Thể thao

VFF cần phát triển phong trào bóng đá, hay tham vọng World Cup 2026?

Văn Nhân
Chia sẻ

Với dân số 100 triệu, nền bóng đá Việt Nam sẽ phát triển nếu xây dựng được hệ thống bóng đá phong trào mạnh.

Trong hơn 22 năm qua, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam luôn xây theo hình trụ, hoặc hình tháp ngược. Tức phần đỉnh thường lớn hơn phần đáy. Đó là nghịch lý sân chơi chuyên nghiệp nhưng chỉ phản ánh một phần để nói về bóng đá Việt Nam. Vấn đề chính là phong trào bóng đá của các địa phương chưa được xây dựng vững mạnh.

Làm sao để đội tuyển quốc gia mạnh? Nếu nhìn từ cấp độ chuyên nghiệp thì cần hệ thống giải chuyên nghiệp mạnh, đào tạo trẻ tốt, cơ sở vật chất tốt và lực lượng HLV giỏi, kèm theo việc quan tâm đến FIFA Days để ĐTQG thi đấu thường xuyên với các đội bóng mạnh… 

Câu hỏi ngược lại: Làm sao để hệ thống bóng đá chuyên nghiệp phát triển mạnh?

Hãy nhìn sự thay đổi của bóng đá Thái Lan. Thai League 1 (16 đội) và Thai League 2 (18 đội) có tổng cộng 34 đội ở hệ thống chuyên nghiệp. Tuy nhiên, giải hạng Nhì của Thái Lan có đến 72 đội, nhiều hơn gấp đôi so với số đội chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam tính cả bốn cấp độ từ V.League đến hạng Ba thì có 52 đội, tức thua số đội so với giải hạng Ba của Thái Lan.

Chúng ta sẽ thấy Việt Nam có địa phương sở hữu 2-3 CLB chuyên nghiệp, còn có nơi không có đội bóng tham dự giải hạng Ba (ngoài chuyên nghiệp). Điều đó phản ánh phong trào bóng đá của Việt Nam chưa phát triển mạnh và không toàn diện. Nguyên nhân sâu xa phải nói về vai trò của Liên đoàn bóng đá Việt Nam và một số địa phương làm không tốt.

VFF cần phát triển phong trào bóng đá, hay tham vọng World Cup 2026? Ảnh 1
Bóng đá Kon Tum có Uỷ viên ban chấp hành VFF nhưng Liên đoàn bóng đá Kon Tum bị đình chỉ. Ảnh: VFF

Lấy một trường hợp làm ví dụ, đó là Liên đoàn bóng đá tỉnh Kon Tum bị đình chỉ tư cách thành viên khi VFF rà soát để chuẩn bị tổ chức đại hội khóa 9. Kon Tum có sân bóng đẹp nhưng Liên đoàn bóng đá thì… giải thể. Nghịch lý của bóng đá Kon Tum là có ông Trần Văn Quỳnh làm Uỷ viên Ban chấp VFF khóa 9. Ông Quỳnh nổi tiếng trong bóng đá Việt Nam từ khát vọng làm bóng đá trẻ, góp sức tổ chức giải sinh viên Việt Nam với vai trò nhà tài trợ chính trong 5 năm, hỗ trợ bóng đá trẻ HAGL, đặc biệt nuôi đội Kon Tum… Câu chuyện kể trên để thấy bóng đá Kon Tum có lợi thế về doanh nhân yêu bóng đá, còn phong trào bóng đá địa phương bị đi lùi. Lý do Liên đoàn bóng đá bị đình chỉ.

Nhìn sang Lâm Đồng, sân Đà Lạt được xây đẹp và gần nhất từng xuất hiện chuyện muốn mua suất lên giải hạng Nhất 2023 nhưng không thành. Vấn đề không thể lên hạng Nhất thì xuất hiện thông tin Lâm Đồng muốn mượn lứa U21 Hà Nội đá hạng Nhì. Nghe rất nghịch lý khi từng muốn dự hạng Nhất nhưng đá hạng Nhì thì tính chuyện mượn đội U21 địa phương khác. Bao năm nay Lâm Đồng liệu có phát triển bóng đá phong trào và đào tạo được những ai? Nếu có làm đào tạo bóng đá trẻ mà đá hạng Nhì phải hỏi mượn cả lứa U21 của Hà Nội thì làm không tốt, lãng phí tiền bạc.

Nói về bóng đá Hà Nội, ít ai biết rằng may mắn lớn nhất của Hà Nội FC là được cho rất nhiều cầu thủ giỏi từ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội (thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT - Sở VHTT Hà Nội), hay còn gọi là lò Gia Lâm. Những Hùng Dũng, Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy, Huy Hùng, Văn Thuận... đều ra đời từ lò Gia Lâm, sau đó cho Hà Nội FC. Lứa chuyển giao cho Hà Tĩnh, hay lứa “di cư” vào TPHCM lấy tên Sài Gòn FC cũng trưởng thành từ lò Gia Lâm. Đó là minh chứng để thấy địa phương làm bóng đá bài bản, biết sử dụng tiền ngân sách để làm bóng đá trẻ tốt thì giá trị vô cùng lớn cho sân chơi chuyên nghiệp và ĐTQG. 

Tiêu biểu nhất để nói về phong trào bóng đá phát triển có vai trò cực kỳ quan trọng, đó là bóng đá Nghệ An. Cả một hệ thống bóng đá trẻ của SLNA, từ nhiều thế hệ như Hữu Thắng, Văn Quyến, Công Vinh, Quế Ngọc Hải, Phan Văn Đức... ra đời từ tiền ngân sách địa phương. Đặc biệt, Nghệ An không thể nào đếm hết số giải đấu phong trào ở các địa phương. Cầu thủ xứ Nghệ cũng trải đều trên khắp các nước.

Ở sân chơi chuyên nghiệp, rất nhiều cầu thủ giỏi không phải ra đời từ Học viện, Trung tâm bóng đá, các CLB chuyên nghiệp, mà phần lớn đến từ các địa phương. Ví dụ Hồ Tấn Tài ra đời từ Trường Năng khiếu thể thao Bình Định, Tô Văn Vũ đi đá phủi rồi theo đuổi giấc mơ chuyên nghiệp... 

Từ các ví dụ trên, đặc biệt câu chuyện của bóng đá Nghệ An để thấy hệ thống bóng đá chuyên nghiệp cần phong trào bóng đá phát triển thật mạnh, thậm chí từng huyện, xã của các tỉnh đều có đội bóng để phát triển theo diện rộng và chiều sâu một cách toàn diện. Bởi các địa phương phát triển bóng đá thì tăng số đội, tăng số lượng cầu thủ để sàn lọc, cung cấp cho sân chơi chuyên nghiệp, sau đó lên ĐTQG. Ngược lại, phong trào bóng đá yếu thì sân chơi chuyên nghiệp chắc chắn không bền vững. 

Một câu hỏi ngược lại tiếp theo: Làm sao để phong trào bóng đá phát triển?

Vấn đề này thuộc về Liên đoàn bóng đá Việt Nam với vai trò “tổng quản” cả nền bóng đá, trong đó có trách nhiệm phát triển bóng đá ngoài chuyên nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng của bóng đá Việt Nam. Ví dụ VFF cầm hai sân chơi là hạng Nhì và hạng Ba nhưng chỉ có 30 đội, còn sân chơi chuyên nghiệp có 24 đội. Phần đỉnh là giải hạng Nhì có 14 đội, tức bằng số đội với V.League. Không có nền bóng đá nào số đội ngoài chuyên nghiệp giống Việt Nam, ví dụ giải hạng Ba của Thái Lan có đến 72 đội. Nhiều nước trên thế giới thì có đến mấy trăm đội.

Hơn hết, VFF liệu có quan tâm đến các Liên đoàn bóng đá địa phương, liệu có hỗ trợ về tiền bạc và động viên các địa phương để phát triển phong trào bóng đá trong nhiều năm qua? Ví dụ bóng đá Nghệ An làm rất tốt về phong trào lẫn đào tạo trẻ, cung cấp rất nhiều cầu thủ giỏi cho các ĐTQG nhưng thời gian qua xảy ra chuyện nợ tiền cầu thủ. VFF liệu có tìm cách giúp đỡ, hay chẳng quan tâm? Tại sao VFF thu phí đội trẻ của các địa phương tham gia các giải đấu mà không phải hỗ trợ để phát triển?

Nên nhớ, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) luôn rót tiền cho các Liên đoàn bóng đá thuộc thành viên. Điển hình hồi năm 2020, FIFA hỗ trợ cho VFF 1,5 triệu USD. Chúng ta thấy tính logic rất rõ ràng, FIFA sẽ hỗ trợ VFF lúc nền bóng đá gặp khó khăn (dịch COVID) và VFF cần phải có trách nhiệm hỗ trợ các Liên đoàn bóng đá địa phương. 

Chúng ta cần nhìn một bức tranh tổng quát, Việt Nam chỉ có bóng đá nam là hệ thống chuyên nghiệp, còn bóng đá nữ không thuộc chuyên nghiệp. Tức vai trò của VFF càng phải được thể hiện để giúp phong trào bóng đá của các địa phương phát triển thật mạnh mẽ trên khắp cả nước, thay vì sang "cầm" sân chơi chuyên nghiệp (VPF). Lãnh đạo VFF còn phải thường xuyên góp mặt ở sự kiện bóng đá của các địa phương.

VFF cần phát triển phong trào bóng đá, hay tham vọng World Cup 2026? Ảnh 2
Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải cho thấy được vai trò, trách nhiệm để giúp các địa phương phát triển phong trào bóng đá.

Đúng hơn, VFF phải cho thấy được vai trò để phát triển phong trào bóng đá ở các địa phương, củng cố các Liên đoàn bóng đá địa phương vững mạnh và bài bản. Lãnh đạo VFF cần làm việc đi vào chiều sâu, gần gũi và sát với các Liên đoàn địa phương, qua đó nắm rõ tình hình và hỗ trợ để phát triển.

Ngược lại, phong trào bóng đá các địa phương chưa phát triển, chưa lan rộng ra khắp nơi thì lãnh đạo VFF đặt tham vọng lớn cho các ĐTQG, ví dụ đội tuyển Việt Nam có mục tiêu đi World Cup 2026 là không đúng thực tế.

Bóng đá Việt Nam cần tham vọng World Cup, đây là mục đích quan trọng để tất cả cùng phấn đấu và phát triển. Nhưng trước tiên VFF cần sân chơi chuyên nghiệp vững vàng chân đế, phong trào bóng đá phát triển trên diện rộng ở các địa phương. Đó là con đường bền vững chứ không phải “ngắm” World Cup bằng cách dốc hết vốn cả nền bóng đá, kể cả ảnh hưởng cả hệ thống chuyên nghiệp, rồi mục tiêu thất bại thì lãnh đạo VFF và VPF của nhiệm kỳ sau lại thay đổi.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất