Học đường

Vì sao nhiều địa phương không dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1?

Theo VTC News
Chia sẻ

Học sinh chưa thể tới trường do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều địa phương quyết định không dạy trực tuyến với lớp 1 mà sẽ chờ để dạy trực tiếp.

Dù Bộ GD&ĐT cho phép dạy học trực tuyến ngay từ đầu năm học đối với lớp 1, tuy nhiên nhiều địa phương chưa áp dụng hình thức này với lý do cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, khó đảm bảo chất lượng dạy và học. 

Năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT Cần Thơ quyết định không tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1. Dự kiến ngày 20/9, học sinh khối lớp này sẽ đi học trực tiếp tại trường.

Đại diện Sở GD&ĐT Cần Thơ nêu 3 lý do. Thứ nhất, nếu học trực tuyến, yêu cầu cần đạt với học sinh lớp 1, dù chỉ ở mức độ căn bản nhất đọc thông, viết thạo, biết tính toán, sẽ không được như mong đợi, khó đảm bảo chất lượng theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh lớp 1 chưa có kỹ năng cần thiết để học trực tuyến và làm chủ phương tiện công nghệ thông tin. Mặt khác, trẻ nhỏ tiếp cận phương tiện công nghệ thông tin sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý.

Thứ hai, phụ huynh và giáo viên chưa có mối liên hệ, trao đổi, hợp tác cùng dạy học cho trẻ lớp 1 tại nhà. Do đó phụ huynh không có đủ kiến thức, kỹ năng sư phạm để dạy con học. Nhiều gia đình còn khó khăn trong việc mưu sinh mùa dịch (đặc biệt là vùng nông thôn), chưa thể mua sắm thiết bị cho con học trực tuyến.

Thứ ba, điều kiện nền tảng công nghệ thông tin tại hầu hết các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học online. Nhiều giáo viên tiểu học chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng dạy học trực tuyến.

Đại diện Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, nếu sau ngày 15/9, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Sở sẽ đề nghị tiếp tục điều chỉnh thời gian tựu trường phù hợp cho học sinh lớp 1 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Vì sao nhiều địa phương không dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1? Ảnh 1
Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: D.X)

Tương tự, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương quyết định không xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến với lớp 1. Lý do: các em chưa biết chữ nên việc học trực tuyến rất khó khăn và không đảm bảo chất lượng. Nếu dịch bệnh còn diễn biến kéo dài, tỉnh sẽ dạy qua truyền hình nhằm thuận lợi cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.

Với lý do đảm bảo an toàn cho học sinh và chất lượng giáo dục chung ở địa phương, Sở GD&ĐT Kiên Giang quyết định tạm thời không tổ chức dạy trực tuyến. Học sinh tạm thời nghỉ đến ngày 20/9.

Nếu sau ngày 20/9, tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, học sinh vẫn không thể đến lớp, Sở GD&ĐT sẽ cho các trường triển khai dạy học trực tuyến. Sở cũng sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp, hỗ trợ riêng với khoảng 20% học sinh vùng khó khăn, thiếu thiết bị học trực tuyến.

Ngày 29/8, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo, khi nào dịch COVID-19 được kiểm soát an toàn thì học sinh mới đến trường, riêng cấp mầm non, tiểu học không tổ chức dạy trực tuyến. Trong thời gian tạm nghỉ, các trường tiểu học, giáo viên phối hợp với phụ huynh hướng dẫn con em học tập và rèn luyện kỹ năng cơ bản tại nhà.

Trong văn bản hướng dẫn dạy học lớp 1, 2 năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường chủ động liên hệ và phối hợp với phụ huynh tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện dịch tại địa phương.

Các trường lên phương án tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Các trường phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến.

Bộ yêu cầu các trường sắp xếp thời khóa biểu khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học phù hợp, không gây áp lực cho học sinh.

Đặc biệt, các trường cần ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán, giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định.

Chia sẻ

Theo

VTC News

Nguồn bài viết

Tin mới nhất