Hình ảnh đọng lại trong tâm trí nhiều người là các cầu thủ trẻ Kon Tum ôm mặt khóc. Nỗi buồn của kẻ thua cuộc trong trận đấu thăng hạng gần như bao trùm cả bầu không khí ở sân Nha Trang (Khánh Hòa).
Buổi tối cùng ngày, CLB Kon Tum làm tiệc kết thúc mùa giải, mọi thứ kém vui khi trước đó thì phần lớn chờ đợi ăn mừng tấm vé thăng hạng. Nhưng trong bầu không khí ấy có một câu chuyện đầy ý nghĩa để nói về doanh nhân yêu bóng đá và đầy trách nhiệm với cầu thủ trẻ.
Vị chủ tịch CLB Kon Tum - ông Trần Văn Quỳnh bước lên phía trên cùng cầu thủ trẻ Nguyễn Đình Thông. Ông Quỳnh mở lời: "Chú tặng số tiền này để cháu an tâm lo chữa trị chấn thương. Về chi phí, CLB sẽ lo toàn bộ để chữa trị cho cháu thật tốt. CLB sẽ mời bác sĩ giỏi làm phẫu thuật cho cháu. Cháu hãy cố gắng vượt qua khó khăn này nhé".
Đình Thông là cầu thủ được CLB Kon Tum mượn từ Thanh Hóa. Em không may dính chấn thương đứt dây chằng chéo trước và ông Quỳnh hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật, còn kèm theo số tiền 120 triệu (1 năm tiền lương). Với một doanh nhân, số tiền vài trăm triệu không lớn nhưng nó là gia tài mà nhiều người tích góp cả đời. Đình Thông và gia đình em có lẽ cảm nhận được sự may mắn trước tấm chân tình của ông Trần Văn Quỳnh - vị Uỷ viên Ban chấp hành VFF yêu bóng đá và đầy trách nhiệm với sự nghiệp cầu thủ trẻ.
Mới đây, không ít người hâm mộ đã biết thông tin "thần đồng" Cái Văn Quỳ giải nghệ ở tuổi 19. Câu chuyện của Cái Văn Quỳ để lại nỗi đau cho bóng đá Việt Nam. Chúng ta mất đi một tài năng vì chấn thương, trong đó có phần lỗi về chuyện không kịp chữa trị và điều trị đúng cách để phục hồi. Nếu Cái Văn Quỳ được chăm lo tốt thì em đã không phải chia tay bóng đá ở tuổi 19. Cầu thủ Đình Thông đen đủi với chấn thương đứt dây chằng nhưng số phận rõ ràng khác hoàn toàn với Cái Văn Quỳ, bởi em gặp được ông Trần Văn Quỳnh - một người luôn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các cầu thủ trẻ.
Chuyện chăm lo cho các cầu thủ từ thuở tiềm năng, thi đấu các giải trẻ và đầu tư cho một đội chuyên nghiệp có sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, không phải vì sở hữu những cầu thủ ngôi sao hay nuôi một đội chuyên nghiệp mới đáng được nhắc đến, mà chuyện người làm bóng đá có trách nhiệm với tương lai các cầu thủ trẻ đã tự tạo ra ý nghĩa riêng biệt.
Mỗi năm có hàng nghìn em nhỏ được tuyển chọn trên khắp cả nước để đào tạo trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Các em là "tài sản lớn nhất" của các ông bố, bà mẹ, là niềm hy vọng của gia đình để mong tương lai đổi đời nhờ bóng đá. Do đó, những người làm bóng đá cần có trách nhiệm với các em theo đúng nghĩa không làm cầu thủ chuyên nghiệp thì trở thành một công dân tốt, có thể lựa chọn một hướng đi khác cho tương lai.
Tất cả để thấy rằng, bóng đá cần thành tích nhưng đằng sau vinh quang rất cần những người yêu bóng đá và đầy trách nhiệm. Họ là "cầu nối" giúp các cầu thủ trẻ sớm chạm tay vào giấc mơ chuyên nghiệp, qua đó cống hiến cho các đội tuyển quốc gia trong tương lai.