Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt

Không ngoa khi nói rằng, Indie đã và đang góp chung vào công việc "vận hành" làng nhạc Việt.

Bài viết Thanh Phúc
Chia sẻ

Làng nhạc thế giới qua nhiều thập kỷ đã chứng kiến sự thống trị rõ ràng của những thể loại âm nhạc quen thuộc như EDM, Pop Ballad, Dance, R&B,… Những tên tuổi lớn của thế giới cũng không nằm ngoài cuộc chơi này khi đánh mạnh vào các dự án âm nhạc mang tính thời cuộc để tiếp cận được sâu hơn đến đời sống tinh thần khán giả.

Tại Việt Nam, những cái tên đang dẫn đầu thị trường như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Đông Nhi,… cũng không nằm ngoài cuộc chơi này khi đã nắm trong tay ít nhiều các dự án âm nhạc bắt kịp xu hướng thế giới.

Song song với những thể loại âm nhạc đã quá phổ biến, một bộ phận khán giả gần đây lại có xu hướng tìm đến những góc khuất khác giữa thị trường Vpop tấp nập - Nổi bật chính là Indie. Indie không quá mới mẻ vì đã có đời sống riêng từ khá lâu, tuy nhiên cách người nghệ sĩ vận hành để dòng nhạc này tồn tại sẽ khiến nhiều người tò mò, thích thú và có cái nhìn khác biệt hơn về một "thế giới song song" của những thứ xập xình, hoa lệ ở Vpop.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 2

Ở một nghệ sĩ hoạt động chính thống, ta có thể thấy được đường dây của họ rất rõ ràng. Từ khâu chọn bài hát, thu âm, quay MV, quảng bá âm nhạc trên các sân khấu, gameshow,... tất cả đều được thực hiện bài bản dưới sự chỉ đạo của một e-kip toàn năng. Nói cách khác, rất hiếm những nghệ sĩ chính thống có lối đi độc lập mà không có sự can thiệp từ những "bộ óc" khác.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 3

Đó là câu chuyện của những nghệ sĩ hoạt động chính thống, còn ở thế giới Indie sẽ là một "lề lối" hoàn toàn khác biệt.

Indie xuất phát từ cụm “Independent Music”, mang nghĩa là âm nhạc độc lập. Nôm na, các nghệ sĩ Indie sẽ độc lập hoàn toàn trong việc sản xuất các sản phẩm âm nhạc. Từ sáng tác, thu âm, quay MV cho đến việc đăng tải thành phẩm lên các kênh nghe nhạc trực tuyến thịnh hành như Youtube, Soundcloud, Spotify,...

Họ thường không chú trọng và đầu tư nhiều về hình ảnh hay MV mà chỉ tập trung chủ yếu việc truyền tải chất lượng và cái tôi âm nhạc của mình. Quá trình này hầu như không bị phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào về truyền thông hay thương mại mà diễn ra thầm lặng và không hề khoa trương như cách những nghệ sĩ đương thời đang thực hiện. Nghệ sĩ cũng từ đó cũng không hề bị gò bó mà tự do thể hệ bản sắc cá nhân trong chính không gian âm nhạc của mình. Vì thế, Indie được xem như một xu hướng âm nhạc hoặc phong cách làm nhạc chứ không hề được xếp vào danh sách những dòng nhạc hay thể loại như lâu nay chúng ta thường lầm tưởng.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 4

Theo thời gian, cách làm nhạc độc lập này trở nên phát triển và rất phổ biến, giờ đây nó không chỉ gói gọn trong phạm vi người có nền tảng chuyên môn mà còn có ý nghĩa cực kỳ đặc biệt đối với những nhân vật “vô danh” hay “tay ngang” trong âm nhạc với tư duy, cá tính và xúc cảm nghệ thuật cá biệt.

Một khía cạnh thú vị không kém khi Indie có thể được xem như là một cái cớ để người nghệ sĩ tự do bộc lộ, khai thác bằng hết những cá tính từ độc đáo cho đến quái dị của mình trong âm nhạc. Mà ở đó, những yếu điểm về kỹ năng của họ hoàn toàn có thể được cắt giảm tối đa mà sự "bào chữa" có thể gói gọn trong định nghĩa của "Independent Music".

Rõ ràng Indie là một xu hướng âm nhạc độc lập đã và đang sinh tồn được giữa muôn vàn "cắt xẻ" của Vpop. Không ồ ạt hay rầm rộ, Indie len lỏi vào những ngóc ngách một cách thầm lặn và sắc bén.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 5

 

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 6

Indie được cho là xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 80 và 90 của thế kỉ XX ở khu vực châu Âu với slogan đậm tinh thần “độc lập” là DIY - Do it yourself. Có thời gian, Indie phát triển mạnh mẽ như vũ bảo và thống trị đời sống tinh thần khán giả suốt một đoạn dài. So với những thể loại thời thượng như Pop, RnB, Rock,... Indie gần như là một cá thể lạ và rất khó có khả năng tồn tại trong đời sống âm nhạc của khán giả. Thế nhưng bằng một phép màu nào đó, Indie vẫn sản sinh ra nhiều cá nhân, "tổ chức" cực kỳ thành công.

Gotye với siêu hit Somebody That I Used To Know (2011) có thể được xem là một ca khúc kinh điển khi nhắc đến Indie. Từng "đánh chiếm" làng nhạc với 8 tuần liên tiếp #1 Billboard Hot 100, hơn 5 triệu đĩa đơn được bán ra tại Mỹ, hơn 1 triệu đĩa tại Anh và 7 triệu lượt tải trực tuyến, bên cạnh đó còn mang về hai giải Grammy danh giá. Không ngoa khi nhận định rằng ca khúc này đã đưa Gotye trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của dòng Indie trên toàn thế giới.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 7

Một đại diện khác có thể nhắc đến là Imagines Dragon với hit Radioactive đình đám không kém, hay Lana Del Rey với siêu hit Summertime Sadness, Video game hay Bjork với Army of me,… Từ những cái tên này đã cho thấy Indie hoàn toàn dư sức để trở thành một thứ âm nhạc được săn đón nhiệt liệt. Sự bùng nổ của những nghệ sĩ dòng Indie quốc tế ít nhiều đã tạo nên sự tác động, đưa xu hướng âm nhạc này du nhập và dựng nên một "đế chế" riêng tại Việt Nam.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 8
Lana Del Rey.

Việt Nam là thị trường cập nhật xu hướng Indie có thể được xem là khá chậm so với thế giới. Nhưng đây cũng được xem như một sự may mắn khi có thể nhìn nhận được những kinh nghiệm của người đi trước, để từ đó kết hợp với những yếu tố tân thời tạo nên một diện mạo mới cho Indie khi phát triển tại một thị trường tiềm năng như Vpop. Những thế hệ “hiếm hoi” đầu tiên đại diện cho xu hướng làm nhạc độc lập có phần mới mẻ tại Việt Nam phải kể đến Hà Okio, Trần Trung Đức hay Lê Cát Trọng Lý.

Trong đó, nổi bật hơn cả là Lê Cát Trọng Lý với những cảm quan xuất sắc về con người, cuộc sống, tình yêu thông qua những sáng tác mộc mạc mà đầy tinh tế như Thương, Chênh vênh, Tám chữ có, Cơn bão nghiêng đêm,

Sự xuất hiện của Lê Cát Trọng Lý lúc bấy giờ chỉ mới vẽ vời ra diện mạo sơ khai nhất cho khán giả về một nghệ sĩ Indie thực thụ là như thế nào. Indie tại Việt Nam thời kỳ ấy như một "chú cá" lần đầu được vẫy vùng trong biển cả.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 9

Sau này, lần lượt những Cá Hồi Hoang, Ngọt Band, Thái Đinh, Vũ, Trang hay DALAB được công nhận với loạt ca khúc hit đình đám cũng chính là cột mốc cho cú nổ của Indie tại Việt Nam.

Bảng màu Indie được tô vẽ bởi nhiều chất riêng khó nhầm lẫn. Vũ - Một kẻ mộng mơ kể chuyện bằng âm nhạc, bộc bạch chậm rãi những cảm xúc của tình yêu đơn phương ngọt ngào mà sâu nặng và rất đàn ông với Lạ lùng, Lời yêu em, Phút ban đầu,… Một DALAB nhiều "thói đời" qua Từ ngày em đến, Một nhà, Thanh xuân,… Ngọt Band, Cá Hồi Hoang với những gì cháy bỏng nhất của tuổi trẻ qua Tầng thượng 102, Đến bao giờ, Cho tôi đi theo, Em dạo này,… hay những thủ thỉ, tâm sự đầy chất chứa bởi người kể chuyện tình Thái Đinh, của Trang đã cùng nhau bày vẽ ra những giá trị âm nhạc độc lập nhưng vẫn cùng nhau dựng xây một thế giới Indie đúng nghĩa.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 10

Cũng từ đó, Indie dần thoát ra khỏi vỏ bọc của chính mình, ngày càng cởi mở và nhận được sự chú ý từ những fan nghe nhạc đại chúng Việt Nam đồng thời là sự khuyến khích từ giới nhà nghề. Ngọt Band từng lập cú đúp Giải thưởng Cống hiến 2018 cho Bài hát của nămNghệ sĩ mới của năm - một trong những giải thưởng có uy tín và thâm niên trong giới nhạc Việt. Nhiều năm trước đó, khi vừa “debut” ở sân khấu Bài hát Việt, Lê Cát Trọng Lý cũng được lòng giới chuyên môn khi “hốt trọn” nhiều giải thưởng với âm nhạc khác biệt của mình. Năm 2011, cô sở hữu cho mình chiếc cúp Cống hiến danh giá với danh hiệu Nhạc sĩ của năm giữa những cái tên sừng sỏ trong nghề.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 11
Ngọt band.

Cởi mở đồng nghĩa với việc tiếp thu. Indie của những năm sau đó dần "dang tay" để hoà mình và giao lưu nhiều hơn với những dòng nhạc chính thống.

Minh chứng chính là những trường hợp nghệ sĩ/nhạc sĩ Indie mạnh dạn đưa "đứa con" của mình cho ca sĩ mainstream thể hiện. Đơn cử như “thương hiệu Indie” có tiếng là Nhạc của Trang đã hợp tác cùng Uyên Linh và Min cho ra đời lần lượt Hôn anh, Bài hát của em được đầu tư kĩ càng khi ra mắt và nhận được phản hồi tích cực. Hay sự kết hợp đầy ngẫu hứng và mới mẻ của Ngọt Band với dàn nhạc giao hưởng bởi nhạc sĩ Đức Trí ở Ngọt - In the spotlight vừa qua cũng là một “gạch đầu dòng” đáng tâm đắc khi nhắc về sự giao thoa của Indie và âm nhạc chính thống.

Những cái mới mẻ chắc chắn luôn tạo nên sự tranh cãi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Indie đã và đang bước ra khỏi vùng an toàn cũng như gầy dựng được sự tin cậy ở giới chuyên môn hay khán giả yêu nhạc đại chúng.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 12

Chưa dừng lại ở đó, thời gian gần đây nghệ sĩ Indie Việt cũng từng bước đánh dấu cú chuyển mình ấn tượng bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động nghệ thuật thay vì mãi mê vùng vẫy trong thế giới của riêng họ. Nhiều buổi biểu diễn, liveshow ca nhạc thuần Indie liên tiếp được tổ chức như Thơm Music Festival hay Monsoon Music Festival 2017 thu hút đông đảo khán giả tham dự. Những đêm nhạc cá nhân của Vũ, Thái Đinh, Lê Cát Trọng Lý,… tưởng chừng "khó sống" thế nhưng lại luôn nằm trong diện được săn đón, thậm chí cháy vé. Dù ngày càng rút ngắn khoảng cách với đại chúng nhưng may mắn thay, Indie vẫn giữ nguyên được bản sắc âm nhạc vốn có của mình.

Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 13
Indie và câu chuyện 'sinh tồn' trong nhạc Việt Ảnh 14

Giữa một thị trường âm nhạc đang dần bị "bão hoà" theo thời gian với những giai điệu lập đi lập lại một cách dễ dãi, sự tồn tại của Indie rõ ràng là một điều rất đáng khuyến khích. Mặc dù những bước đi có phần chậm rãi và đôi lúc khó tiếp cận được đại đa số công chúng, nhưng ít ra ở Indie ta vẫn thấy được giá trị riêng và "cái tôi" trong âm nhạc của người nghệ sĩ. Thời điểm này, Indie tồn tại không chỉ dựa vào những nghệ sĩ, mà ở đó còn cần cả sự yêu mến từ khán giả cũng như các sân chơi âm nhạc phù hợp để Indie phát triển và cùng "vận hành" quỹ đạo chung của nhạc Việt.

Bài viết

Thanh Phúc

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ