Chuyện chị Dzú độc thân vui tánh Sài Gòn: Gác lại mọi hoài bão, ước mơ để quay về bán bún lề đường, chăm mẹ cha bệnh nặng

Cả một đời vẫy vùng, làm đủ nghề, yêu đương nồng nhiệt và rong ruổi khắp nơi trong và ngoài nước… Thế rồi đến khi cha bị tai biến liệt nửa người, mẹ lẫn và hoại tử chân, chị Bùi Kim Thư (43 tuổi) quyết gác lại tất cả, quay về vì 2 chữ: Gia đình.

Bài viết Huy Hậu
Chia sẻ

“Má… má… Hồi xưa bao nhiêu tháng con chui ra khỏi bụng hở má?” - chị Thư hỏi vội.

“Ai biết mầy! Tuổi mầy má còn hổng nhớ lấy gì nhớ sinh bao nhiêu tháng?” - má cáu.

“10 tháng đó. Tui hông sinh nó tui còn biết…” - dì Lan thêm vào.

“Haha… Đúng á mày. Xưa chị sinh già hơn 10 tháng mới chui ra khỏi bụng lận, nên mày thấy chị lì hông, dữ hông?”

“Dữ quá chời luôn. Nãy nhìn còn tưởng đàn ông hông à!”

“Haha… Lúc đầu ai nhìn tao cũng nghĩ vậy á. Biết sao không? Vì tao hiền quá, yếu đuối quá nên mới lấy hình xăm, cắt tóc tém để che lấp bên trong”.

Bà dzú Thư đon đả kể, tay vẫn thoăn thoắt đảo đều nồi nước lèo thơm nức. Vừa đưa đẩy chiều lòng khách “có ngay… có ngay…”, lại phải ngó nghiêng má, trò chuyện cho má bớt buồn, cho má chịu ngồi yên trên chiếc xe lăn cũ gần 1 năm nay.

Chuyện chị Dzú độc thân vui tánh Sài Gòn: Gác lại mọi hoài bão, ước mơ để quay về bán bún lề đường, chăm mẹ cha bệnh nặng

Người ta thường bảo: Mỗi chúng ta trong cuộc đời này, thường phải mất 2/3 quỹ thời gian để loay hoay trong những con đường ‘vòng vèo, chùng chình’ của hoài bão, ước mơ. Nhưng rồi một mai giữa những biến cố, khi bố mẹ già nua, bệnh tật… liệu mấy ai đủ can đảm mà bỏ lại tất cả, quay về trong liếp nhà nhỏ, lặng lẽ cùng đôi tay già úa, nhăn nheo của bậc sinh thành?

Đơn giản vì 2 chữ: tình thân!

Câu chuyện mà tôi kể sau đây là về một người phụ nữ như thế! Chị tự nhận mình đã từng có một đời vùng vẫy, rong ruổi khắp nơi, có trong tay tiền tài, tình yêu… Nhưng rồi một ngày gia đình quỵ ngã, chị sẵn sàng gác lại tất cả. “Đó không còn là lựa chọn, mà phải làm” - chị nhắn.

Tôi ghé quán bún măng Dzú vào một chiều mưa rả rích, nhờ vào lời giới thiệu ‘hút tai’ của người bạn: Món ăn độc và đặc biệt nhất Sài Gòn. Độc, vì ở thành phố này chỉ duy có chị Thư mới biết cách biến tấu cái riêng của thịt bò, mắm tôm, măng tươi… trở nên gây nghiện. Đặc biệt, bởi đằng sau nó còn là cả câu chuyện dài về tình yêu 12 năm trời bên kia nước Pháp và về tình mẫu tử thiêng liêng.

“Mẹ chị đấy! Bà bị lẫn lâu rồi nên lúc nhớ lúc quên, như trẻ con vậy. Ngày nào tao cũng phải kiếm gì cho bà làm để bà bận, chứ không chẳng chịu ngồi yên” - chị Thư giới thiệu.

Mấy năm trước, trong một lần sơ ý mà móng chân của mẹ chị đâm phải vật nhọn rồi sưng tấy, hoại tử. Nghĩ chẳng có chuyện gì nên bà giấu lặng. Đến tháng 10 năm ngoái, Sài Gòn vào mùa ngập lớn, một lần lội vào vũng nước đen mà chỗ sưng ấy cứ thế thúi thịt rồi đen ngòm dần.

“Buổi sáng xuống nhà tự nhiên thấy máu rỉ đầy sàn, tao cứ nghĩ là do con chó nhà nuôi tới tháng… Ai ngờ, lúc má giơ chân lên, máu đã tứa ra nhiều lắm mà bả cứ lấy giấy chặm, miệng cười liên hồi bảo hổng sao, hổng sao… Tao khóc quá trời!”

Đó là giai đoạn khó khăn nhất khi ba vừa bị tai biến liệt nửa người, mẹ lại hoại tử thêm lẫn tuổi già. Ở viện điều trị kéo dài, phải truyền nhiều đợt thuốc nên cứ thế trí nhớ bà giảm dần. Bà hay nói mông lung, nhiều khi còn quên mình mang vết thương, đứng dậy bước đi như không làm máu rỉ cả sàn. Chị Thư khóc mãi…

“Vài tháng sau thì bà nằng nặc đòi về. Vì vết thương lớn quá nên lần đó bác sĩ cũng trả về. Tao đành thuê y tá tới nhà chăm nhưng người ta đành lắc đầu. Lúc đó, chẳng ai nghĩ mẹ chị có thể qua khỏi tháng Giêng. Thôi thì được ngày nào hay ngày đó…”

Đến lúc này, muốn hay không thì cũng đã đặt vào tình thế sinh tử, chị Thư tự tay học cách chăm rửa vết thương cho mẹ. Chị đành gác lại đằng sau tất cả hoài bão, cùng chị Huyền (chị gái) quay về nhà, ngày ngày chăm 2 phận già.

“Lúc đó để có tiền chữa bệnh cho mẹ chị mới nghĩ làm cái gì đó. May ngày xưa chị có học được món bún măng bò gia truyền nên mở trước nhà. Cứ sáng cho mẹ ngồi xe lăn, vừa bán vừa ngó nghiêng…” - chị Thư cười.

Chị Thư hay bảo: Ngày xưa chị là một đôi chân sáo đi rong.

Thiệt! Hồi đó, cứ xe máy, vài người bạn, chị đi khắp Việt Nam: Tà Năng, Phan Thiết, Quy Nhơn, Đà Lạt,… chẳng mấy khi chịu ở nhà. Rồi thì sang Mỹ, vài tháng chị đã đặt chân tới bãi biển Hawaii xinh đẹp. Cuộc sống hết mình trên những cung đường rộng lớn.

Năm 27 tuổi, chị có tình yêu đầu cùng một người Việt kiều tên Thành, cả hai gắn kết hơn 12 năm trời. Ở Sài Gòn, chị cùng anh xây dựng nhiều nhà hàng lớn nhỏ để kinh doanh. Vậy mà, cái lần anh ngỏ lời đưa chị sang Pháp, cái duyên chưa tới nên cuối cùng 2 người chẳng đến được bên nhau.

“Cái món bún măng bò cũng từ gia đình anh ấy mà ra. Chị nhớ hồi sinh nhật dì Mười, Sayko (em họ anh Thành - PV) vì nhớ mẹ nên nấu món này đãi tụi chị. Lần đó chị mới biết ở Việt Nam không có món này chứ bên Pháp, dì Mười hồi còn sống đã mở nhà hàng làm ăn ngon lắm.

Lúc đó, Sayko bảo: Nếu Thư bán món này, Sayko chỉ nhưng Thư giữ cho mình thôi nhé. Mình cũng ậm ự, chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày nấu bún măng bò bán như giờ…” - chị Thư kể.

Thế đấy, món bún măng bò bà Dzú vì hương vị độc lạ đã níu chân bao người Sài Gòn. Đó không chỉ là một món ăn, mà còn là kỷ niệm tình yêu, là đong đầy nghĩa tình chữ hiếu của người con gái gác lại tất cả vì mẹ già. “Nhiều người hay bảo quán tao bán lề đường mà cần chi nhặt rau giá bỏ gốc chi cho cực. Biết sao không? Vì tao phải để mẹ làm việc như thế, nhặt từng cọng rau cả ngày để bà bận, bớt cô đơn mà chịu ngồi yên trên xe cho chân không rỉ máu…” - Thư cười.

Cứ thế, sau biến cố cuộc đời, chị Huyền, chị Thư - những người phụ nữ độc thân ở cái tuổi bên kia dốc, sau tất cả lại quay về bên gia đình, có cha, có mẹ.

Từ đôi chân vùng vẫy khắp vùng trời cuối đất, từng có những ngày ở trời Tây cầm tiền mà tự hỏi hạnh phúc? Giờ đây, dù tàn phai nhan sắc, chôn chân trong căn nhà thuê, ngày ngày chăm cha mẹ bệnh, mưu sinh bằng chiếc xe đẩy lề đường,… Hỏi có phải là sự đánh đổi lớn không?

Lớn!

Nhưng hơn hết, chị nhận lại được bài học tình thân. Là kỳ tích được viết lên bởi tấm lòng hiếu thảo của người con gái, dám hy sinh tất cả để cứu mẹ qua khỏi cái tháng Giêng Sài Gòn mưa lớn năm ấy!

“Bây giờ còn buồn, tiếc nuối không Thư?” - tôi hỏi.

“Mày đoán xem??? Haha… chân tao chân đi mà một ngày bắt tao đứng yên, ở trong 4 bức tường, chăm người bệnh thì có bứt rứt hông? Nhưng rồi sau này nếu em ở hoàn cảnh như chị thì sẽ nhận ra: Cả một đời rong ruổi, đến lúc cha mẹ có chuyện gì thì ai cũng sẽ làm như chị thôi… 

Tao chấp nhận hết…” - chị khẽ cười trong mưa.

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ