Thể thao

Nhìn sự sụp đổ của Schooling, Văn Quyến để thấy sự giáo dục đặc biệt quan trọng trong thể thao

Văn Nhân
Chia sẻ

Ngày 13/8/2016, cả nước Singapore dừng hết mọi hoạt động để dõi theo Joseph Schooling tranh tài ở Olympic 2016.

1. Từ trẻ em đến học sinh, sinh viên, cầu thủ…, thậm chí cả những bà nội trợ cũng dừng nấu ăn, tất cả nhìn về Joseph Schooling với mong ước anh giành HCV Olympic. Joseph Schooling đã làm được khi đánh bại huyền thoại Michael Phelps để trở thành chủ nhân tấm HCV nội dung 100 m bướm tại Olympic Rio.

Hiệu trưởng Lee Hui Feng của trường Nanyang nói sẽ treo tấm ảnh Joseph Schooling làm cảm hứng cho học sinh. Tập đoàn hàng không Changi vinh danh anh bằng cách tạo ra chuyến bay với nội dung: “Chuyến bay: SG 2016. Thời gian 50 giây 39. Từ Joseph Schooling. Tới HCV”…

Kỳ Olympic tiếp theo, Schooling thi đấu thất bại. Người Singapore tạo ra “tấm khiên” bảo vệ cho Schooling. Đơn giản anh là niềm tự hào của Singapore, là biểu tượng cho sự vĩ đại của thể thao Singapore.

Bây giờ tất cả sụp đổ. Joseph Schooling đã sử dụng cần sa trong thời gian tập huấn và thi đấu SEA Games 31. Một cú sốc không chỉ cho thể thao Singapore mà còn cả Đông Nam Á.

Nhìn từ sự sụp đổ của Schooling, Văn Quyến để thấy sự giáo dục đặc biệt quan trọng trong thể thao Ảnh 1
Thể thao Singapore rúng động khi Schooling sử dụng cần sa.

Hoá ra phía sau người hùng và thần tượng thể thao có mảng tối. Đó là sự cám dỗ sau vinh quang. Hoá ra một nhà vô địch nếu không ý thức được cái xấu sẽ “ném sạch” mọi công sức trong thi đấu. Người hâm mộ Singapore đang muốn tước huy chương vàng của Schooling. Một bi kịch thật sự cho Schooling khi từ đỉnh cao rớt xuống vực sâu.

Nếu có một điều ước thì có lẽ người hâm mộ Singapore ước rằng: Giá như Joseph Schooling được giáo dục tốt hơn để tránh xa cám dỗ và thói xấu. Họ sẽ không mất đi một niềm tự hào được ví như tài năng trăm năm.

Trong thể thao, hiệu ứng về cái đẹp, nguồn cảm hứng lan toả bất tận. Sự thành công của Schooling vào năm 2016 là ví dụ. Nhưng mặt trái sẽ vùi dập hết mọi thứ.

2. Hồi tháng 5/2014, các sạp báo của Nhật đón sự trở lại của bộ manga huyền thoại Tsubasa. Đây là một ví dụ để thấy vai trò của sự giáo dục và cảm hứng về thể thao lớn đến dường nào nếu tạo ra thông điệp tích cực và ý nghĩa.

41 năm trước, truyện tranh Đội trưởng Tsubasa ra đời. Nó giống như chuyện xây “một cây cầu bóng đá” để đưa trẻ em Nhật Bản đến với môn thể thao, đặc biệt có ý nghĩa rất lớn với bóng đá học đường. Sức lan toả ra cả thế giới khi những huyền thoại Zinedine Zidane, Alessandro del Piero, Francesco Totti, Fernando Torres, Andrea Pirlo, Lionel Messi… đều lấy cảm hứng từ Đội trưởng Tsubasa để khởi đầu ước mơ làm cầu thủ.

Nhìn từ sự sụp đổ của Schooling, Văn Quyến để thấy sự giáo dục đặc biệt quan trọng trong thể thao Ảnh 2
Bộ truyện tranh Đội trưởng Tsubasa góp phần thay đổi bóng đá Nhật Bản.

Tsubasa - nhân vật không có thật nhưng nổi tiếng toàn thế giới, ảnh hưởng đến ước mơ và hoài bão cho hàng triệu đứa trẻ theo đuổi bóng đá. Bóng đá Nhật Bản cất cánh đến sân khấu World Cup và hùng mạnh ở bóng đá châu Á.

Giá trị của Tsubasa với bóng đá Nhật Bản là tạo ra một văn hoá bóng đá, một niềm cảm hứng bất tận cho trẻ em và các trường học ở xứ mặt trời mọc. Hàng triệu đứa trẻ cất gậy bóng chày để chơi bóng đá. Đây chính là điểm quan trọng nhất để người Nhật phát triển bóng đá. Tsubasa còn bắt được “cây cầu lớn” là hiệu ứng bóng đá học đường. Ví dụ các đội bóng sinh viên của Nhật Bản đang có trình độ ngang ngửa các đội tuyển có trình độ trung bình ở châu Á. Và thể thao học đường là con đường chung cho mọi nền thể thao phát triển.

3. Ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy vai trò của giáo dục ảnh hưởng lớn đến bóng đá như thế nào trong nhiều năm qua. Nỗi đau SEA Games 2005, hay chuyện các cầu thủ Đồng Nai bán độ…, tất cả đều đến từ một phần nguyên nhân lớn là cầu thủ thiếu sự giáo dục. Trong số đó, Văn Quyến là nỗi đau cho người hâm mộ về một thần đồng đánh mất chính mình trên vinh quang.

Chuyện những cầu thủ nổi tiếng như Văn Quyến, Quốc Vượng, Long Giang… bị sa ngã, hay sự vĩ đại của Joseph Schooling sụp đổ hình ảnh càng cho thấy giáo dục đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thể thao. Ngược lại, một câu chuyện đẹp và ý nghĩa dù các nhân vật không có thật nhưng có thể làm thay đổi tất cả, điển hình là truyện tranh Đội trưởng Tsubasa ra đời góp phần thay đổi bóng đá Nhật Bản.

Nhìn từ sự sụp đổ của Schooling, Văn Quyến để thấy sự giáo dục đặc biệt quan trọng trong thể thao Ảnh 3
Tư tưởng bóng đá và giáo dục của bầu Đức thay đổi bóng đá Việt Nam.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà người hâm mộ cả nước luôn ủng hộ lứa Công Phượng của bầu Đức. Họ cảm nhận được hơi thở của bóng đá kết hợp giáo dục sẽ mang đến sự khác biệt toàn diện. Xuân Trường, Văn Thanh sẵn sàng dùng tay cào tuyết cho Quang Hải đá phạt. Xuân Trường ôm những chiếc áo ra chăm sóc lúc toàn đội bị lạnh. Tất cả là câu chuyện đẹp và xúc động để thấy vai trò của giáo dục với cầu thủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Bầu Đức nói ông đào tạo cầu thủ với phương châm giáo dục làm đầu: “Tiên học lễ, hậu học bóng”. Cầu thủ nào mất dạy, thiếu văn hoá, đá xấu xí thì ông lập tức đuổi ngay. Vì thành tài mà sa ngã thì nỗi đau không thể nào đong đếm hết, nhất là với những người nuôi dạy cầu thủ từ lúc nhỏ đến trưởng thành.

Giáo dục cầu thủ không phải đợi đến lúc họ có thành tích, thành công mới quan trọng. Mọi thứ phải uốn nắn ngay từ nhỏ. Và chuyện nuôi dưỡng một đứa trẻ trưởng thành với sự tử tế đã tự tạo ra giá trị lớn lao.

Câu chuyện nêu trên cũng giống như một người cống hiến tốt cho bóng đá không phải chờ tạo ra thành công để đong đếm, mà người đó phải có tinh thần thể thao và khát vọng hướng thiện. Người đó phải có mong ước thay đổi số phận cho các em nhỏ bằng sự giáo dục. Bởi làm đào tạo nhưng không quan tâm tương lai đứa trẻ đi về đâu là thiếu tử tế.

Câu chuyện ước mơ của ông Trần Văn Quỳnh được Saostar đăng tải cách đây vài ngày là một ví dụ thiết thực. Đây là một suy nghĩ đẹp từ tấm lòng đến mục đích làm bóng đá.

Nhìn từ sự sụp đổ của Schooling, Văn Quyến để thấy sự giáo dục đặc biệt quan trọng trong thể thao Ảnh 4
Ông Trần Văn Quỳnh có khát khao cho ra đời một đội bóng dành cho các trẻ em mồ côi. Ảnh: Thanh Thuý

Chủ tịch CLB Kon Tum - ông Trần Văn Quỳnh nói rằng: “Tôi sẽ thành lập một đội bóng thiếu niên gồm các cháu có hoàn cảnh đặc biệt là mồ côi. Tôi muốn giúp các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm lo tốt. Tôi trăn trở về điều đó trong nhiều năm qua vì yêu trẻ con...

Tôi nghĩ bóng đá phải hướng thiện và căn cơ là nền tảng giáo dục. Làm sao để giúp thay đổi cuộc đời của 1 đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trở thành một công dân tốt là ước mơ của tôi”.

Khát khao làm bóng đá chuyên nghiệp để có thành tích là không sai. Vì làm bóng đá cần hướng đến chiến thắng và thành tích. Nhưng trong bối cảnh mà bóng đá tồn tại chuyện bỏ ngang (CLB Quảng Ninh), nợ tiền (CLB Cần Thơ) và không rõ ngày mai ra sao. Bóng đá ấy chưa thể nói về sự tốt đẹp, vì chính các cầu thủ phải chơi bóng trong cảnh sợ bị mất trắng. Không thể tồn tại, hoặc không bền vững thì làm sao nói đến chung tay vì sự nghiệp thể thao?! 

Chưa cần phải bóng đá thành công, không cần phải bóng đá đỉnh cao. Một người làm bóng đá có thể giúp thay đổi cuộc đời cho các đứa trẻ vốn phải thiệt thòi, giáo dục chúng trở thành người hữu ích cho xã hội. Chừng đó đã là vì sự nghiệp thể thao, góp phần thay đổi bóng đá nước nhà.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất