ than thở. Ông đã có 20 cái Tết ở khu chợ này. Với ông, chợ là cuộc đời, ông thuộc từng đường đi, ngã rẽ, căn sạp, ngóc ngách nhỏ… “Hơn 10 năm trước, chỉ tầm 20 Tết là lượng người đi chợ đã đông đúc rồi. Khi ấy chưa có nhiều siêu thị tiện lợi nên chợ truyền thống là nơi tập trung mua sắm lớn nhất. Cao điểm là từ 20 Tết đến giao thừa, chúng tôi tập trung 100% lực lượng để trực Tết. Mấy ngày đó cực mà vui, bởi hàng quán hoạt động hết công suất, bà con tiểu thương ai nấy cũng phấn khởi. Đường phố cũng nhộn nhịp hơn hẳn, có những sạp hàng sáng đèn xuyên đêm mà vẫn tấp nập người ghé thăm”. Đó là những kí ức đẹp đẽ của ông về Tết. 

Điều buồn nhất trong lòng ông là những mùa Tết đi qua, chợ truyền thống không còn nhiều người ghé thăm như trước. Cũng phải, người ta có nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng đối với ông, cái không khí chợ Tết là một điều diệu kì không thay thế được. Đó là tiếng rao hàng lảnh lót của các chị sạp rau, mấy đứa nhỏ nắm chặt tay mẹ hòa vào dòng người đông đúc, ánh mắt reo vui khi thấy mớ bánh mứt nhiều màu sắc, các chị phụ nữ tay thoăn thoắt lựa những bó hoa tươi nhất, ngát hương nhất về dâng cúng ông bà. Nhiêu đó thôi cũng khiến Tết “thức dậy” trong lòng mỗi người. 

Ngày giao thừa, mọi người bắt đầu phân ca trực để dàn trải lực lượng hết mùa Tết. Tầm 12 giờ, tiểu thương sẽ dọn dẹp xong để về nhà ăn Tết. Ông Ngang kể: “Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, chúng tôi phải đến từng sạp hàng coi họ đã tắt đèn hay chưa, rác đã được ra bãi như thế nào. Tầm 5 giờ chiều, anh em mới bắt đầu tắm rửa và đón Tết”.

Thông thường, tổ bảo vệ và ban quản lí sẽ ưu tiên cho các chị em phụ nữ về đón Tết cùng gia đình. “Bao giờ cũng vậy, trước Tết họ sẽ kho cho anh em trực đêm nồi thịt, trái cây để sẵn… Gọi là đón Tết nhưng cứ chốc chốc chúng tôi lại đi tuần khắp khu chợ, rọi đèn pin xem ngóc ngách để đảm bảo an ninh khu vực. Trời thương, 20 năm qua tôi chưa phải đụng độ với cướp, người dân chợ cũng hiền lành”. 

Cảm giác chạnh lòng khi đón Tết không có người thân của ông đã qua lâu lắm rồi. Ông kể, mọi người tự tạo Tết cho nhau. Bên trong lòng chợ, vài anh em quây quần bên nhau quanh đĩa mứt nhiều màu sắc, chiếc TV cũ kĩ bắt đầu phát ra những âm thành vui tai: Xuân xuân ơi xuân đã về. Có nỗi vui nào hơn ngày xuân đến… Những cảm giác buồn bã, tiếc nuối hay chạnh lòng trong năm cũ trôi qua rất mau. Ông nhanh chóng rút trong túi ra xấp bao lì xì đỏ thắm, trao cho các anh em trực cùng. Mùa xuân của ông chỉ giản đơn vậy thôi. 

“Phòng cấp cứu”, chiếc biển đỏ được đặt trước căn phòng màu trắng nằm trong góc bệnh viện. Nơi bạn sẽ thấy được những thấp thỏm của người mẹ đợi con, có người chồng cứ đi loanh quanh trước cánh cổng chờ vợ, nơi những giọt nước mắt có thể chực tràn bất kì lúc nào, nơi người ta chiến đấu trước lằn ranh sinh tử. 

 

Tết, bệnh viện vắng lặng hơn bao giờ hết. Người người về quê ăn Tết, những ca bệnh nhẹ được cho xuất viện, khuôn viên bệnh viện vắng lặng chỉ còn tiếng lá cây xào xạc. Phòng cấp cứu là nơi mà các bác sĩ túc trực 24/7. Bác sĩ Lê Nguyễn Hoàng (trưởng khoa cấp cứu bệnh viện quận 11, TP.HCM) chia sẻ: “Hiện tại, khoa cấp cứu đang duy trì hình thức trực 3 ca 4 kíp để các nhân viên y tế có thời gian xoay tua. Trở thành bác sĩ khoa, dường như mọi người đã quen với việc không có Tết. Không khí bệnh viện vắng lặng, yên tĩnh nhưng phòng cấp cứu vẫn có bệnh nhân. Thông thường là các bệnh bị thương do chơi pháo Tết, chấn thương, tai nạn giao thông, ngộ độc rượu…”

Tết năm 2020, người dân Việt Nam đã không khỏi lo lắng, hoang mang trước những ca mắc COVID-19 mới xuất hiện. Người đàn ông Trung Quốc dương tính với virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng được đưa đi cách li cùng vợ và con.

Mùng 2 Tết, bác sĩ Lê Nguyễn Hoàng cùng các anh em trong bệnh viện nhận được nhiệm vụ đón vợ của bệnh nhân mắc COVID-19 về bệnh viện cách li. Anh chia sẻ: “Trước đó, chúng tôi đã được tập huấn, phân chia lực lượng phản ứng nhanh nhưng không ngờ mọi thứ lại diễn ra đột ngột như vậy. COVID-19 ở Việt Nam khi ấy là một khái niệm mới, nhưng ở Trung Quốc, nó đã lây lan một cách nhanh chóng và trở thành cơn đại dịch. Sợ có, lo lắng có, hoang mang có. Trước đó, tôi cũng đã từng tiếp xúc với bệnh nhiễm như lao, cúm… nhưng COVID-19 lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đồ phòng hộ trên người, thiết bị dụng cụ sẵn sàng, chúng tôi kích hoạt quy trình vận chuyển bệnh an toàn từ bệnh viện Chợ Rẫy sang phòng cách li riêng biệt tại bệnh viện quận 11. Bất kì ai trải qua lần tiếp nhận bệnh đó đều có tâm trạng lo lắng khi trở về nhà, ai cũng sợ mình sẽ trở thành nguồn lây bệnh cho gia đình”.

Tết, phòng cấp cứu luôn sáng đèn. Bên trong căn phòng là những câu chuyện ngậm ngùi, tiếc thương, những lần đổ mồ hôi của ê-kíp y bác sĩ để dành lại sự sống cho bệnh nhân hay lặng lẽ chứng kiến sự ra đi đột ngột. “Có lần, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân nam ngưng tim, ngưng thở, đây là tình trạng bệnh nặng nhất trong cấp cứu. Ông được một người hàng xóm đưa vào, sau đó con của ông đến thấy bố đã mất nên khóc rất nhiều. Hỏi ra mới biết, sáng anh ấy vẫn đi làm bình thường, chào bố như thường ngày. Cứ ngỡ chiều sẽ gặp được bố nhưng không ngờ ông đi uống cà phê rồi lên cơn đột quỵ tim. Anh không chứng kiến được cảnh bố bệnh, bố mất, đó là nỗi đau khôn nguôi khiến chúng tôi cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động”.

Đi qua những câu chuyện trong phòng cấp cứu, đối với anh Hoàng, điều quan trọng nhất đó chính là thời gian và sức khỏe. Có những tai nạn đau lòng đã xảy ra dù bệnh nhân mới vừa qua tuổi đôi mươi. “Lần đó, bạn nam chở bạn nữ đi xem đá banh thì xảy ra mâu thuẫn với nhóm thanh niên. Cự cãi qua lại, nhóm này đã dùng dao đâm em ấy xuyên tim, vết thương sâu làm mất máu nhiều dẫn đến tử vong. Khi người mẹ vào đã thấy con mình qua đời nên đã khóc đến ngất xỉu. Đó là những câu chuyện đau lòng đọng lại trong chúng tôi".

Tết ở bệnh viện là những buổi trực mọi người quây quần cùng nhau quanh đĩa bánh chưng, nồi thịt kho gói ghém mang vào. Văn phòng khoa yên lặng cho đến khi có tiếng xe cấp cứu vang vọng bên tai, mọi người lại tất tả đứng dậy, đón nhận bệnh nhân…