Học đường

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh

Phương Linh
Chia sẻ

Nghề giáo viên mầm non vẫn hay được nhiều người vui miệng gọi là nghề trông trẻ. Đây vốn là nghề nghiệp cao quý nhưng cũng rất vất vả, đòi hỏi người làm nghề không chỉ giàu lòng nhân ái mà còn phải kiên nhẫn với học trò lẫn phụ huynh.

Những kỷ niệm không thể nào quên suốt những năm tháng làm nghề

Hơn 5 năm gắn bó với công việc giáo viên mầm non, cô giáo Hà Như Quỳnh (giáo viên tại Trường Mầm non Lý Thái Tổ 2, Hà Nội) đến hiện tại vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được gắn bó với nghề dù công việc không mấy nhẹ nhàng. Với cô giáo Như Quỳnh, nụ cười trên môi con trẻ chính là điều mà bản thân chị cảm thấy hạnh phúc hơn bất cứ điều gì. Mỗi ngày ở bên các con, cô giáo trẻ lại được trải qua những cảm xúc đặc biệt khác nhau. 

"Nhìn các con thay đổi, lớn lên từng ngày đó cũng là một loại hạnh phúc. Chứng kiến những đứa trẻ mà mình dạy từ lúc còn rụt rè, nhút nhát, chưa chủ động xúc ăn đến khi con có thể tự giác ăn và vui vẻ líu lo đòi đi học, đó chính là thành tựu", cô giáo Như Quỳnh chia sẻ.

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 1
Cô giáo Như Quỳnh và các bạn nhỏ trong lớp học của mình

Cùng chung suy nghĩ, cô giáo Vũ Thị Phương (hiện đang công tác tại Trường Mầm non Minh Lập, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cũng cảm thấy hạnh phúc nhất chính là được nhìn thấy các con có những thay đổi tích cực theo từng ngày, xứng đáng với công sức của cả cô lẫn trò.

"8 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, năm nay cũng là năm học lần đầu tiên tôi được đứng lớp với vai trò chủ nhiệm, dạy các bé từ 24 đến 36 tháng tuổi. Đầu năm học, khi mới nhận lớp, các con vẫn đang bập bẹ tập nói. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng khi tiếp xúc, trò chuyện, trao tình cảm cho các bé thì bây giờ các bé đã nói được thành câu dài, hỏi lại cô, tương tác cười nói với cô. Thậm chí, có những bé mới ngày đầu chỉ biết ăn cháo nhưng giờ đã biết ăn cơm rất giỏi. Nhìn các con khôn lớn từng ngày, đây là điều hạnh phúc và cũng là động lực để tôi thêm cố gắng mỗi ngày", cô Phương chia sẻ. 

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 2
Với cô Vũ Thị Phương, được chứng kiến các con khôn lớn, đó là niềm hạnh phúc nhất trong những năm tháng gắn bó với nghề

Không chỉ hạnh phúc vì được làm nghề hay chứng kiến sự khôn lớn của con trẻ, những kỷ niệm với các bạn nhỏ qua từng năm học cũng là động lực cực lớn để các giáo viên thêm nhiệt huyết gắn bó với nghề. 

"Bé Tôm – Minh Khang, một học sinh cũ của mình, một cậu bé đáng yêu vô cùng. Bạn biết cảm giác được nhận quà mỗi ngày không? Tôi đã được nhận quà mỗi ngày thật đấy. Hôm thì Tôm mang 1 chiếc chun buộc tóc, hôm thì 1 cái kẹp tóc bé xinh, có hôm là 1 viên kẹo, hay có khi chỉ là 1 cái vỏ ốc đẹp con đi du lịch mang về cho cô. Tôi rất hạnh phúc khi nhận được tình yêu bé bỏng này", cô giáo Hà Như Quỳnh chia sẻ. 

Còn với cô giáo Vũ Thị Phương, kỷ niệm lớn nhất suốt 8 năm làm nghề chính là năm mà cô Phương chuyển về trường mới công tác. Khoảnh khắc chia tay với các bạn nhỏ, những ánh mắt ngây thơ đỏ hoe, bàn tay nhỏ nhắn đưa tay quẹt ngang dòng nước mắt, chân chạy tới ôm chặt cô giáo khiến chị nhớ mãi không quên. 

"Khi đó tôi chủ nhiệm các bé lớp 5 tuổi, đang bắt đầu vào học kỳ 2 của năm học đó. Trước khi về trường mới công tác, tôi cũng chia sẻ thông tin này đến cho các con. Các con thi nhau hỏi tại sao cô không dạy con, con không cho cô đi, không ít bạn nhỏ bật khóc vì sắp phải xa cô… 

Lúc nghe những lời nói này, tôi thực sự xúc động, bởi lẽ chúng ta thường nghĩ trẻ con chúng không biết gì, nhưng giây phút ấy tôi cảm nhận được sự bịn rịn và không muốn xa cô của các bạn nhỏ. Có lẽ vì đã thân thuộc, cô trò đã có khoảng thời gian găn bó với nhau nên cảm xúc của các con là thật và vô cùng đáng quý", cô Phương chia sẻ.

 Giáo viên chúng tôi phải đối mặt với vô vàn những áp lực

Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng có những áp lực và vất vả riêng, thế nhưng, nghề giáo viên mầm non được xem là nghề khá nặng nhọc và nhiều áp lực. Không chỉ áp lực về việc chăm sóc các bạn nhỏ hằng ngày, mà các cô còn gặp áp lực từ phía phụ huynh, mức lương nhận được và cả chuyện làm thế nào để cân bằng với cuộc sống gia đình... Chính vì vậy, nếu không đủ sự kiên trì, yêu nghề, mến trẻ... thì việc không bám trụ được với nghề cũng là điều dễ hiểu. 

Chia sẻ về những áp lực trong quá trình dạy học, cô giáo Hà Như Quỳnh cho biết, điều khó khăn nhất cũng là điều quan trọng nhất của công việc này đó là “đảm bảo an toàn cho trẻ”. Các con có thể học chưa giỏi, có thể chơi ít hơn một chút nhưng các con nhất định phải được an toàn cả về tâm hồn và thể xác.

"Thật sự một ngày đi làm, chỉ đến khi trả hết trẻ “vui vẻ, lành lặn” về cho phụ huynh, buổi tối không có “tin xấu” nào, thì mới là một ngày làm việc kết thúc trọn vẹn", nữ giáo viên bày tỏ. 

"Lúc bắt đầu nhận lớp và làm việc, thật ra việc khiến tôi bỡ ngỡ không phải là việc chăm sóc dạy dỗ các con, mà là việc giao tiếp trao đổi với phụ huynh. Cũng may là trong những năm đầu bước chân vào nghề, tôi đã được các chị đồng nghiệp tận tình dẫn dắt. Sau 5 năm gắn bó với nghề nói không vất vả, không có lúc nào cảm thấy chán, thấy mệt mỏi thì là nói dối. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi có thể tự hào mà nói rằng mình chưa từng muốn từ bỏ công việc này", cô giáo Quỳnh tâm sự thêm. 

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 3
Điều khó khăn nhất cũng là điều quan trọng nhất của các giáo viên đó là “đảm bảo an toàn cho trẻ”,  cả về tâm hồn và thể xác.

Còn với cô giáo Vũ Thị Phương, điều khó khăn nhất khi gắn bó với công việc này, đó là giáo viên phải hiểu và nắm được hết tính cách, sở thích của từng bé. Vì ở độ tuổi này, các bé mới bắt đầu tập thích nghi với môi trường nhà trường, xã hội, xa vòng tay ba mẹ nên phải tự học, tiếp nhận những điều mới lạ. Dù thích hay không thích, đúng ý bé hay không thì các cô vẫn phải dạy, dỗ và hướng các bé đến những điều đúng và tốt nhất. 

"Có lẽ đây là nghề tôi chọn bởi vì tôi yêu thích và thật sự muốn gần gũi với trẻ nhỏ nên chưa bao giờ tôi thấy kiệt sức cả, mọi thứ rất vừa vặn. Hơn nữa, ngoài cương vị là 1 giáo viên mầm non, ở nhà tôi cũng là mẹ của hai bé nhỏ nên tôi thấu hiểu được cảm giác chập chững đầu đời của các con. Tôi đặt các bé vào vị trí như con của mình ở nhà vậy nên luôn muốn các con học được vui vẻ, mạnh khỏe, ngoan ngoãn", cô giáo Phương tâm sự. 

Cô giáo Đinh Hương Giang (công tác tại Trường Mầm non Lý Thái Tổ 2, Hà Nội) cũng nhận định, nghề giáo viên mầm non lại chưa bao giờ là nghề nhàn nhã, các giáo viên luôn phải đối mặt với vô vàn những áp lực. Áp lực trong quá trình trông trẻ, trẻ có thể bị ngã, trẻ tranh dành đồ chơi, trẻ gào khóc, trẻ ương bướng… 

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 4
Theo cô giáo Đinh Hương Giang, các giáo viên mầm non phải đối mặt với vô vàn những áp lực

Thế nhưng, với riêng cô giáo Hương Giang, đây cũng là nghề hạnh phúc. Hạnh phúc là được đi giải quyết mẫu thuẫn của các con, hóa thân thành người diễn viên diễn nhiều vai mà vai nào cũng hoàn hảo tuyệt đối: vừa là bạn, là mẹ, vừa là cô, có những lúc lại là nghệ sĩ, bác sĩ...  Hạnh phúc là được lắng nghe một câu nói đơn giản của các con mà vui cả ngày: "Con thích đi học lắm! Con yêu cô nhất trên đời , hay đơn giản là được các bạn khen hôm nay cô xinh thế ".

Là một người mẹ, chúng tôi phần nào thấu hiểu được tâm lý của các phụ huynh

Việc gửi con nhỏ đi học mầm non là vấn đề khiến rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Ngoài việc băn khoăn không biết con có thích nghi được với môi trường mới không, bố mẹ cũng không khỏi lo sợ con biếng ăn, con bị bạo hành, con không được các giáo viên sát sao, chăm sóc tận tâm... 

Trên thực tế, bố mẹ cũng thừa hiểu được rằng, một lớp học có rất đông học trò mà chỉ có 1 - 2 giáo viên vừa dạy học vừa chăm sóc nên không thể trông đợi hết vào các giáo viên. Thế nhưng, với tâm lý của người làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái được các giáo viên quan tâm nhiều hơn một chút. Chính vì lẽ này, không ít phụ huynh đã vô tình đòi hỏi, thậm chí tạo áp lực cho các giáo viên.

Thấu hiểu được thực tế này, các giáo viên không chỉ nỗ lực trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ mà còn cố gắng khiến các phụ huynh tin tưởng gửi gắm con trẻ. 

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 5
Ngoài lòng yêu trẻ, các giáo viên mầm non cũng phải học thêm cách kiên nhẫn và kìm chế, thấu hiểu với sự lo lắng của phụ huynh

Chia sẻ về áp lực khi gặp những phụ huynh khó tính trong quá trình làm nghề, cô giáo Đinh Hương Giang nói: "Nếu như trước đây, làm cô giáo mầm non chỉ gặp áp lực từ việc phải chăm một lúc quá nhiều bé dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, thì bây giờ, áp lực lớn nhất lại được tạo ra từ phía phụ huynh và dư luận mạng xã hội. Khi có chuyện gì xảy ra với con, có những phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân hay chưa nghe rõ sự việc đã quy hết trách nhiệm cho các cô, nghĩ sai, nghĩ xấu.

Tuy nhiên, khi dấn thân vào nghề này, tôi đã xác định, ngoài lòng yêu trẻ và nhẹ nhàng, mềm mỏng ra thì bản thân phải học cách kiên nhẫn và kiềm chế. Và cũng chính những khắt khe ngày một tăng từ phía phụ huynh mà tôi cảm thấy rằng mỗi ngày, mình sẽ phải hoàn thiện hơn để luôn đáp ứng được những yêu cầu mà phụ huynh mong muốn".

Vừa là một giáo viên mầm non, vừa là mẹ của em bé 2 tuổi, cô giáo Hà Như Quỳnh cũng phần nào thấu hiểu được tâm lý của bố mẹ khi gửi con cái đi nhà trẻ. 

Nữ giáo viên tâm sự: "Thật ra thì khi đã làm cha, làm mẹ ai cũng lo lắng và muốn những điều tốt nhất cho con mình cả thôi. Theo quan điểm của tôi, phụ huynh “khó khăn” hay “đòi hỏi” này kia chỉ là do ban đầu chưa tin tưởng các cô giáo, giữa cô giáo và phụ huynh chưa tìm được nút thắt để trao đổi, cởi mở hơn với nhau thôi. Còn một khi đã tin tưởng và hiểu thì mọi chuyện đều sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 6
"Cứ làm việc bằng cái tâm, yêu trẻ yêu nghề rồi phụ huynh sẽ nhìn thấy, sẽ hiểu thôi"

Giống như một phụ huynh của lớp tôi giảng dạy, lúc đầu khi bé mới đi học, con chưa quen lớp nên khóc rất nhiều. Phụ huynh cũng rất kỹ, để ý từ những cái nhỏ nhất. Dặn dò, nhắn nhủ rất rất nhiều vấn đề, nhưng sau 2 tháng thì cả con lẫn bố mẹ yêu các cô quá trời.

Như tôi đã nói ở trên, chỉ cần mình cứ làm việc bằng cái tâm, yêu trẻ yêu nghề rồi phụ huynh sẽ nhìn thấy, sẽ hiểu thôi. Làm gì có phụ huynh nào giận được cô giáo khi bé ngày nào đi học về cũng líu lo kể chuyện ở lớp và nói con yêu cô?".

Những lời gửi gắm của giáo viên mầm non nhân dịp 20/11

Như thông lệ, cứ đến tháng 11 hằng năm, học sinh, giáo viên, các đơn vị giáo dục khắp cả nước lại nô nức chuẩn bị chào đón Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây không chỉ là dịp để các cô cậu học trò gửi lời tri ân đến thầy cô giáo, mà cũng là thời khắc để những người đang gánh trên vai trách nhiệm "trồng người" tự hào về nghề nghiệp của mình, qua đó, phấn đấu nhiều hơn nữa ở những bước đường trong tương lai. 

Là những nhà giáo đứng trong đội ngũ cao quý này, các giáo viên mầm non cũng không giấu được niềm xúc động, tự hào trong dịp đặc biệt này. Không chỉ gửi gắm những lời chúc ý nghĩa đến đồng nghiệp, mỗi giáo viên cũng muốn nhắn nhủ đến chính mình những điều tốt đẹp nhất, mong rằng bản thân sẽ đạt được những hoài bão và mục tiêu đã đặt ra.

Cô giáo Hà Như Quỳnh chia sẻ: "Chúc những “ Người yêu trẻ” nói riêng và thầy cô giáo nói chung thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và cháy mãi tình yêu với nghề! Chúc cho các thầy cô sẽ luôn đủ "Tâm - Trí - Lực" để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người cao cả và vĩ đại này"

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 7
"Chúc cho các thầy cô sẽ luôn đủ "Tâm - Trí - Lực" để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người cao cả và vĩ đại này"

Cô Đinh Hương Giang tâm sự: "Bản thân tôi đến với nghề chắc vì chữ "Duyên" và nếu đã là duyên thì tôi sẽ cố gắng dành mọi điều tốt đẹp cho công việc đã chọn này. Vất vả, áp lực là thế ,nhưng được nhìn thấy các con hồn nhiên , vô tư  mỗi ngày cũng khiến tôi có đủ động lực để bám nghề. Giáo viên mầm non chúng tôi tuy hơi nghèo về vật chất nhưng chắc chắn là nghề giàu nhất về tình cảm.

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 8
"Mong rằng chúng ta vẫn giữ được nhiệt huyết với nghề và có thật nhiều năng lượng để gieo những mầm xanh"

Nhân ngày 20/11, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những người bạn đã luôn đồng hành cùng tôi trong suốt sự nghiệp làm nghề dạy học. Mong rằng chúng ta vẫn giữ được nhiệt huyết với nghề và có thật nhiều năng lượng để gieo những mầm xanh. Chúc tất cả các đồng nghiệp luôn xinh đẹp, vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống. Chúc các con học sinh thật nhiều sức khoẻ, chăm ngoan, học giỏi và nhớ mãi những kỉ niệm đẹp bên nhau nhé".

Còn với riêng cô giáo Vũ Thị Phương, chị mong rằng, trong tương lai sẽ có những chính sách đãi ngộ tốt cho giáo viên nói chung, đặc biệt là giáo viên mầm non nói riêng để tiếp thêm động lực cho thầy cô cống hiến hết mình với nghề. 

Tâm sự của GVMN dịp 20/11: Là một người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được tâm lý phụ huynh Ảnh 9
"Cảm ơn các bậc phụ huynh đã tin tưởng và phối hợp với cô trong việc dạy dỗ con em mình. Chúc quý phụ huynh, các em học sinh nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Các em luôn ngoan ngoãn, học giỏi"

"Nhân dịp 20/11, tôi xin gửi lời chúc đến toàn thể các thầy cô giáo, đặc biệt là đồng nghiệp của tôi sẽ luôn là những người lái đó vững chãi để đưa từng chuyến đò sang sông, cập bến bờ thành công. Chúc các thầy cô luôn giữ được niềm vui với nghề, luôn được các em học sinh yêu quý. Nhân đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các bậc phụ huynh đã tin tưởng và phối hợp với cô trong việc dạy dỗ con em mình. Chúc quý phụ huynh, các em học sinh nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Các em luôn ngoan ngoãn, học giỏi", cô Vũ Thị Phương chia sẻ. 

 

 

Chia sẻ

Bài viết

Phương Linh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất