Vòng quanh thế giới

Gia đình 3 người mắc bệnh ung thư vì một thói quen ăn uống

Minh Quân

Bác sĩ đã đưa ra cảnh báo sức khỏe sau khi cả gia đình này được chẩn đoán ung thư.

Trong khi tiết kiệm từ lâu được xem là một đức tính đáng quý, thì ở một số trường hợp, việc "tiết kiệm quá đà" lại có thể vô tình trở thành tác nhân dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe – thậm chí là ung thư. Câu chuyện cảnh báo mới đây từ một bác sĩ Đài Loan đã khiến nhiều người phải nhìn lại thói quen sinh hoạt tưởng như vô hại của mình.

Tiến sĩ Liao Jiding – chuyên gia huyết học và ung thư tại Bệnh viện Tưởng niệm Linkou Chang Gung – đã khiến cộng đồng mạng xôn xao với đoạn video đăng trên kênh YouTube cá nhân mang tiêu đề: “Ung thư là do tiết kiệm tiền? Những cách tiết kiệm đang âm thầm ‘mua’ ung thư cho bạn!”. Trong video, ông chia sẻ trường hợp thương tâm của một gia đình ba người – gồm cha mẹ và con – đều lần lượt mắc ung thư đường tiêu hóa. Nguyên nhân? Một thói quen ăn uống tưởng chừng vô hại nhưng phổ biến đến mức "nhiều người đang mắc phải mà không hay biết".

Ảnh minh họa (gettyimages).
Ảnh minh họa (gettyimages).

Gia đình này có điểm chung là thường xuyên ăn thức ăn thừa, bảo quản trong tủ lạnh và hâm nóng lại nhiều lần. “Tiết kiệm là tốt, nhưng nếu đặt sai chỗ, nó có thể trở thành mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng”, bác sĩ Liao nói. Ông cho biết, dù tủ lạnh có thể kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, nhưng không thể triệt tiêu hoàn toàn vi khuẩn – đặc biệt là ở rau xanh để qua đêm, vốn có nguy cơ sản sinh nhiều nitrit – chất liên quan mật thiết đến ung thư dạ dày và đường tiêu hóa.

Không dừng lại ở đó, bác sĩ Liao còn cảnh báo về xu hướng “săn thực phẩm giá rẻ” hoặc tiếc rẻ thực phẩm gần hỏng, trái cây bị dập, rau củ úa. Nhiều người chọn cách cắt bỏ phần hỏng và dùng phần còn lại mà không biết rằng, nấm mốc có thể tạo ra aflatoxin – một chất gây ung thư loại I đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận. “Bạn nghĩ mình đang tiết kiệm tiền, nhưng thật ra là đang đánh cược sức khỏe cả gia đình”, ông nói.

Ảnh minh họa (香港愛情故事).
Ảnh minh họa (香港愛情故事).

Một điểm đáng lưu ý khác là thói quen sử dụng máy hút mùi sai cách trong gian bếp – nơi tưởng chừng an toàn lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo bác sĩ Liao, rất nhiều gia đình tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu ăn để tiết kiệm điện. Nhưng thực tế, khói bếp chứa nhiều chất độc hại, khi hít phải trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Ông khuyên nên bật máy hút mùi ngay từ khi bắt đầu nấu và để máy tiếp tục hoạt động ít nhất 3–5 phút sau khi kết thúc để loại bỏ hoàn toàn khói và khí độc.

Điều khiến câu chuyện của bác sĩ Liao trở nên đặc biệt đáng suy ngẫm là ông không chỉ nói về một gia đình không may, mà nhấn mạnh đây là vấn đề của “rất nhiều người”. Những thói quen nhỏ, lặp lại mỗi ngày vì lý do “tiết kiệm” – ăn đồ thừa, giữ lại thực phẩm hỏng, dùng thiết bị điện tiết kiệm quá mức – đang tạo nên những nguy cơ âm ỉ, tích tụ theo thời gian.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu việc tiết kiệm vài đồng tiền điện, vài phần cơm nguội, có đáng để đánh đổi bằng mạng sống?

Trong thời đại mà ung thư đang dần trở thành một căn bệnh phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, việc thay đổi nhận thức và hành vi sinh hoạt – dù là những điều nhỏ nhặt – chính là “lá chắn” đầu tiên để bảo vệ sức khỏe. Và như bác sĩ Liao nhấn mạnh: “Không có khoản đầu tư nào sinh lời hơn là đầu tư cho sức khỏe”.

Chia sẻ FacebookChia sẻ

Bài viết

Minh Quân

TIN MỚI