Sức khỏe

Bé sơ sinh ở Hà Nội nặng 870gram được sửa trái tim dị tật

Tùng Nguyễn
Chia sẻ

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện ca phẫu thuật cắt, khâu ống động mạch cho cháu bé 33 ngày tuổi.

Theo thông tin từ Bệnh viện Tim Hà Nội, đơn vị này vừa phẫu thuật cắt, khâu ống động mạch thành công cho bé trai mới 33 ngày tuổi, nặng 870g.

Bé sơ sinh ở Hà Nội nặng 870gram được sửa trái tim dị tật Ảnh 1
Ê kíp các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật cắt, khâu Ống động mạch cho trẻ sinh non.

Trước đó, chị V.T.T. (trú tại Hà Nội) mang thai tới tuần thứ 26 đã có hiện tượng chuyển dạ và buộc phải nhập viện cấp cứu. Bé trai chào đời non tháng với cân nặng 800 g cùng biểu hiện suy hô hấp rất nặng, phải thở máy.

Trong quá trình chăm sóc trẻ sau sinh, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát hiện ống động mạch của bé chưa đóng lại được. Dù các bác sĩ đã dùng thuốc để ống động mạch tự đóng lại, 3 lần thực hiện đều thất bại.

Đội ngũ y tế phải giải thích cho gia đình chị T. và chuyển con sang Bệnh viện Tim Hà Nội để các bác sĩ chuyên khoa tim mạch phẫu thuật.

Bác sĩ Tuấn Anh Khoa Hồi sức tích cực Nhi, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Tim trong tình trạng khó thở, oxy hạ, tím tái. Do vậy, phải cho cháu dùng máy hỗ trợ hô hấp (CPAP). 

Nhận thấy đây là một trường hợp phức tạp và có nhiều nguy cơ do con còn quá nhỏ, hơn nữa cháu lại sinh thiếu tháng với cân nặng thấp, vì vậy dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện, Khoa Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực Nhi và Khoa Ngoại Nhi đã hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật cho con theo phương pháp cắt, khâu Ống động mạch.

Trải qua hơn 1 giờ căng thẳng trong Phòng mổ, ca phẫu thuật cắt, khâu Ống động mạch cho trẻ sơ sinh non tháng đã thành công tốt đẹp, mạch, huyết áp và nhịp tim bệnh nhi ổn định.

Hiện con đang được nằm và tiếp tục điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Tim Hà Nội.

BS Nguyễn Đăng Hùng - Trưởng kíp phẫu thuật, phụ trách Khoa phẫu thuật Tim mạch trẻ em, cho biết bình thường khi trẻ chào đời thì ống động mạch tim tự động đóng lại.

Nếu ống không đóng, các bác sĩ sẽ dùng thuốc, trẻ đáp ứng thuốc sẽ tự đóng ống sau 1-2 tuần. Trường hợp ống vẫn không đóng được, bác sĩ phải phẫu thuật tim mạch để sửa dị tật và đóng ống lại.

Theo BS Hùng, bệnh viện đã mổ nhiều ca tương tự, mỗi ca mổ có độ khó khác nhau. Với em bé này, cơ thể quá nhỏ, các bác sĩ khó tiếp cận mạch máu. Ngoài ra, hệ hô hấp, hệ thần kinh của bé phát triển chưa hoàn thiện, nếu có sai sót trong phẫu thuật dù rất nhỏ cũng gây ra các tai biến.

"Tuy nhiên nếu không phẫu thuật, trẻ sẽ suy tim, nguy cơ tử vong", BS Hùng nói, thêm rằng có nhiều biến chứng trên cơ thể một trẻ sinh non, nên ca phẫu thuật trên những bé như thế này là rất khó khăn.

Đặc biệt, việc hồi sức cho trẻ sau phẫu thuật cũng là bài toán khó. Trẻ đẻ thiếu tháng sau khi mổ có nguy cơ nhiễm trùng cao, cùng với lá phổi chưa hình thành nên dễ dẫn đến viêm phổi mạn tính.

Hiện các vấn đề về ống động mạch chiếm từ 5 -10% các dị tật tim bẩm sinh. Ống động mạch phổ biến ở những trẻ sơ sinh non tháng (xuất hiện khoảng 45% trẻ sinh ra dưới 1.750gram và 70-80% trọng lượng khi sinh dưới 1.200gram).

Khoảng 1/3 số ống động mạch sẽ tự động đóng, ngay cả ở trẻ có cân nặng rất thấp. Khi còn ống động mạch ở trẻ đẻ non với shunt có ý nghĩa có thể dẫn đến suy tim, xuất huyết phổi, suy thận, không dung nạp thức ăn, viêm ruột hoại tử và thậm chí tử vong.

Chia sẻ

Bài viết

Tùng Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất