Buổi đoàn tụ đẫm nước mắt và hành trình tìm đứa con Babylift ở bên kia địa cầu của mẹ già 70 tuổi

44 năm sau ngày đất nước thống nhất, cũng là 44 năm người mẹ già Sài Gòn mòn mỏi mong tin cô con gái đang sống chết ra sao không rõ ở xứ người. Nhưng tựa một phép màu, mẹ Việt con lai đã gặp lại nhau như chưa từng bị chia cách.

Bài viết Quốc Anh
Chia sẻ

Năm 1975, cuộc chiến ở miền nam Việt Nam đi vào hồi kết, những thân phận người bắt đầu đi vào từng ngã rẽ khác nhau rồi một lần nữa tạo nên những thân phận khác nhau. Thủ Đức năm đó có một cô gái trẻ, đẹp, nhưng trót tự biến mình thành một người mẹ.

Cô gái trẻ đó là Nguyễn Thị Đẹp (SN 1949). Đẹp của năm 26 tuổi bồng đứa con gái lên 3 chạy vào trung tâm Sài Gòn để mà gửi con bé đi nước ngoài. Đẹp của năm 1975 không nghĩ nhiều, không hề ý thức được đó là việc làm sai lầm nhất mà mãi đến sau này bà vẫn còn ân hận.

44 năm sau, bằng mọi nỗ lực và phép màu, người mẹ trẻ năm nào cùng cô con gái chưa kịp biết thế nào là mùi đất mẹ, đã gặp lại nhau trong cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt ở Sài Gòn - ở chính những nơi mà hai mẹ con đã đánh mất nhau vào gần nửa thế kỷ trước.

Cô Nguyễn Thị Đẹp đã gặp lại con gái của mình là chị Leigh Boughton Small cùng gia đình ở Mỹ tại một khách sạn ở trung tâm thành phố vào hôm 17/11 vừa qua. Mẹ Việt và con lai gặp lại sau 44 năm chia cách, chỉ biết ôm chầm nhau và bật khóc, cảm xúc vẫn nguyên vẹn như chưa hề chia ly.

Nguyễn Thị Đẹp năm 18 tuổi là một cô nữ tạp vụ làm việc cho quân đội Mỹ. Hồi đó, cô sở hữu nhan sắc đúng như cái tên của mình, đôi mắt to tròn, khuôn mặt đầy đặn, tóc suôn thẳng dài chạm đến giữa lưng, mỗi tội nhỏ thó vì hằng ngày chỉ ăn cơm với cá khô.

Đợt đó, một trung sĩ tên Joe O’Neal thấy vậy nên đem lòng thương. “Rồi ổng đi đâu cũng cầm đồ ăn về cho cô, khi cái bánh, thịt cá, lúc trái táo, trái cam,… Ổng nhỏ nhẹ, tử tế, lại rất trọng tình nghĩa”, cô Đẹp nhớ lại, kể. Cô cũng kể thêm, ở Việt Nam được hơn năm thì Joe phải về nước, cô cũng chuyển sang trực chân tổng đài viên.

Một thời gian sau, Joe trở lại Việt Nam và quyết định ngỏ lời cưới. Sống với nhau được nửa năm thì cô Đẹp mang bầu. Cả hai dự định sau khi sinh con, cả gia đình sẽ cùng sang Mỹ sinh sống. Nhưng con chưa kịp ra đời thì Joe hết thời gian công tác. “Ngày tiễn Joe, ông ấy hứa: Anh sẽ sớm quay lại tìm em…” cô Đẹp nhớ lại.

Nhưng Joe O’Neal đã không bao giờ trở lại. Hiệp định Paris ký kết năm 1973, Joe về Mỹ bắt đầu cuộc sống quân nhân hậu tại ngũ, cô Đẹp một mình mang nặng đẻ đau trong cảnh khó nghèo. Đặt tên cho cô con gái là Nguyễn Thị Phương Mai, nhưng nó không có nhiều điểm nét giống người Việt như cái tên. Con bé tóc màu hạt dẻ, mũi cao, da trắng như tuyết.

Tháng 4 năm 1975, chính phủ Mỹ tổ chức hàng loạt chuyến bay đưa trẻ em ra nước ngoài, chương trình được gọi là Không vận trẻ em hay nói tắt là Babylift. Đẹp là một trong nhiều người mẹ Sài Gòn lúc đó đã đưa con mình lên những chuyến bay vượt qua bên kia địa cầu, Mai là một bé gái 3 tuổi đã rời đi trên chuyến bay cuối cùng hôm 26/04/1975, cùng khoảng 3.000 đứa trẻ khác.

“Rất đau buồn, rất sợ hãi, nhưng vẫn vui vì nghĩ đến việc con nó sẽ có một gia đình tốt hơn. Lúc đó, thật sự cô muốn quay lại, ẵm con rồi chạy về nhà, mình sống thế nào thì cho con sống thế ấy. Nhưng nếu mình thương con, thì mình phải cho con đi”, cô Đẹp của tuổi 70 kể lại, và không ngờ rằng đó là lần cuối cùng được gặp con mãi đến 44 năm sau.

30/04/1975, quân Giải phóng tiến vào tiếp quản Sài Gòn. Bé Mai của mẹ Đẹp đã lên chuyến bay cuối cùng vào 4 ngày trước. Lúc này, Đẹp ước được đi nước ngoài để đi tìm con, nhưng không biết chính xác mình sẽ đi đâu và bằng cách nào. Kế hoạch mong manh nhanh chóng đổ vỡ, cô gái trẻ ở lại Việt Nam và tìm con trong vô vọng.

Năm 1988, Đẹp viết thư gửi người chồng cũ, anh Joe, nhằm mục đích nhờ tìm lại đứa con đã thất lạc. Hơn tuần sau, lá thư bị trả ngược trở về, Joe đã không còn ở địa chỉ cũ. Những năm tiếp sau đó, cô Đẹp vẫn liên tục gửi thư đến những địa chỉ có khả năng cao nhất, nhưng nhận lại vẫn là những sự im lặng đến thất vọng.

Năm 2000, một phụ nữ người Mỹ đứng ra tập hợp lại những đứa trẻ ngày đó đi theo chương trình Babylift. Họ giờ đây đã là những con người thành đạt, có tiền của, có địa vị xã hội, có gần như tất cả mọi thứ họ muốn, trừ việc họ không biết về nguồn cội của mình.

Biết được tin tức của buổi gặp mặt, cô Đẹp nhanh chóng chạy vào trung tâm Sài Gòn để tham dự. “Kết thúc buổi gặp mặt, cô đi nhìn mặt từng người để tìm con. Cô nhìn kỹ lắm, nhưng không có đứa nào là Mai cả. Bằng giác quan của người mẹ nên con gái cô có thay đổi thế nào thì vẫn nhận ra”, cô kể.

Năm 2012, Tristar Golberg, một đứa trẻ không vận ngày đó đã quay lại Việt Nam để tìm giúp những người mẹ gửi con đi ngày trước. Golberg tìm đến cô Đẹp, nhận lấy mẫu DNA để so sánh với DNA của những đứa trẻ không vận tại Mỹ, nhưng kết quả vẫn là nỗi thất vọng tràn trề.

Có trên dưới 3.000 đứa bé bước lên chuyến bay không vận năm đó, số lượng quá lớn khiến việc thu thập mẫu xét nghiệm để so sánh cũng là một điều quá sức khả thi. Rất nhiều chương trình hỗ trợ đoàn tụ đã được tổ chức, nhiều trường hợp may mắn tìm lại được nhau, nhưng vẫn còn rất nhiều bà mẹ ngày đêm mong mỏi, không biết đứa con ngày đó giờ sống chết ra sao.

Leigh Boughton Small từ nhỏ đã biết mình là một cô bé con lai, nhưng cô không biết mình là con của ai, có tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Phương Mai do mẹ Đẹp đặt lấy. Small lớn lên trong một gia đình khá giả ở New England cùng một người chị gái và anh trai khác cũng là những đứa trẻ không vận.

“Từ nhỏ, tôi vẫn biết mình là kết quả của cuộc hôn nhân đa sắc tộc, nhưng tôi không bận tâm lắm vì tôi có nhiều thứ khác để quan tâm hơn. Đôi khi có tự hỏi, mẹ ruột của mình là ai, hiện giờ bà ấy ra sao, nhưng rồi đó cũng là câu hỏi thoáng qua, tôi không tha thiết phải đi tìm câu trả lời”, Small chia sẻ với SaoStar.

Năm 2000, chị Small lúc này 27 tuổi, vừa kết hôn và có ý định sinh con. Quyết định sinh con thôi thúc Small tìm lại nguồn cội, vì chị nghĩ đứa trẻ nào cũng cần phải biết người sinh ra nó là ai. Small cùng mẹ nuôi là bà Mary Beth Boughton đến Việt Nam, cả hai tìm đến Thủ Đức, lần mò trại trẻ mồ côi năm nào và cả nơi gửi trẻ đi không vận.

Nhưng vật đổi sao dời, đã quá lâu để mọi thứ vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Mẹ con chị Small bỏ cuộc, đành quay về Mỹ. Về nước, Small gửi mẫu DNA của mình cho một dịch vụ tìm kiếm thân nhân và thỉnh thoảng nhận được kết quả, những lần như vậy chị có thêm một người em họ hàng nào đó.

Mọi chuyện thay đổi hoàn toàn vào tháng 9 năm 2019, Small nhận được một bức email của một người tự nhận là chị gái của mình, trong đó viết: “Tôi nghĩ chúng ta là chị em, người mẹ Việt của em vẫn đang ở Việt Nam và tìm kiếm em”.

Người chị gái lạ mặt kia là Bonnie Ludlow, cùng cha với Small là ông Joe O’Neal. Người quân nhân ngày nào đã qua đời vào năm 2011. Từ những manh mối này, Small đã bắt đầu lần mò sâu hơn, tìm ra được các bài viết tìm kiếm mình trên mạng và bắt đầu có cảm giác cuộc sống của mình chính thức thay đổi từ đây.

“Tôi lần đầu tiên tìm thông tin trên mạng, những bài viết về một người mẹ tìm đứa con gái tên Phương Mai. Cảm xúc của tôi cứ dần được đẩy mạnh lên cho đến khi tôi thấy bức ảnh chụp chính mình lúc nhỏ. Thế là không còn chần chừ, tôi liên hệ ngay với mẹ mình qua mạng, lần đầu video call với bà cũng là lần đầu được nói chuyện với mẹ sau ngần ấy năm”, chị Small chia sẻ.

Từ những cuộc gọi qua mạng đầu tiên, chị Small và cô Đẹp bắt đầu hẹn một ngày để được gặp nhau bằng xương bằng thịt. Với vốn tiếng Anh “đủ xài” từ công việc trực tổng đài ngày trước, cô Đẹp có thể giao tiếp ổn với cô con gái thất lạc của mình.

Ngày 17/11/2019, Leigh Boughton Small cùng gia đình ở Mỹ của mình bắt chuyến bay đến Việt Nam. Với bà Đẹp, Phương Mai vẫn là một đứa bé 3 tuổi ngày nào, “Giờ đây nhìn con gái mình đã lớn với chồng con và thành đạt, cô thấy không quen nhưng điều này cũng trút đi nỗi lo trong cô suốt bao lâu qua.

Gần 50 năm nay, cô luôn trăn trở rằng liệu con gái của mình bây giờ sống chết ra sao, nếu vẫn còn sống thì cuộc sống của nó như thế nào, nếu có điều gì không hay thì mình sẽ phải ân hận dữ lắm. Nhưng cuối cùng mọi chuyện lại tốt đẹp như thế này, thật là hay, cô cứ lo con bé gặp vất vả”, cô Đẹp nói trong buổi đoàn tụ vừa qua.

Ở tuổi 70, Đẹp bây giờ không còn như Đẹp ngày xưa trong ảnh. Gặp lại con, cô Đẹp cứ ái ngại, không chỉ vì bây giờ đã là một bà lão già nua xấu xí, mà còn là vì ngày trước đã gửi con đi. Chị Small cùng chồng là anh Jeff liên tục trấn an, mong mẹ đừng tự trách bản thân vì những chuyện đã cũ.

Phương Mai tặng mẹ một sợi dây chuyền mặt trái tim có lồng ảnh hai mẹ con thuở đó. Cô Đẹp gửi lì xì trong phong bì màu đỏ cho 3 đứa con của Small, tượng trưng cho sự may mắn. Về Việt Nam lần này, chị Small không đi một mình mà đi cùng chồng và các con. Ở chiều ngược lại, Small cảm thấy rất vui vì không chỉ tìm được mẹ mà biết được mình còn có một gia đình lớn ở đây.

Sau buổi gặp mặt đẫm nước mắt ở Sài Gòn, đại gia đình đã cùng du lịch miền Tây sông nước. “Về Đồng bằng sông Cửu Long, tôi được trải nghiệm những thứ mà tôi suýt được trải qua nếu vẫn còn ở lại Việt Nam. Mẹ Đẹp dẫn tôi viếng đền thờ tổ tiên, thăm nhà truyền thống của gia đình, ăn những bữa ăn đậm chất Việt và nhiều hoạt động giúp tôi hiểu biết hơn về nguồn cội của mình”, chị Small kể.

Chia sẻ với phóng viên SaoStar về 5 ngày ở Việt Nam, chị Small không giấu được cảm xúc dâng trào mà nói: “Thật sự tôi rất ngưỡng mộ giá trị to lớn của gia đình Việt Nam. Theo lời mẹ và nhiều người kể lại, tôi sinh ra trong thời chiến tranh, mẹ tôi đã rất vất vả để nuôi tôi đến năm 3 tuổi.

Sau đó, bà gửi tôi đi nước ngoài rồi một mình ở lại Việt Nam để tự lao động và kiếm sống. Sau bao nhiêu khó khăn và khổ cực, bà vẫn một mình sống tốt và tìm kiếm tôi. Về Việt Nam lần này, tôi rất bất ngờ khi biết mình còn một gia đình nữa ở đây, mọi người đối xử rất tử tế và luôn giúp đỡ nhau khi ai đó gặp khó khăn.

Tôi biết mỗi nơi có mỗi cái hay, cái dở khác nhau nên không thể so sánh được. Nhưng tôi đánh giá cao ẩm thực và thức ăn tươi sống ở Việt Nam, tôi sẽ không quên được những món ăn đã được trải nghiệm tại đây. Ngoài ra, sự gắn bó của các thành viên trong gia đình và sự thân thiện, hiếu khách của người Việt đã khiến tôi sẽ quay lại nơi này nhiều lần nữa”.

Leigh Boughton Small cho biết có ý định đưa mẹ sang Mỹ để sống cùng con cháu, nhưng cô từ chối vì muốn sống yên bình ở Việt Nam hơn. Cô Đẹp giờ đây vẫn ngày ngày đạp xe đến một trường cấp hai để làm công việc lao công. “Tôi không muốn ép buộc mẹ trong việc này. Rất may chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ, nên tôi tin công nghệ sẽ vẫn gắn kết được mẹ con chúng tôi.

Cả đời, hai mẹ con tôi đã không có nhiều khoảnh khắc dành cho nhau. Tôi rất mong thời gian sắp tới, những kỷ niệm mà mẹ con tôi tạo ra sẽ được cất giữ trong những chiếc điện thoại này và trong nhiều lần về nước thăm quê hương sắp tới”, chị Small ôm lấy mẹ Đẹp vào lòng, bật khóc và nói.

Bài viết

Quốc Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ