Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đằng sau bức ảnh Tổng Bí thư gói bánh chưng tại nhà riêng lần đầu công bố

Bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng tại nhà riêng vào dịp Tết 2019 lần đầu được công bố đã nói lên nhiều điều về một "con người văn hóa", "giữ lấy nếp nhà".


Gói bánh chưng "giữ lấy nếp nhà" 

Ngày 27 Tết Nguyên đán năm 2019, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng vợ và hai cháu nội gói bánh chưng tại nhà riêng. 

Đây là một trong những bức ảnh lần đầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho phép công bố, xuất hiện trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra mắt ngày 21/6 do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. 

Giữa bức ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mái tóc bạc phơ, trong bộ quần áo bình dị, tay gói bánh chưng. Bên cạnh ông là người vợ tào khang - bà Ngô Thị Mận, cùng hai cháu nội (một trai, một gái). 

Góc nhà của người đứng đầu Đảng và Nhà nước hiện lên đơn sơ, giản dị, đúng với con người và tính cách của ông, từ mảng tường bong tróc, ố vàng, bộ lịch treo tường đến nồi cơm điện cũ, chậu nhựa, rổ rá, mẹt… bằng mây tre đã nói lên rất nhiều điều.  

"Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư cũng quây quần gói bánh chưng", bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, nói. 

Đằng sau bức ảnh Tổng Bí thư gói bánh chưng tại nhà riêng lần đầu công bố Ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng tại nhà riêng, Tết Nguyên đán 2019 (Ảnh: Văn phòng Tổng Bí thư). 

Bà Thinh kể, những lần về quê Đông Anh, Tổng Bí thư đều về quê như bao người con đi xa trở về, không có xe dẫn đường, không có phóng viên chụp ảnh. Những bức ảnh trong đời sống hằng ngày của Tổng Bí thư do dân làng Lại Đà, họ hàng hoặc thư ký, cận vệ "tác nghiệp". 

Trong quá trình tìm kiếm hình ảnh để đưa vào cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để có những bức ảnh thể hiện tình cảm của Tổng Bí thư với bà con lối xóm nơi quê nhà, bà Thinh đã về làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) để thu thập dữ liệu.  

Những bức ảnh hoen ố, nhuốm màu thời gian, được phóng to và treo ở nhà văn hóa thôn Lại Đà là những bức ảnh ít ỏi, nhưng thật quý giá biết nhường nào. Bà Thinh cẩn trọng chụp từng bức, đem về chỉnh sửa cho sắc nét hơn rồi đưa vào sách.  

Bức ảnh "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng tại nhà riêng" trên thực tế không được chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp, cũng không do một cơ quan báo chí nào tác nghiệp, mà chính người cận vệ thân cận của Tổng Bí thư đã lưu giữ khoảnh khắc dung dị này bằng điện thoại. 

"Bức ảnh này nói lên rất nhiều điều về con người văn hóa của Tổng Bí thư, với quan điểm "giữ lấy nếp nhà, giữ lấy "chân quê"". Nhìn cảnh gói bánh chưng của gia đình Tổng Bí thư giống như hàng triệu gia đình Việt vào mỗi dịp Tết", bà Thinh nói.  

Tổng Bí thư nói giữ "nếp nhà" là giáo dục gia đình, vợ con, họ hàng phải giữ được nét truyền thống, văn hóa của dân tộc. 

Trước đây, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn…". 

Đằng sau bức ảnh Tổng Bí thư gói bánh chưng tại nhà riêng lần đầu công bố Ảnh 2
Hình ảnh các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ ra mắt cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", ngày 21/6/2024 (Ảnh: Nam Nguyễn/Báo Tổ quốc). 

Món quà đặc biệt của Tổng Bí thư 

20 năm trước, bà Phạm Thị Thinh khi đó chỉ là một biên tập viên trẻ, vinh dự được giao nhiệm vụ biên tập bản thảo sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với bà, biên tập sách của Tổng Bí thư "không phải là áp lực", mà là vinh dự và trách nhiệm. 

Đến nay, bà đã biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư và nhiều cuốn sách viết về Tổng Bí thư. Theo bà, mỗi cuốn sách có đặc thù riêng, yêu cầu riêng, sứ mệnh riêng, nhưng đều để lại những kỷ niệm sâu đậm. 

Xây dựng chỉnh đốn Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, xuất bản năm 2005, là cuốn sách đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do bà Thinh biên tập. Đây là công trình nghiên cứu bài bản của Tổng Bí thư khi ông còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. 

Thời điểm đó, bà Thinh là một biên tập viên trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm về sự nhạy cảm chính trị trong nghề. 

Đằng sau bức ảnh Tổng Bí thư gói bánh chưng tại nhà riêng lần đầu công bố Ảnh 3
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bà Phạm Thị Thinh trong một buổi trao đổi về bản thảo (Ảnh: Nhân vật cung cấp). 

Trong lần gặp gỡ thứ hai để trao đổi về bản thảo cuốn sách, nhận ra sự lo lắng trên khuôn mặt nữ biên tập viên, Tổng Bí thư đã gác công việc sang một bên, hỏi thăm về gia đình và hoàn cảnh cá nhân. 

Bà Thinh kể mới lập gia đình, đang mang bầu, chồng lại công tác xa. Cuộc sống thuê nhà ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn, bà còn phải nuôi em ăn học. Cuộc trao đổi "không có khoảng cách", dù bà chỉ là một biên tập viên trẻ và ông Nguyễn Phú Trọng là một lãnh đạo cấp cao. 

Sau khi cuốn sách được xuất bản, Tổng Bí thư mời bà Thinh đến gặp để gửi bà một phần nhuận bút, nói rằng "đây là quà nhân dịp Ngày giải phóng Thủ đô". Bà Thinh từ chối không dám nhận phần quà đó.  

Tuy nhiên, Tổng Bí thư đã thuyết phục bà nhận với lý do cuốn sách vừa xuất bản là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học. Ông đã có nhuận bút riêng, bà là biên tập viên đã giúp ông chỉnh sửa cẩn thận để in thành sách rất khoa học. 

"Sau này nghĩ lại, tôi mới hiểu, rằng món quà đó không phải nhân một dịp nào cả. Đó là sự quan tâm chăm lo cho cấp dưới của Tổng Bí thư khi biết hoàn cảnh khó khăn của tôi", người phụ nữ nhớ lại.  

Năm 2010, với cương vị cao hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến chúc Tết Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Khi đi xuống hội trường, ông bắt tay từng người, nhận ra "cô Thinh" liền hỏi thăm tình hình gia đình và công việc.  

Chính lời hỏi thăm và sự quan tâm đặc biệt đó đã giúp nữ biên tập viên có thêm động lực trong nghề. 

"Tổng Bí thư là con người văn hóa" 

Trong hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do bà Thinh biên tập, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là tác phẩm mà bà và nhóm biên tập viên dày công thực hiện nhất. 

Cuốn sách do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện trong hơn một năm, kể từ tháng 3/2023. 

Để thực hiện cuốn sách này, nhóm biên tập đã rà soát tất cả bài viết, bài phát biểu, bài nói, trả lời phỏng vấn báo chí, bài lược ghi, thư, lời kêu gọi… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa và hình ảnh của Tổng Bí thư gắn với các hoạt động văn hóa đăng trên báo, tạp chí, các sách đã xuất bản, lưu trữ ở nhiều cơ quan. 

"Với khối lượng tư liệu đồ sộ và hình ảnh phong phú, chúng tôi phải chọn những bài viết vừa thể hiện rõ nét những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa, vừa bao quát được hết những vấn đề, những lĩnh vực cụ thể mà Tổng Bí thư đã dành tâm huyết chỉ đạo, căn dặn đối với từng ngành, từng lĩnh vực", bà Thinh cho hay. 

Việc lựa chọn tư liệu, sắp xếp các bài viết, đặt tiêu đề cũng được tính toán để cuốn sách vừa bảo đảm được tính logic về hình thức, cấu trúc, tính khoa học, tính chính trị, có độ chính xác cao, vừa đúng tính chất là một cuốn sách văn hóa từ nội dung đến hình thức. 

Bà cũng cho biết thêm, trong hệ thống sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều nhất là những tác phẩm, bài viết, bài phát biểu về vấn đề xây dựng Đảng, sau đó là các bài viết, bài phát biểu về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. 

Đằng sau bức ảnh Tổng Bí thư gói bánh chưng tại nhà riêng lần đầu công bố Ảnh 4
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam" mới xuất bản của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tháng 5/2024 (Ảnh: Văn phòng Tổng Bí thư). 

Qua khảo sát tất cả hình ảnh và bài viết của Tổng Bí thư, bà Thinh nhận ra trong các chuyến đi thăm, làm việc với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, các hộ nghèo. 

"Dù điều trị trong bệnh viện, Tổng Bí thư vẫn dành thời gian đọc sách báo. Nếu thấy sách báo còn có vấn đề gì chưa đúng, ông thường nói thư ký gọi điện góp ý cho nhà xuất bản hay cơ quan báo. Mỗi khi nhận những lời góp ý đó, chúng tôi lại thêm kinh nghiệm và tự nhủ, lần sau mình phải chú ý hơn", bà Thinh nói. 

Trong quá trình thực hiện các cuốn sách, Tổng Bí thư căn dặn Nhà xuất bản rằng, "mọi thông tin trong sách phải chính xác, vì sách đã in ra rồi mà còn có sai sót thì khó sửa được lắm", bà Thinh nhớ lại. 

Mỗi khi biên tập sách, biên tập viên phải nắm được nội dung cốt lõi, phải đọc bản thảo nhiều lần, cẩn trọng trong từng câu chữ, chỉn chu trong công việc, phải có nhạy cảm chính trị trong việc làm sách và viết báo. 

Tổng Bí thư nói, "mỗi biên tập viên không cần đọc quá nhiều sách, cứ biên tập cuốn nào nhớ nội dung cuốn đó, chính là cách thu nạp thêm kiến thức". 

20 năm biên tập sách của Tổng Bí thư, bà Thinh may mắn được gặp Tổng Bí thư nhiều lần, thường xuyên đón nhận những lời căn dặn của ông qua các đồng chí thư ký, trợ lý. Đó là những lời "gan ruột" mà Tổng Bí thư đã đúc kết từ mấy chục năm kinh nghiệm làm biên tập viên tại Tạp chí Cộng sản. 

Qua mỗi cuốn sách, bà Thinh thường rút ra nhiều bài học sâu sắc, cố gắng học hỏi, nhớ từng lời căn dặn của Tổng Bí thư để những cuốn sách sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn. 

"Kể từ cuốn sách đầu tiên, tôi liên tục học được nhiều điều từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ đó, tôi chú ý rèn nghề và dần trưởng thành, nỗ lực truyền tải những điều bản thân học được từ Tổng Bí thư đến các thế hệ biên tập viên sau này", bà nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất
Mỹ Tâm xin lỗi