Logo Saostar - Special
SPECIAL

Điểm lại 5 sự kiện điện ảnh nổi bật nhất năm 2021: Hồi sinh từ đống tro tàn!

Chia sẻ

1. Đạo diễn Chloé Zhao và Nomadland làm nên lịch sử tại Oscar

Nếu như lễ trao giải Oscar 2020 chứng kiến sự lên ngôi của điện ảnh châu Á với chiến thắng của Parasite tại bốn hạng mục quan trọng, thì điều này tiếp tục lặp lại trong năm 2021. Chloé Zhao đã trở thành nữ đạo diễn gốc Á đầu tiên giành chiến thắng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi trong lịch sử 92 năm của Oscar, mới chỉ có 7 nữ đạo diễn nhận được đề cử và 3 người dành chiến thắng, bao gồm cả Chloé Zhao.

Bộ phim của cô là Nomadland cũng xuất sắc được vinh danh là Phim hay nhất. Với câu chuyện về lối sống du mục của một người phụ nữ đã mất hết tất cả do cuộc đại suy thoái, Nomadland khơi gợi cho khán giả nhiều suy nghĩ về nghị lực sống kiên cường, tinh thần lạc quan khi đối diện với giông bão cuộc đời.

2. Bố già thiết lập kỷ lục doanh thu phim Việt

Mặc dù phần lớn thời gian trong năm 2021 thị trường điện ảnh Việt phải lao đao vì dịch bệnh, nhưng không có nghĩa là không có điểm sáng. Trong đó đáng chú ý nhất là thành công ngoài sức tưởng tượng của Bố già với hơn 420 tỷ đồng doanh thu phòng vé.

Trước đó, tác phẩm của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành dự kiến ra rạp vào ngày mùng 1 Tết Tân Sửu, nhưng do dịch bệnh bùng phát nên đã phải lùi lịch chiếu. Những tưởng điều này sẽ khiến bộ phim bị ảnh hưởng, nhưng “cơn khát” của khán giả cùng hiệu ứng truyền miệng tốt đã giúp Bố già oanh tạc khắp các rạp chiếu, lần lượt xô đổ các kỷ lục và chễm trệ ngôi đầu bảng xếp hạng phim Việt có doanh thu cao nhất.

Trường hợp của Bố già cũng chứng minh tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam. Chỉ cần có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chắc chắn kỷ lục 420 tỷ đồng sẽ tiếp tục bị phá vỡ trong tương lai.

3. Sự trở lại của Vũ trụ Điện ảnh Marvel

Năm 2019, phòng vé toàn cầu ước tính thu về 42,5 tỷ USD. Trong đó, riêng Vũ trụ Điện ảnh Marvel đã đóng góp phần lợi nhuận lên tới 5 tỷ USD, tương đương với 11,7%. Nói vậy để thấy tầm vóc to lớn của thương hiệu điện ảnh này cũng như ảnh hưởng của nó tới ngành công nghiệp điện ảnh.

Những tưởng sau một năm giòn giã như vậy, Marvel sẽ được đà phát triển hơn nữa trong năm 2020. Vậy mà đại dịch đã chặn đứng mọi kế hoạch mà hãng vạch ra trước đó. Và thế là lần đầu tiên kể từ khi được thành lập, Marvel Studios không có bất cứ một bộ phim điện ảnh nào ra rạp, đồng nghĩa với việc doanh thu bán vé bằng 0.

Thế nhưng, no dồn đói góp. Sau một năm im hơi lặng tiếng thì đến năm 2021, Marvel đã chiêu đãi khán giả tới 9 tác phẩm bao gồm cả điện ảnh lẫn truyền hình, bắt đầu bằng WandaVision vào tháng 3 và kết thúc bằng Spider-Man: No Way Home vào tháng 12. Thậm chí các fan còn nói đùa rằng với lịch phát hành như vậy, tuần nào cũng sẽ có phim mới để xem.

Sự trở lại của Marvel đã hâm nóng các diễn đàn điện ảnh. Mảng TV series tuy còn non trẻ nhưng đã cho thấy hướng phát triển đầy mới mẻ, góp phần mở rộng và củng cố thêm những mối liên kết trong vũ trụ điện ảnh này. Đặc biệt với những bộ phim chiếu rạp, Marvel được coi là cứu tinh của phòng vé khi giúp lôi kéo khán giả ra rạp. Spider-Man: No Way Home sau vài tuần ra mắt đã lập tức tạo nên cơn sốt và trở thành tác phẩm có doanh thu cao nhất của năm 2021.

4. Dấu mốc đáng nhớ tại Liên hoan phim Cannes 

Sau một năm tạm hoãn, Liên hoan phim Cannes đã có màn quay trở lại không thể ấn tượng hơn trong năm nay. Nó được ví như sự trở lại của nghệ thuật đỉnh cao, quy tụ những cái tên xuất sắc nhất trên thế giới về cùng một sân khấu.

Và cũng giống như Oscar hồi đầu năm, các giám khảo của Cannes đã lựa chọn tác phẩm của một đạo diễn nữ cho ngôi vị cao nhất. Bộ phim Titane của đạo diễn người Pháp Julia Ducournau đã vượt qua những đối thủ nặng ký khác để giành giải Cành Cọ Vàng. Đây mới chỉ là lần thứ hai phái nữ bước lên đỉnh vinh quang của Cannes, sau khi Jane Campion mở đường vào năm 1993 với The Piano.

Titane là bộ phim mang hơi hướm bạo lực và tình dục, từng gây nên nhiều ý kiến trái chiều khi ra mắt tại liên hoan phim. Song chính nhờ tính táo bạo, dị biệt đã giúp tác phẩm giành chiến thắng.

5. Hiện tượng Squid Game và sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn Quốc

Chỉ khoảng 2 năm trước thôi, việc một bộ phim Hàn Quốc trở thành cơn sốt toàn cầu là điều thật khó tin. Nhưng thời thế đã thay đổi kể từ khi Parasite gây tiếng vang tại Oscar, giúp điện ảnh xứ sở kim chi lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư quốc tế.

Và trong năm 2021 này, cái tên được nhắc đến nhiều nhất không phải là một bộ phim đến từ kinh đô điện ảnh Hollywood, mà lại là một TV series của Hàn Quốc. Ra mắt vào giữa tháng 9, không ai có thể lường trước được sức hút khủng khiếp mà Squid Game tạo ra. Người người, nhà nhà đều nhắc đến Squid Game, kéo theo đó hàng loạt trào lưu xuất hiện trên mạng xã hội. Theo thống kê của Netflix, bộ phim đã đem về cho công ty khoảng 900 triệu USD lợi nhuận, đồng thời là cái tên được xem nhiều nhất trên nền tảng này.

Squid Game không phải là thành công duy nhất của Hàn Quốc trong năm nay. Lần lượt những tựa phim gốc như D.P, My Name, Hellbound cho đến những K-drama của các đài truyền hình như Vincenzo, Hospital Playlist, Hometown Cha Cha Cha đều lọt top trending, trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận trên mạng.

Để có được thành công như vậy, công lao lớn nhất chắc chắn thuộc về Netflix. Công ty đã chi hơn nửa tỷ USD để đầu tư vào thị trường Hàn Quốc trong năm nay và rõ ràng nó đã cho thấy hiệu quả. Nền tảng này cũng có lựa chọn hàng đầu để các nhà làm phim xứ sở kim chi đưa tác phẩm của mình ra thế giới.