Sắc màu Cuộc Sống

Những đứa trẻ tại xóm phao Hà Nội và mùa học online: 'Con không thích gì cả, chỉ muốn đến trường học'

Long Quyền
Chia sẻ

Không có điện lưới, không có đủ thiết bị học tập online, những đứa trẻ tại xóm phao, bãi giữa sông Hồng chỉ mong muốn được đến trường học bình thường như trước đây.

“Ở đây họ cơm ăn còn chưa đủ no, sao mà sắm đủ thiết bị học online”

Những ngày này, ngành giáo dục Thủ đô đang trong thời gian học trực tuyến để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Mặc dù đã bắt đầu học từ lâu nhưng một số gia đình, đứa trẻ tại xóm Phao vẫn hàng ngày phải chật vật do thiếu thốn thiết bị học trực tuyến. Việc học online vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Xóm Phao nghèo ở ven bãi giữa sông Hồng, Hà Nội.

Cả cái xóm Phao ấy có 35 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu, đều nằm cạnh bãi bồi và trên những ngôi nhà nổi ven sông Hồng, (thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên). Hàng ngày, họ làm đủ mọi việc để mưu sinh như nhặt ve chai, rửa bát thuê, bốc vác, xích lô, có những người không tìm được việc, ai thuê gì thì làm nấy.

Mỗi người một nơi, họ đến đây mưu sinh, không có đất, không có vườn, thậm chí phần lớn không có giấy tờ tuỳ thân. Thiếu thốn kinh tế, họ dựng những chiếc nhà bè, nhà phao, ở lênh đênh trên mặt nước để đỡ tiền thuê đất ở trên bãi.

Không có đất, họ dựng nhà trên mặt nước ven bãi giữa sông Hồng để không phải thuê đất.
Xóm không có điện lưới, phải sử dụng năng lượng mặt trời.

Dân ngụ cư, họ không có điện lưới, thiếu thốn nước sạch. Kinh tế khó khăn, người dân nơi đây không dám mơ có chiếc máy tính, Ipad hay điện thoại “xịn” để cho con học trực tuyến. Một chiếc điện thoại thông minh “đời cổ” đã là một sự xa xỉ giúp các bé học sinh nơi đây bắt kịp với các bạn cùng trang lứa ở trên bờ.

Chúng tôi đến xóm Phao vào một chiều thu tháng 10, thời điểm này các em nhỏ tại đây cũng đang tiến hành học online theo chương trình giáo dục của Hà Nội.

Các gia đình trong xóm có kinh tế khó khăn.
Những căn nhà tạm bợ này chỉ giúp họ giải quyết vấn đề về chỗ ở tạm thời.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Được, Trưởng xóm Phao cho biết, cả xóm có khoảng 35 hộ gia đình, trong số đó có 28 cháu được đi học. Do dịch bệnh nên các cháu phải học online trong khi điều kiện kinh tế khó khăn.

“Học online rất khó khăn, ở đây họ cơm ăn còn chưa đủ no, sao mà sắm đủ thiết bị học online đầy đủ cho các con được. Mấy tháng nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bà con cũng không đi đâu làm gì được nên càng khó khăn hơn. Như ở nơi khác, người ta còn có tiền để dành những khi cần thiết nhưng khu này thì không có điều đó”, ông Được chia sẻ.

Theo ông Được, các cháu học online, những gia đình nào cố gắng thì sắm được một chiếc điện thoại thông minh và cả gia đình phải cân nhắc giờ giấc để vừa sử dụng vừa cho con học.

Các em nhỏ nơi đây cũng khó khăn trong việc học online do thiếu thốn.
Tùng Linh rất chăm học và luôn mong mỏi sớm được đến trường.

“Nhà ai không có thì đi mượn người này người kia, tìm mọi cách xoay sở cho các con học. Giờ cũng đành phải như vật chứ không còn cách nào khác cả, mượn cho các cháu học để đảm bảo sau này các cháu theo kịp chương trình của trường học”, ông Được nói.

Cả xóm không có điện lưới, các hộ gia đình dùng tấm pin năng lượng mặt trời rồi tranh thủ tích điện vào bình ắc quy ở dưới nhà để ban đêm dùng.

Ông Được, Trưởng xóm Phao chia sẻ về việc học online của các cháu.
Việc học phụ thuộc vào những chiếc bình ắc quy tích điện rất lớn.

“Hôm nào mà thời tiết nắng ráo thì tối có điện để sinh hoạt, học tập, dù đèn chỉ sáng lờ mờ nhưng cũng đỡ. Còn hôm nào thời tiết mưa âm u thì phương pháp năng lượng mặt trời cũng hạn chế. Giờ dịch bệnh nên muốn mang các cháu đi gửi để các cháu học cũng khó, người ta rất khó nhận”, ông Được chia sẻ thêm.

‘Con không muốn gì, con chỉ muốn đến trường học’

Tại xóm Phao vào ban ngày đều vắng lặng, hầu hết người lớn trong xóm đều đi mưu sinh, kiếm sống. Thấy khách đến, Tùng Linh đang ngồi học online trong nhà bèn leo lẻo miệng chào rồi mời chúng tôi vào nhà:

“Các chú cứ bước xuống đi, cái cầu vậy chứ không gẫy được đâu, say rượu thì mới dễ bị rơi xuống sông”, Tùng Linh nhắc nhở chúng tôi trước khi bước chân xuống tấm ván bắc ngang sông, từ bờ cát vào nhà bè.

Chiếc "cầu" vào nhà cậu bé Tùng Linh như sắp gãy, căn nhà bè cũng rất sập xệ.

Cậu bé Tùng Linh được đánh giá là thông minh, lanh lợi nhất nhì cái xóm ngụ cư trên sông này. Hôm ấy, cậu ở nhà học một mình bên chiếc điện thoại. Dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu tỏ ra vô cùng lanh lợi, nhanh nhẹn.

“Bé đang học online à?”

“Con học mà điện thoại đơ rồi, mất mạng nên cô giáo cũng đứng hình luôn”, cậu bé đáp rồi lại lẩm bẩm mấy phép nhân chia vừa học được.

Cậu bé ấy tên đầy đủ là Bùi Tùng Linh, năm nay học lớp 4, kể từ khi bắt đầu chương trình học, Tùng Linh cũng như các bạn đều học online ở nhà.

Tùng Linh và anh trai đều rất thông minh, lanh lợi. Gia đình chỉ có một chiếc điện thoại của bố nên hai anh em phải chia nhau học, xoay sở từng ngày.

Thế nhưng học online ở cái xóm Phao này khác hẳn so với các bạn ở… trên bờ: “Con học thế này mạng kém, trời mưa thì lại không có điện để sạc điện thoại. Phải trời nắng mới có pin năng lượng, mới có điện.

Ở nhà thì buồn, đến trường học dễ hiểu hơn và học cùng các bạn sẽ vui. Con học chỉ dùng điện thoại của bố nhưng con muốn được các cô dạy trực tiếp hơn vì nhiều hôm không có điện”, cậu bé leo lẻo nói.

Tùng Linh nói, ở nhà bố mẹ cũng không có thời gian để kèm cặp, hỗ trợ việc học. Nhà có hai anh em nhưng chỉ có một chiếc điện thoại, mỗi khi anh học thì em dừng và ngược lại.

Các em học sinh ở những gia đình khác cũng đều thiếu thốn thiết bị học và điện. Kinh tế khó khăn nên các gia đình đành xoay sở từng ngày bằng cách đi mượn hoặc chia ca. Hôm nào trùng thì đành chịu.

“Bố mẹ con cũng không kèm cặp con học, hàng ngày mẹ con đi làm từ 8h sáng đến 8h tối. Con không muốn gì, con chỉ muốn đến trường học thôi”, Bùi Tùng Linh nói.

Theo anh Nguyễn Ngọc Bảo, sinh năm 1989, ở xóm Phao, cho biết các cháu học online từ bắt đầu vào năm học. Học ở nhà nhiều khi các cháu không tập trung được nhiều, học trên lớp thì sẽ ổn hơn nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên đành phải chịu.

Gia đình anh Bảo có 1 cháu, năm nay vừa lên lớp 3: “Ở xóm dưới này tất cả mọi người đều dùng điện năng lượng hết. Nhiều khi nó cũng chập chờn, các cháu học nhiều khi không được ổn. Điện thoại kém chất lượng nên mạng cũng kém, cả nhà chỉ có một chiếc điện thoại nên đôi lúc có người gọi thì lại phải tạm dừng.

Anh Nguyễn Ngọc Bảo là một người dân xóm Phao và cũng có con đang theo học lớp 3, học online.
Gia đình anh cũng cố gắng sắm được một chiếc điện thoại thông minh nhưng đời rất cũ, chất lượng kém. Việc học tập của con và cả gia đình phải phân chia phù hợp, tiết kiệm pin.

Một số gia đình chỉ có một chiếc điện thoại nhưng 2 cháu học cùng một giờ là không học được, phải một cháu xin tạm dừng buổi học. Hàng ngày tôi dùng điện thoại cũng phải tiết kiệm pin để dành tối cháu học.

Do dùng bình ắc quy để sạc điện thoại và các thiết bị khác nên cũng không được thoải mái như có điện lưới. Lúc nào rảnh là tranh thủ sạc điện thoại. Hàng xóm có nhà 3-4 cháu liền nên cũng thiếu thốn lắm”, anh Bảo cho biết.

Những hôm học buổi tối, cả gia đình phụ thuộc vào chiếc bình ắc quy tích điện từ ban ngày. Hôm nào hết điện thì cả nhà đi ngủ, các cháu cũng vậy, không có điện học.

“Nhiều khi đang học nhưng hết pin, các cô biết nhà có hoàn cảnh khó khăn nên cũng tạo điều kiện cho”, anh Bảo tâm sự.

Hàng ngày, các gia đình tại xóm Phao vẫn phải chật vật với việc học online của các con. Cả gia đình chia nhau sử dụng một chiếc điện thoại thông minh đời cũ, tiết kiệm điện bình ắc quy để tối cho các con học. Gia đình nào không có điện thoại thông minh hoặc các con trùng lịch học thì đành cuống cuồng xoay sở đi mượn từng buổi. Hôm nào không mượn được thì cũng đành chịu.

Chia sẻ

Bài viết

Long Quyền

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất