Logo Saostar - Special
SPECIAL

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Chia sẻ
20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Đêm mẹ nằm co - ta nhớ cái cò gầy

Lặn lội bờ sông, đầu ghềnh, cuối bãi

Đêm mẹ nằm nghiêng - ta nhớ dòng sông chảy

Lặng lẽ trôi qua giữa náo động ồn ào…

Bất chợt ta nhìn hai hố mắt mẹ sâu

Đã thấy sự lo toan, buồn phiền, mệt mỏi

Mẹ chỉ âm thầm và suốt đời lặng lẽ

Gương mặt đăm chiêu ngay lúc thảnh thơi nằm!

(Lê Minh Quốc)

“Khi đau đớn, tuyệt vọng nhất trong đời, tất cả chúng ta, ai lại không một lần buột miệng gọi Mẹ ơi! Bởi chúng ta tin rằng: trên đời này, cái lúc nghiệt ngã nhất ấy, sẽ chẳng còn ai đủ sự hy sinh để bên cạnh ta mọi lúc mọi nơi, như mẹ.

Và đứa trẻ dù có lớn khôn, trưởng thành nhường nào, thì với mẹ, chúng vẫn là con chim sẻ nhỏ, mầm non mới nhú cần được chở che. Để rồi, cả đời mẹ sẽ luôn chọn cách đứng phía sau cuộc hành trình dài của con, để mong chờ lúc con chùng chân, quay trở về nhà, mẹ sẽ vỗ vai và bảo: “Mệt không con? Ăn gì mẹ nấu?” - giọng vẫn ngọt lành như cái thuở xưa xưa.

Bởi: “Thượng đế không có mặt ở khắp mọi nơi để bảo vệ chúng ta, nên Ngài sinh ra các bà mẹ”, và mẹ thì mãi mãi hy sinh…

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Đã hơn 6 tháng kể từ khi bài viết Thảm hoạ Carina: Mọi thứ đều cháy trừ lồng ngực của Hà được đăng, tôi vẫn không thôi nhớ về những chuỗi ngày định mệnh ấy.

Đêm 23/3, đám cháy bắt đầu từ tầng hầm trong phút chốc đã nuốt chửng toàn bộ chung cư. Nhiều và rất nhiều nước mắt đổ xuống theo lửa. Người ta chỉ còn lại hy vọng, mong chờ tìm kiếm nhau giữa đổ nát, và rồi tuyệt vọng trong bao cuộc tang tóc bất ngờ, nhanh chóng - mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, ông bà tiễn cháu.

Thi thể của Hà - người phụ nữ trẻ xấu số, được đưa xuống ngay trong đêm. Lửa đã tóm gọn tóc chị, kẽ mắt, đôi môi, cánh tay, toàn thân… cháy sém, phủ một màu xám tro. Người ta buộc lòng bọc lại bằng một lớp vải trắng, đặt sau lớp cửa kính lạnh lẽo. Chỉ mới hôm qua đây thôi, cả gia đình Hà còn vui vẻ chuẩn bị cho chuyến đi chơi biển, thằng Kiệt (con chị) vẫn thích mê trò xây lâu đài cát.

Thế mà, giờ đây, thằng bé nhỏ thó trong chiếc áo đỏ in hình chuột micky, đang nằm lạnh tanh trong nhà xác, ngủ đi rất sâu, ép mình sát vào lòng mẹ.

120 phút sinh-tử ấy, vô số người đã nằm lại trong đám cháy. Họ chết trên đường tháo chạy, khi chưa kịp tìm nhau, đã giẫm đạp, gào thét vô vọng. 13 người chết, có nhiều gia đình 3 người cùng bị lửa nuốt chửng.

Nhưng trong giây phút cuối, giữa ranh giới sống và chết, Hà vẫn là người mẹ quả cảm. Khi hơi nóng đã xâm chiếm toàn bộ cơ thể, chị vẫn ôm chặt con, hai tay đan thành hình vòng cung, chạm đầu đứa trẻ vào tận sâu lồng ngực để con được thở.

Tất cả thân thể chị đều bốc cháy, duy chỉ lồng ngực - nơi con chị nằm ngủ ngon lành, vẫn còn những vệt sáng, là sự ôm ấp cận kề của cả hai trong lần cuối cùng, và vĩnh cửu. Ở đó, làn da trong trẻo ghé sát vào nhau là minh chứng cho nỗ lực cứu con của Hà đã tuyệt vọng như thế nào.

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Nhưng rồi mọi nỗ lực dập tắt. “Lúc nhận xác, cô còn thấy Hà ôm thằng Kiệt vào lòng mãi không chịu buông, lồng ngực thằng bé lửa không dám táp tới. Nó đã cố gắng tới thế, sao lại cướp con của nó đi được…” - bà Ly (mẹ Hà) khóc tức tưởi.

Anh Nhân (chồng Hà) may mắn thoát ra ngoài, nhưng cũng nhanh chóng rơi vào trạng thái bất tỉnh. Bà Ly không thể tin chỉ sau một đêm bà đã mất 2 người thân, đứa con trai thì ở lằn sinh tử. Bà nhớ mãi về chuỗi ngày sáng chôn mình ở nhà tang lễ, chiều nhìn thằng con trai tập thở trong lồng kính bệnh viện.

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

“Hà nó đã xuống tới tầng 2, gần mặt đất vậy tại sao lại chết, tại sao lại chết… Nhìn xem, nó nằm ngủ đẹp vậy mà, nó đẹp vậy mà…”

Anh Nhân dần hồi phục một cách diệu kỳ, nhưng rồi cái ngày tỉnh lại, câu đầu tiên anh hỏi: Vợ con con đâu? Người mẹ buộc lòng phải nói dối: Nó bị thương nằm ở phòng khác, khi nào con bớt bệnh mẹ dẫn con đi, để con trai an lòng. Chỉ khi cánh cửa khép lại, bà mới dám gục đầu quỵ ngã, ôm mặt khóc vì những lời nói nghiệt ngã ấy.

Rồi sự thật có giấu được bao lâu! Hôm anh xuất viện, anh vẫn háo hức chờ đợi người vợ trẻ ôm con đến đón mình, thế rồi người mẹ phải nắm chặt tay con và tỉ tê: Cả hai đã mất rồi!

Anh quay đi, khóc.

Hà và Kiệt giờ đây đã đến một thế giới khác, xa xôi và tốt đẹp lắm! Thằng Kiệt sẽ chẳng bao giờ cô đơn nữa, vì phút cuối mẹ vẫn chưa từng bỏ rơi con. Và cả hai mãi mãi là những thiên thần.

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Nini An đã mất tất cả. Nhưng chị sẽ không phải chết vào ngày mai, ngày mốt, hay một hôm nào nữa. Chị sẽ còn có thể ở cạnh Ý, để thực hiện lời hứa đau đáu bao năm: tìm mẹ ruột cho con.

Năm má An nằm viện, biết không sống được lâu nên bà cầm tay dặn Út có mụn con để má đi. Nghe phong thanh một đứa nhỏ đẻ rớt, người mẹ bỏ đi không nói không rằng, bà thương lắm. Hôm đó, gọi An vào, bà nắm lấy tay con mà gắng nói từng tiếng một: Cứu nó… nuôi nó nghe con.

Hôm đó, hai vợ chồng An xuống tận phòng hộ sinh tìm đứa nhỏ. Một bé gái vừa hạ sinh cách đó 5 tiếng, vẫn còn đỏ hỏn trong chiếc khăn trắng. “Tự nhiên thấy chị cái nó cười liền, cười thành tiếng luôn. Chị đã nghĩ thầm: Con là con của mẹ rồi”. Và định mệnh cũng chắc chắn bé gái năm ấy là con của An.

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

An bế nhỏ về nhà. Lúc quay lại tìm má, chị thỏ thẻ:

- Con nhận rồi, má ráng khoẻ, về trông cháu ngoại hộ con nha má.

Má nghe thoáng, cười mỉm rồi gật:

- Không, cháu nội.

- Cháu ngoại chứ má!

- Không. Cháu nội…, má nhắc lần cuối. Rồi mất.

Đó là một ngày đầu tháng 7. Ở viện. Và bà Mười mãi không bao giờ gặp được đứa nhỏ mà bà gọi “cháu nội”.

An còn nhớ y nguyên khuôn mặt rầu thúi đất của má lúc dặn dò: Không, cháu nội, giọng thều thào như cắt ruột cắt gan. Vì chị hiểu rằng: Bấy lâu nay má gọi Út là con gái, vuốt ve tóc dài Út, bán nhà cho tiền Út chuyển giới, và chấp nhận Út lấy Công… Nhưng trong thâm tâm, Út vẫn là thằng con trai má đứt ruột đẻ đau chín tháng mười ngày.

***

Từ ngày nuôi Ý, An mới thấu hiểu hết nỗi khổ cực của mẹ. Lần đầu chị tập hát ru con, con khóc ré. Lần đầu tập cho con bú sữa bình, con ói ngược. Lần đầu tập đưa Ý đi học, phải giả đò ngó lơ nhận là dì vì sợ con thẹn với bạn. Lần đầu tiên tập yêu một đứa con bằng tình yêu mộc mạc của người mẹ… An tập từ từ, nhẫn nại từng bước một.

Thời gian thấm thoắt trôi, Ý như mớ mạ non lớn lên cạnh An. Ý đã có đôi mắt sầu thương thương của má. Đêm đêm, nó lẽo đẽo theo gánh lô tô, ngắm nhìn má nó mặc đồ sặc sỡ múa hát trên sân khấu rồi vỗ tay bôm bốp cổ vũ. Nó cũng yêu An, yêu bằng sự mộc mạc của một đứa trẻ. Nhiều lắm!

Có lần, ngồi rủ rỉ cùng cô chị họ bằng tuổi, cô chị lỡ trêu: Má Mi là pê-đê. Ngay lập tức cái Ý bênh má, nói lớn:

- Đừng gọi Mi là pê đê. Mi buồn, Mi không thương Ý nữa…

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

5 tuổi, Ý còn biết nói lời hay ý đẹp như thế để bảo vệ An. 5 tuổi, Ý dạy An biết rằng làm mẹ tuyệt vời thế nào, cho An thấy cuộc sống pê đê đâu đến nỗi tệ. Và hạnh phúc của một gia đình, có ba-có mẹ-có con, mặc kệ lời người ta nói đau lòng, gia đình ấy vẫn nhỏ bé-giản dị-và ngập tràn yêu thương.

Rồi một hôm An đi hát, chị té, mớ silicon và thịt thà thối rữa bắt đầu chảy ra. Chị phải chuyển lên bệnh viện thành phố ngay trong đêm, làm ca phẫu thuật gấp. An nằm viện để cắt bỏ ngực hết cả tháng trời. Cái Ý nhớ má, chiều cuối tuần lại đòi lên thăm Má Mi. “Nó chịu nằm đất chỉ để được ngủ cạnh mẹ thôi. Có đêm nó thì thầm với chị: Có đau lắm không, chị nghe ứa nước mắt” - An kể.

Nhưng giờ đây, sau những băng chuyền, cái chết sẽ không bao giờ làm hại An nữa. Chị sẽ còn thêm thời gian ở cạnh Ý, ít nhất đến năm 18 tuổi. Và má Mi sẽ thực hiện lời hứa năm nào: Ý à, mình cùng đi tìm mẹ của con nhé, để sau này mẹ mất, con không thành trẻ mồ côi, con hiểu cho má Mi chứ?

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Mẹ nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Ngày Thạc của mẹ được chẩn đoán mắc căn bệnh não phẳng, tỉ lệ chỉ có 1/100.000 người, bầu trời quanh mẹ sụp đổ, mẹ ngã quỵ, nặng nề và đau đớn.

Đưa con ra khỏi phòng khám, tiếng bác sĩ vẫn líu ríu: “Gần như là toàn bộ não trắng chết rồi, tôi không thể nói thêm bất kỳ điều gì hơn”. Con nhỏ dại, con ngây thơ, con bé bỏng, con chưa từng cất một tiếng gọi Mẹ… vậy mà, thần chết toan cướp con khỏi tay mẹ?

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Mẹ không biết mình trở về nhà bằng cách nào, ra sao, và cả hai đã khóc bao nhiêu lần. Ngoài kia, dòng người vẫn đổ ra đường dày như mắc cửi, mặt trời đã lên cao, và ngày mới đã bắt đầu từ lâu lắm… Nhưng cả hai chúng ta thì lạc lại đâu đó.

Đó là những chuỗi ngày đen tối, nặng nề và dài vô tận. Sáng ẵm con ra vào liên tục 3-4 phòng khám, chiều tìm đến những bác sĩ giỏi nhất thành phố. Nhưng tất cả cùng chung kết quả. Không ai để lại lời khuyên nào tốt hơn bằng việc kê một đơn thuốc động kinh ken đặc. Những viên thuốc giúp con được sống, đưa con vào giấc ngủ ngon 20/24 tiếng mỗi ngày, và suốt quãng đời còn lại cho đến khi hơi thở cuối cùng dập tắt. Mẹ không chấp nhận, mẹ vứt hết đống thuốc vô dụng.

Căn nhà ngày nào con hay chạy nhảy, vui đùa, rồi cùng anh Hai đánh trận giả, cả hai bật cười lanh lảnh,… giờ phủ một màu xám tro. Lạnh ngắt. Ba chọn đi làm sớm, trở về nhà muộn hơn. Và ba mẹ đều tránh nhìn mắt nhau, tránh hỏi về con, tránh ánh mắt khờ dại con đang chết dần.

Nhiều đêm hơi thở nặng nhọc của con vẫn bóp nghẹt trái tim mẹ. Mẹ gặp ác mộng, thần Chết cướp con đi, mẹ giành giật, van xin, nài nỉ rồi bật khóc nức nở. Tỉnh dậy, mẹ chỉ biết ôm con thêm gần chút nữa.

Nhưng rồi ánh mắt tuyệt vọng đang khắc khoải cầu cứu của con buộc mẹ phải đứng dậy, và mẹ chọn cách chiến đấu.

Cứ thế, buổi sáng của 2 mẹ con mình bắt đầu ở dãy phòng vật lí trị liệu. Lần nào, nhìn con bé xíu trong đôi bàn tay xương, mẹ cũng bật khóc. Lâu lắm rồi mẹ còn không còn dám nhìn thẳng vào con. Mẹ sợ lắm, sợ lòng mẹ vụn vỡ ra khi con đau, mẹ sẽ bỏ cuộc.

Cuối cùng may mắn cũng mỉm cười, Siêu Nhân của mẹ chiến thắng.

Chúng ta đã đi qua một đoạn đường rất dài, cùng nhau. Sau này, nhiều người hỏi ba mẹ rằng: Bỏ hai tấm bằng thạc sĩ để làm nghề chân tay, kiếm từng đồng như thế, liệu có hối hận không? Mẹ cười: Chưa bao giờ, chưa bao giờ hối hận Siêu Nhân à.

Không tiền bạc, nhưng mẹ và ba đã có rất nhiều ngày tháng ở bên con. Để mỗi chiều, bên góc đường nhỏ xíu xiu của Sài Gòn, mẹ vẫn sẽ bán món chè bưởi con thích nhất. Ngoài hiên nhà, con đang vui đùa, tập bước đi cùng chiếc xe đẩy, mắt con trong veo và nụ cười không ngừng chuyển động.

Siêu Nhân à, con trai mẹ không có bệnh đâu! Con trai mẹ chỉ lớn chậm một chút thôi, nói ít một chút thôi, và yêu thương từng chút thôi. Nhưng nó giúp mẹ hiểu ra rằng: Mình đã là người mẹ. Và bất kể người mẹ nào cũng mãi yêu con. Siêu nhân của mẹ!

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Tôi quay lại gặp chị Hương, vẫn cái hẹn 4h sáng, ngay góc đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), chị cùng thằng Thịnh đang ôm nhau ngủ ngon lành. Hai mẹ con cuộn tròn trong chiếc mền mỏng tang, bên cạnh là tấm các-tông, con gấu bông lấm đất, và bầu trời rộng thênh thang là mái nhà che nắng mưa.

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Hơn 1 năm mưu sinh trên đất Sài Gòn, mẹ con chị vẫn có những đêm như thế! Cho đến sớm tinh mơ tràn về thành phố, người ta đổ ra đường, chị lại tất bật gói ghém con xe ve chai dời đi.

May mắn thay, từ ngày các sơ ở trường mầm non Hoa Hồng (Q.1, TP.HCM) nhận chăm Thịnh, thằng bé lại có cơ hội đến trường. Cứ thế, cả ngày Thịnh vui vầy với bạn, 3 giờ chiều hai mẹ con lại tiếp tục hành trình. Cuộc sống không nhà, không cửa, chỉ có bầu trời và bóng đêm lặng lẽ trôi qua, ngày qua ngày.

“Ngủ riết rồi quen nên hông có mệt gì đâu! Đêm nào về muộn quá hoặc trời mưa, Thịnh còn ngủ luôn trên cái cổ xe đạp của chị, tới 2h sáng nó mới được xuống đất. Nó thương chị lắm! Ngủ đâu cũng được cả, hổng bao giờ đòi hỏi…” - chị Hương kể.

Chị Hương cắt đầu tóc húi cao, mặc chiếc quần rộng, áo thùng thình, đội nón lưỡi trai đã rách mũi. Nhìn bề ngoài, ai cũng nhầm lẫn chị là cha Thịnh. Nhưng bằng cách đó, chị Hương lại có thể cải trang để bảo vệ đứa con trai mỗi đêm.

Cứ thế, Thịnh lại có những đêm ngủ ngon lành. Vì bóng đêm và kẻ xấu lớn đến nhường nào, bóng mẹ nó đã có sau lưng. Nó ăn gió uống sương, sống cùng đêm mưa thấu trời Sài Gòn,… như cây cỏ lớn lên cạnh mẹ. Bao ve chai giờ đây thêm nặng, chị Hường không còn đủ sức đạp xe, thằng bé lại phụ mẹ đẩy thêm.

Để mỗi ngày, người ta lại thấy mẹ con Thịnh ở góc đường đang cùng nhau gói ghém mớ ve chai, gói ghém tấm bìa các-tông, gói ghém cả giấc mơ lên con xe đạp hành trình. Người thành phố ra đường đi làm sớm, va vào nhau như mắc cửi, hai mẹ con Thịnh lạc vào đám đông đó, nhỏ xíu rồi mất tiêu.

***

Cuộc đời này, mỗi người mẹ chỉ khóc đúng 3 lần mà thôi! Lần đầu, con chào đời. Lần thứ 2, ngày mẹ trao tay con cho người bạn đời mới. Và lần cuối cùng, ngày mẹ già, mẹ chuẩn bị cho một cuộc đi xa, mẹ thì thầm: “Không sao cả! Con ở lại tốt nhé!”, con gục đầu, vụn vỡ.

Nhưng con ơi! Chúng ta sẽ chỉ là tạm biệt, rồi kiếp sau mẹ sẽ lại làm mẹ của con, mẹ chưa bao giờ hối hận vì điều đó.

Vì cuộc đời này, Thượng đế tạo ra mẹ là để yêu thương con. Dẫu sang hèn, thấp kém, già nua, yếu ớt… mẹ mãi mãi vẫn là mẹ của con mà thôi!

20/10 năm nay, rưng rưng đọc những câu chuyện về sự hi sinh của mẹ

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Tú Nguyễn

Chia sẻ