Nhan sắc Việt hiện tại: Sự trỗi dậy một cách bộc phát và nguy cơ loạn cả danh hiệu đến thương hiệu

Chúng ta nhìn thấy gì sau cú loạn hoa hậu năm 2022?

Bài viết Team Hoa Hậu
Chia sẻ

Năm 2022 đã khép lại với những màn bội thực hoa hậu có một không hai. Một năm có quá nhiều người đẹp bỗng dưng gặp thời - gặp thế và được đội vương miện. Xung quanh việc nở rộ các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam sau khi NĐ 144 - được cho là màn "cởi trói" đối với các đơn vị tổ chức hoa hậu - người đẹp - hoa khôi thật sự có rất nhiều điều đáng bàn. Nhìn lại 1 năm qua, việc nới lỏng các cuộc thi là điều cần thiết nhưng đã tạo ra nhiều câu chuyện bi hài. 

Những "bàn đạp" loạn hoa hậu trong năm 2022 đã tạo tiền đề cho năm 2023 được dự đoán sẽ bùng phát các cuộc thi sắc đẹp với tốc độ không kiểm soát.

Nhan sắc Việt hiện tại: Sự trỗi dậy một cách bộc phát và nguy cơ loạn cả danh hiệu đến thương hiệu Ảnh 1

Giờ không phải là lúc chúng ta phải đi bàn cãi hay đào sâu vào việc hoa hậu ở đâu ra mà lắm thế? Tổ chức nhiều hoa hậu với mục đích gì? Các cô gái đã đủ tâm đủ tài đủ sức để đi thi sắc đẹp hay chưa? Tôi còn nhớ, một phát biểu của "ông to bà lớn" đã phán chắc nịch: "Một năm 25 cuộc thi hoa hậu không phải là nhiều". Vậy thì, câu hỏi cần lời đáp là thực sự còn có lý do nào để chúng ta vẫn cho các cuộc thi sắc đẹp tồn tại ngày nay hay không? 

Có lẽ thế giới chưa đủ "đất diễn" cho sự phân biệt giới tính hay sao mà bằng cách nào đó người ta vẫn quyết định giữ lại hình thức thi sắc đẹp như một lời nhắc rằng phụ nữ cần phải ăn mặc lộng lẫy, trông xinh đẹp nhằm hy vọng đám đông sẽ chú ý, cho họ vài tràng pháo tay, lắng nghe những tuyên bố về xã hội, hay có ưu tiên thể hiện danh tính quốc gia?

Liệu chúng ta có thể thành thật mà thừa nhận rằng, các cuộc thi nhan sắc là sân chơi cho "cô gái đẹp" trang điểm lộng lẫy dăm ba phút trên sân khấu chứ đó chưa phải lời tuyên bố nghe có vẻ cao siêu rằng người ta đang tìm kiếm một báu vật siêu phàm gì đó và họ đến đây để đi giải cứu thế giới. 

Theo lời ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL: "Hiện nay các cuộc thi người đẹp, người mẫu đang rất sôi động. Bên cạnh những mặt tốt của những cuộc thi, người đẹp đóng góp cho xã hội thì còn nhiều người lợi dụng chuyện này để làm thương mại kiếm tiền. Các công ty đứng ra tổ chức chỉ nhằm mục đích kiếm tiền mà không mấy tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp. Cái đó giờ không chỉ là loạn tên gọi nữa mà loạn cả thương hiệu". 

Tính "sương sương" Việt Nam có bao nhiêu cuộc thi hoa hậu thì có bấy nhiêu công ty đứng ra tổ chức các cuộc thi đó. Đó là lý do chúng ta rất dễ bắt gặp tại các poster quảng cáo đều ghi rất rõ cuộc thi do công ty truyền thông này - truyền thông nọ đứng ra tổ chức. Nếu cơ chế quản lý được hoạch định rõ ràng thì không có gì đáng nói nhưng việc vận hành chớp nhoáng khiến bản thân các cô gái từng đăng quang xong không biết mình đi đâu về đâu. 

Nhan sắc Việt hiện tại: Sự trỗi dậy một cách bộc phát và nguy cơ loạn cả danh hiệu đến thương hiệu Ảnh 2

Ví dụ như bản quyền Miss Earth tại Việt Nam chỉ trong vòng 3 năm đã có quá nhiều đơn vị nhảy vào. Năm 2018, phía công ty Leading Media chịu trách nhiệm trong việc tuyển chọn, casting và tìm kiếm đại diện Việt Nam tham dự Miss Earth 2018 nhưng sang năm 2019, 2020 và 2021 đã là một cá nhân vô danh điều hành và tới năm 2022 lại là một tổ chức máu mặt khác nhăm nhe. 

Tức là khi lợi nhuận tại một dự án không còn tính khả thi, thì "bản quyền" đó được sang tên một cách quá dễ dàng và thậm chí là người trong cuộc đóng cửa bảo nhau. Họ cũng không cần phải công khai hay họp báo để thông báo cho khán giả, truyền thông hiểu. Hay như bản quyền Miss Supranational tại Việt Nam vào năm 2018 do bà Trần Nguyễn Hải Dương - một người đẹp trưởng thành từ một cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài chứ bản thân cô không phải là chủ một doanh nghiệp, tổ chức truyền thông tiếng tăm ấy vậy mà vẫn có trong tay bản quyền Big 5. Đơn giản vì có tiền. Tuy nhiên, sang năm 2022 đùng một phát từ trên trời rớt xuống Leading Media lại bắt tay với Unicorp đề cử Kim Duyên (gà cưng của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam) tham dự Miss Supranational và đây cũng là đơn vị đang tổ chức luôn cuộc thi Miss Supranational Vietnam.

Thay đổi cơ chế và đơn vị quản lý là tốt và tất cả cũng vì mục đích phát triển thương hiệu cá nhân. Nhưng quá nhiều sự kiện được xáo trộn trong năm 2022 về cơ chế quản lý các cuộc thi hoa hậu chắc chắn có sự liên đới từ NĐ 144. Đương nhiên là có hệ lụy. 

Thạch Thu Thảo vừa trở về từ cuộc thi Miss Earth thì mới té ngửa ra người phụ nữ quyền lực nhất - cũng là bà trùm trong việc nắm giữ bản quyền Miss Earth 2022 tại Việt Nam đã rời khỏi ghế nóng. Cô gái đến từ Trà Vinh phải loay hoay trong mớ hỗn độn liên quan đến vấn đề chi phí trang phục, make-up cho đến nhà tài trợ cũng như hàng loạt phát sinh khác. 

Đơn giản như việc Hoa hậu Việt Nam 2022 vừa mới lộ diện, đáng lẽ ra với danh hiệu cao quý như thế này, tân hoa hậu phải chắc suất tham dự Miss World 2023. Nhưng theo quy chế mới, kể từ năm 2023 Miss World Vietnam - Hoa hậu Thế giới Việt Nam mỗi năm tổ chức một lần và đây là sân chơi tìm kiếm đại diện Việt Nam tham dự Miss World trong năm lẻ nên slot 2023 cũng chưa chắc đã thuộc về Huỳnh Thị Thu Thủy. 

Chưa hết quý 1 năm 2023 nhưng đã có rất nhiều cuộc thi hoa hậu đang được khởi động như Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023, Miss World Vietnam 2023, Hoa hậu Đồng bằng Sông Cửu Long, Hoa hậu Du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long và một cuộc thi mới toanh mang tên Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. 

Nói gì thì nói, điều khán giả mong muốn được nhìn - được thấy ở một cô hoa hậu sau khi xướng tên họ phải làm gì để đáp ứng với cái tiêu chí mà ban tổ chức đề ra. Tức là chúng ta không quá đòi hỏi một cô gái 19 tuổi phải một thân một mình xây dựng dự án cho cộng đồng hay tự thân vận động sáng lập ra các quỹ, dự án bảo trợ xã hội nhưng hầu hết những gì mà fan sắc đẹp chứng kiến đang dừng lại ở mức độ những sự xuất hiện chớp nhoáng tại thảm đỏ hoặc là đồng hành cùng các đơn vị, tổ chức khác trên cương vị là đại sứ về mặt hình ảnh. Rất nhiều cuộc thi không thấy sơ khảo, không thấy hình thức tuyển sinh chấm điểm nhưng tới ngày lại truyền thông rầm rộ bán kết, chung kết. 

Điều này dễ tới một hệ lụy kéo dài đó là bản thân các tân hoa hậu không biết phải làm gì cho khoảng thời gian hậu đăng quang. Họ phải loay hoay trong việc định hình phong cách cá nhân, rối mù trong việc nên làm gì ở nhiệm kỳ của mình và thậm chí là không biết số năm mình đương nhiệm sẽ có dài 1 năm, 2 năm, 3 năm hay sẽ dài hơn?

Nhan sắc Việt hiện tại: Sự trỗi dậy một cách bộc phát và nguy cơ loạn cả danh hiệu đến thương hiệu Ảnh 3

Năm 2022 cũng là cột mốc mà người Việt bày tỏ sự ngán ngẩm đối với danh xưng hoa hậu. Lùm xùm tai tiếng để đời có lẽ là cuộc thi Miss Peace Vietnam. Ban đầu, cuộc thi này có tên gọi là Hoa khôi Hòa bình Việt Nam 2022, nếu hiểu nôm na thí sinh sinh chiến thắng cuộc thi này sẽ được đặt cách vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Grand Vietnam. 

Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian ngắn, BTC Miss Peace Vietnam đã tự nâng cấp tên gọi của mình lên một tầm cao mới là Hoa Hậu Hòa bình Việt Nam. Và đương nhiên, một rừng không thể có 2 cọp. Màn đụng độ gay gắt giữa 2 bên đã được đẩy lên cao trào và pháp luật đã chính thức vào cuộc. Cây không muốn lặng mà gió không muốn dừng, trước làm sóng đóng, phía đơn vị tổ chức Miss Grand Vietnam đã phản biện: "Chúng tôi đã từng đồng ý cho Tiểu Vy làm ban giám khảo của cuộc thi Hoa khôi Hòa bình Việt Nam và phía bên đó cũng đồng ý chọn ra người chiến thắng sẽ gửi tới Miss Grand Vietnam". Cuối cùng, Miss Peace Vietnam bắt buộc phải sử dụng tên gọi tiếng Anh trên tất cả mọi hoạt động sau đăng quang và trở thành cuộc thi nhan sắc duy nhất tại Việt Nam mà không có tên tiếng Việt.

Hay sự việc cuộc thi Hoa hậu Thiếu Niên Việt Nam của đơn vị truyền thông đã bị cơ quan chức năng triệu tập vì sự hiên ngang trong việc đòi cấp phép: "Ban đầu công ty được cấp phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thiếu niên Việt Nam. Tuy nhiên, khâu sản xuất bị thiếu hai từ môi trường. Lúc đó chúng tôi xin Sở được chỉnh sửa thành Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam nhưng không được chấp nhận. Ngày 17/7, ban tổ chức ghi hình thí sinh Hoa hậu Môi trường Thiếu niên Việt Nam với các hoạt động bên lề. Hiện tôi cam kết không tiến hành cuộc thi này cho đến khi về nước làm việc với cơ quan chức năng". 

Nhan sắc Việt hiện tại: Sự trỗi dậy một cách bộc phát và nguy cơ loạn cả danh hiệu đến thương hiệu Ảnh 4

Điều này để chúng ta nhìn nhận rằng, mặc dù đã "tháo khóa" việc giới hạn tổ chức các cuộc thi nhan sắc những các cá nhân vẫn tổ chức sai, vẫn vi phạm quy định. Vì 2 chữ "môi trường" mà Hoa hậu Thiếu Niên Việt Nam là cuộc thi duy nhất trong năm 2022 bị sờ gáy. Chính cách thức quản lý "đầu voi đuôi chuột" này mà nhiều đơn vị đã tổ chức các cuộc thi không đạt chất lượng cao vẫn được đăng cai tổ chức. Nói cách khác, năm qua có sự phát triển về số lượng các cuộc thi hoa hậu nhưng lại không gia tăng được chất lượng ở mỗi cuộc thi. 

Một thực trạng đáng báo động nữa chính là việc khởi động vô vàn cuộc thi nhan sắc có tên gọi trùng nhau trong khi tiêu chí lại không rõ ràng như Hoa hậu Việt Nam Thời Đại (giống với tên gọi Hoa hậu Việt Nam), Hoa hậu Biển Đảo Việt Nam (giống với Hoa hậu Biển Việt Nam), Hoa hậu Du lịch Việt Nam (giống với Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn Cầu). Nếu cứ cái đà này, chắc chắn các cơ quan ban ngành bắt buộc phải tính đến phương án điều chỉnh lại nghị định đã ban hành vì hơn hết việc khống chế số lượng cuộc thi hoa hậu là nhằm quy tụ nguồn lực tổ chức và thu hút được nhiều thí sinh chất lượng cao, để việc trao danh hiệu hoa hậu trở nên cao quý hơn. 

Thực tế, cơ chế quản lý hiện hành không tạo được hành lang pháp lý cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa những tổ chức mong muốn kinh doanh trong lĩnh vực này. Còn nếu muốn giữ lại số lượng cuộc thi thì cần phải gia tăng điều kiện, nguyên tắc lựa chọn đơn vị đủ tiêu chuẩn để cấp phép tổ chức thông qua cơ chế đấu thầu đăng cai tổ chức cuộc thi - đương nhiên là phải đủ hồ sơ năng lực. 

Nhưng có một điều cần làm rõ là mặc dù các cuộc thi hoa hậu vẫn còn nhiều vấn đề nhưng hình như tất cả những gánh nặng đó ít hay nhiều cũng đổ lên đầu các thí sinh. Và thật sự họ không phải là đối tượng để bị chỉ trích theo bất cứ cách nào. Chung quy lại vẫn là câu chuyện: Có nên để các cuộc thi hoa hậu mọc lên như nấm theo hình thức tự phát này ở tương lai gần hay không? 

Nhan sắc Việt hiện tại: Sự trỗi dậy một cách bộc phát và nguy cơ loạn cả danh hiệu đến thương hiệu Ảnh 5

"Tôi đã từ chối ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu vì phản đối việc ca sĩ không tên tuổi, chuyên viên trang điểm, làm tóc, thậm chí chủ spa không có trình độ chuyên môn cũng đi làm giám khảo. Tôi cho rằng một năm cả nước chỉ nên diễn ra hai, ba cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia để chọn những người đẹp nhất dự thi thế giới. Và các cuộc thi đó do nhà nước, những cơ quan có uy tín đứng ra quản lý, tổ chức, không nên để doanh nghiệp tư nhân tiến hành" - Giáo sư tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng.

Tổ chức hoa hậu nhiều cũng đồng nghĩa với việc phải mời nhiều ban giám khảo để chấm thi. Nhưng khác với những "thập kỉ" trước, những người cầm cân nảy mực không nhất thiết là các đàn cô đàn chú lão làng mà chính là gà nhà của công ty mình. Nhiều ý kiến của fan sắc đẹp vẫn chất vấn nhau rằng: "Một cô hoa hậu 19, 20 tuổi sẽ đi chấm thi nhan sắc cấp quốc gia". 

Điều này rất dễ trả lời đó chính là việc tận dụng gà cưng của mình vừa tăng được sức hút truyền thông lại không phải trả quá nhiều chi phí cho việc chiêu mộ người ngoài. Mặc dù vẫn biết rằng, một cánh én không làm nên mùa xuân và một tấm vé của Tiểu Vy hay Lương Thùy Linh - Bảo Ngọc không đủ sức thuyết phục hoàn toàn trong việc chọn ra người chiến thắng nhưng kinh nghiệm về tuổi đời, tuổi nghề và trải nghiệm của một cô gái cách đó ít tháng mới đang là thí sinh chập chững đi trên đôi giày cao gót nay lại ngồi chấm thi đàn chị là điều hơi "chín sớm". 

Nhan sắc Việt hiện tại: Sự trỗi dậy một cách bộc phát và nguy cơ loạn cả danh hiệu đến thương hiệu Ảnh 6

Còn nhớ, tại đêm chung kết Miss World Vietnam 2022, cô gái đang ở hàng ghế giám khảo để chấm thi Mai Phương chính là Trần Tiểu Vy - Hoa hậu Việt Nam 2018. Trước đó Mai Phương từng lọt Top 5 Hoa hậu Việt Nam 2020, đứng trước hoài nghi về năng lực, nàng hậu xứ Quảng phân tâm: "Với cương vị là Hoa hậu Việt Nam, Vy có đủ tư cách để làm giám khảo của Miss World Việt Nam. Vy từng đại diện Việt Nam tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế Miss World 2018 và cuộc thi Miss World Việt Nam năm 2021 lựa chọn dựa trên những tiêu chí của cuộc thi mà Vy đã tham gia nên Vy nghĩ rằng mình đã có kinh nghiệm và am hiểu về cách thức tổ chức cũng như tiêu chí mà cuộc thi đề ra. 

Bản thân Vy cũng từng làm giám khảo khá nhiều cuộc thi, mặc dù là những cuộc thi có quy mô nhỏ hơn nhưng Vy nghĩ rằng trọng trách của các giám khảo để tìm ra chủ nhân của chiếc vương miện là như nhau. Với những cuộc thi mà Vy từng làm giám khảo thì Vy nghĩ rằng mình đã đủ kinh nghiệm tích lũy để dành cho cuộc thi này".

Lương Thùy Linh lại cho rằng: "Sự trưởng thành của con người không được tính bằng những con số mà được tính bằng những trải nghiệm họ đã đi qua. Với thành tích là top 12 Hoa hậu thế giới, Lương Thuỳ Linh sẽ giúp đại diện tiếp theo của Việt Nam lọt top cao hơn. Nếu mọi người vẫn cho rằng vai trò giám khảo Miss World Việt Nam là quá sức với Linh, thì bằng sức trẻ, nhiệt huyết của mình, Linh sẽ giúp mọi người điền vào chỗ trống mà Linh đang thiếu".

Việc để Lương Linh, Tiểu Vy hay Bảo Ngọc ngồi vào hàng ghế chấm thi nhan sắc nếu xét ở phương diện “làm mới bản thân” cũng đáng để khen ngợi. Trong khi loạt hoa hậu chỉ ngâm giấm ở việc khoe danh hiệu thì GenZ cũng muốn thử sức mình ở những vai trò mời để thoát khỏi cái mác “người đẹp event”. 

Sau 2 năm trì trệ do ảnh hưởng của đại dịch, việc nở rộ các cuộc thi hoa hậu như một cơn gió mới thổi bùng lên khí thế của ngành công nghiệp nhan sắc. Hòa chung với hơi thở của thời đại, chúng ta vẫn ghi nhận những sự nỗ lực của các cô gái trẻ trong việc mang chuông đi đánh xứ người.

Nhan sắc Việt hiện tại: Sự trỗi dậy một cách bộc phát và nguy cơ loạn cả danh hiệu đến thương hiệu Ảnh 7

Sau nhiều năm chờ đợi - sau nhiều thập kỷ phải xếp hàng vỗ tay nhìn nước bạn intop, chúng ta có quyền tự hào về kỳ tích của Thùy Tiên khi đăng quang Miss Grand International 2021, tiếp đó là Bảo Ngọc lên ngôi Miss Intercontinental 2022 và Kim Duyên về đích á hậu 2 Miss Supranational 2022. Thành công sẽ tiếp nối thành công nhưng để có được hoa thơm quả ngọt đó ngoài sự nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo, vấn đề tuyển chọn càng được đề cao. Và hơn hết, chất lượng cuộc thi trong nước phải đảm bảo, ban giám khảo phải có tầm thì mới chọn được nhân tố mạnh để mang chuông đi đánh xứ người. 

----------------------------*------------------------------

Bài viết

Team Hoa Hậu

Thiết kế

Nyny Võ

Chia sẻ