Nhật ký chống dịch tại TP.HCM: Căng thẳng và cam go nhưng không thiếu những trái tim quả cảm

Những Trung tâm y tế luôn sáng đèn bất kể ngày đêm, các tòa nhà dã chiến vẫn 'kiên cường' giữa lòng thành phố... Bầu không khí chống dịch của TP.HCM đầy căng thẳng, cam go nhưng không thiếu những trái tim quả cảm.

Bài viết Khải Anh
Chia sẻ
Nhật ký chống dịch tại TP.HCM: Những ngày khốc liệt và kiên cường Ảnh 1

Trời kéo mây đen vần vũ, cơn mưa chiều nhanh chóng đổ xuống. Mưa rơi tầm tã, rả rích bên hiên nhà, chị Ngọc Ánh (ngụ quận 8, TP.HCM) ghé mắt ra ngoài cửa sổ. Nhóm tình nguyện viên gồm 4-5 năm thành viên vẫn ngồi co ro, nép sát vào bên trong khoảng trống của cây dù. Bộ đồ bảo hộ PPE màu xanh giờ đã trở thành áo mưa, nhóm vẫn ngồi tỉ mẩn sắp xếp các mẫu xét nghiệm. Khoảnh khắc đó đã khiến cư dân tại con hẻm đường Phong Phú, phường 12, quận 8 không khỏi xúc động.

Hình ảnh trên là một trong vô vàn hình ảnh đáng nhớ của các nhân viên y tế, tình nguyện viên đang ngày đêm chống dịch. Tham gia vào công tác phòng chống dịch, bác sĩ Bùi Dương Khang (ngụ quận 10) đã có nhiều ngày đêm "căng mình" lấy mẫu cộng đồng. Khi được làm việc tại Trung tâm y tế quận Bình Tân, anh cho rằng mình đã bước vào một "cuộc chiến dài hơi". Cả đội thống nhất đóng quân tại Trung tâm y tế để thuận tiện cho công việc, vừa tránh nguy hiểm cho người thân.

Nhật ký chống dịch tại TP.HCM: Những ngày khốc liệt và kiên cường Ảnh 2

Anh chia sẻ: "Khoác lên mình chiếc áo Blouse trắng, mình tự thấy bản thân không thể ngồi yên trong cuộc chiến này. Ở đây, mọi người được bố trí chỗ ăn ngủ đầy đủ, anh em sum vầy như một gia đình để gắn kết tình đồng đội".

Quận Bình Tân hiện tại là điểm nóng của dịch COVID-19 với hơn hàng nghìn ca dương tính. "Đôi lúc, bản thân mình và cả đội cũng thấy choáng vì số lượng ngoài cộng đồng khá cao. Nhưng chính vì lẽ đó, bản thân và cả đội càng cố gắng và nỗ lực hơn để truy quét các ca dương tính ngoài cộng đồng sớm nhất có thể. Khối lượng công việc sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc có những hôm gấp đôi, nhưng bản thân và cả đội vẫn không thấy mệt mỏi vì càng làm tinh thần càng lên cao".

Một ngày của bác sĩ Khang tại Trung tâm Y tế bắt đầu từ sáng sớm. "Do đang trong thời gian cao điểm truy quét F0 nên công tác lấy mẫu được triển khai ráo riết. Với đặc thù là đi vào những khu đặc biệt có nguy cơ cao về lây nhiễm, nên mình và cả đội luôn đặt mình trong trạng thái nghiêm ngặt nhất", anh cho biết.

Nhật ký chống dịch tại TP.HCM: Những ngày khốc liệt và kiên cường Ảnh 3

"Tôi là bác sĩ Nguyễn Khắc Huy, đang công tác tại khoa Ngoại tiêu hoá bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện nay, tôi đang tham gia điều trị COVID-19 tại bệnh viện Dã chiến Cần Giờ. Tôi rất mong có thể đóng góp chút kiến thức và sức lực ít ỏi của mình để giúp đỡ. Mọi người có thể liên lạc qua số điện thoại của tôi".

Dòng nhắn nhủ vỏn vẹn vài dòng trên group Giúp nhau mùa dịch của bác sĩ Khắc Huy đã có gần 10 nghìn lượt tương tác. Nhiều người bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng của bác sĩ, một số bệnh nhân nằm trong khu phong tỏa tại TP.HCM đã có thêm một nơi để "khám bệnh online". Miệt mài với "trận chiến" COVID-19, buổi tối, bác sĩ Huy lại dành thời gian để trả lời bệnh nhân.

Những ngày số ca mắc COVID-19 không ngừng leo thang, giường bệnh tại bệnh viện Dã chiến Củ Chi đã không còn chỗ trống. Điện thoại hotline của bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận hàng chục cuộc gọi.

Những chiếc xe chở bệnh nhân F0 dừng trước bệnh viện Dã chiến, khi bệnh nhân di chuyển vào trong khuôn viên, đội ngũ xịt khử khuẩn lại tất tả làm việc. Các điều dưỡng nhanh chóng lấy thông tin bệnh nhân, phân loại triệu chứng, đo huyết áp, lấy sinh hiệu và phân phòng, nhập dữ liệu lên hệ thống. Bất kể khi nào bệnh nhân đến, quy trình chặt chẽ đó cũng phải được gấp rút thiết lập.

Nhật ký chống dịch tại TP.HCM: Những ngày khốc liệt và kiên cường Ảnh 4

Khi dịch bệnh bùng phát, bác sĩ Khắc Huy cho rằng mình không thể đứng ngoài cuộc chiến này khi cả nước đang "căng mình" chống dịch. Anh điền tên mình vào danh sách bác sĩ tình nguyện đến bệnh viện Dã chiến. Bác sĩ Huy có vợ và con gái 8 tuổi. Đến bệnh viện Dã chiến, nhiều bác sĩ vẫn chưa xác định được ngày về. Mấy lần trò chuyện qua điện thoại, con gái anh nói nhớ ba. Đó vừa là chút xót xa, vừa là động lực để anh không ngừng cố gắng.

Đối với những ca trở nặng quá nhanh, đội ngũ y bác sĩ phải có mặt nhanh chóng để đặt nội khí quản, tăng lượng oxy trong máu. Đây cũng là lúc họ đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao, bởi bệnh nhân không thể đeo khẩu trang. "Chúng tôi được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 khoảng 2-3 ngày/lần để đảm bảo an toàn", bác sĩ Huy cho biết.

Từng phẫu thuật cho những ca nặng như bệnh nhân HIV, viêm phổi đa kháng... nhưng đối với bác sĩ Khắc Huy, COVID-19 là câu chuyện hoàn toàn khác. Với anh, tinh thần lạc quan của bệnh nhân là điều khá quan trọng.

Nhật ký chống dịch tại TP.HCM: Những ngày khốc liệt và kiên cường Ảnh 5

"Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện Dã chiến với tâm lý rất hoang mang, lo lắng. Họ sợ mình không qua khỏi, sợ bị cộng đồng kì thị. Tôi giải thích cho họ hiểu rằng vì sao họ phải ở đây, bệnh nhân cần được động viên. Tôi muốn mang đến cho họ nguồn năng lượng tích cực, rằng họ không cô đơn, họ sẽ vượt qua được dịch bệnh. Tất cả đều đồng lòng thì dịch bệnh rồi sẽ qua đi", bác sĩ Huy cho biết.

Nhờ tinh thần đó, nhiều người đã được tiếp thêm liều vaccine an lành nhất, đó chính là sự lạc quan.

Nhật ký chống dịch tại TP.HCM: Những ngày khốc liệt và kiên cường Ảnh 6

Đó là câu nói của nhiều người đã để lại cho bác sĩ Dương Khang sau khi hoàn thành lấy mẫu. Điều này đã làm anh tan biến mọi mệt mỏi, dù sớm hôm hay tối muộn, dù nắng hay mưa. Đi cùng đội lấy mẫu qua nhiều ngày, bản thân anh cũng đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc nghẹn ngào.

Đó là dãy trọ có khoảng 150 người, nhưng lại có đến 20 ca nghi nhiễm. "Đa phần họ là những người công nhân, vừa khó khăn về tài chính, công việc, vừa lại mắc COVID-19".

Đó là vô số lần lấy mẫu những em bé nhỏ, những người khiếm thị. "Mình nhớ hoài hình ảnh đứa bé chưa đầy 1 tuổi mà phải đưa vào khu cách ly. Khoảnh khắc đó vừa xót xa, muốn rơi nước mắt vì bé còn quá nhỏ".

Đó là lần anh cùng nhận lệnh chuyển cấp cứu 6 bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp, trong đó có một bé nhỏ. Quá trình vận chuyển xe bị tai nạn trên đường, nhưng may mắn là chỉ bị trầy xước nhẹ. Tất cả bệnh nhân đều được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời và đảm bảo sức khỏe.

Nhật ký chống dịch tại TP.HCM: Những ngày khốc liệt và kiên cường Ảnh 7

Bác sĩ Khang đã gói ghém nó lại và gọi là "những ngày chống dịch không thể nào quên". "Thời gian qua, mình rất vui khi được góp một phần sức mình trong công cuộc chống dịch COVID-19 cùng thành phố. Với tư cách là một nhân viên y tế, mình không thể ngồi yên khi đại dịch diễn ra. Thời gian bắt đầu Chỉ thị 16 giãn cách xã hội quận Gò Vấp, và Chỉ thị 15 toàn thành phố, mình đã liên hệ với Thành Đoàn qua group Go Volunteer để tham gia vào đội hình hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm".

6 giờ chiều là thời gian nhiều người có thói quen xem số ca mắc COVID-19 trong ngày. "Đây là con số khá lớn khiến nhiều người lo lắng. Với cương vị là một nhân viên y tế, mình đồng cảm và chia sẻ với bệnh nhân COVID-19 về sự việc không mong muốn. Mình luôn nhắn nhủ rằng họ hãy yên tâm điều trị, chính quyền, lực lượng y bác sĩ sẽ hỗ trợ hết mức để bảo vệ sức khỏe của mọi người, đừng sợ hãi mà hãy đối diện", bác sĩ Khang chia sẻ.

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ