Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Con trai bà Nguyễn Phương Hằng có quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh không?

Luật sư cho rằng nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội của Vy Oanh, con trai bà Phương Hằng có quyền độc lập tố giác nữ ca sĩ này. Việc tố giác là đúng quy định pháp luật.

Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM (PC02) mới đây đã triệu tập ca sỹ Vy Oanh để làm rõ đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn là con trai bà Phương Hằng. 

Trong đơn, ông Tuấn cho rằng, Vy Oanh có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mẹ mình.

Nhận được giấy triệu tập của PC02, Vy Oanh gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng. Đến thời hạn ghi trong giấy triệu tập, cô không đến làm việc với PC02, do đang khiếu nại.

Con trai bà Nguyễn Phương Hằng có quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh không? Ảnh 1
Ca sĩ Vy Oanh và bà Nguyễn Phương Hằng

Nữ ca sĩ cho hay,  ông Tuấn không có quyền tố giác cô có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của bà Hằng, bởi "danh dự, uy tín" là những yếu tố thuộc về nhân thân của cá nhân bà Hằng. Nếu bà này cho rằng bị Vy Oanh xúc phạm thì chỉ có bà mới được quyền làm đơn tố giác ca sĩ.

Từ vụ việc này, nhiều người thắc mắc theo quy định pháp luật, con trai bà Phương Hằng có quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh hay không?

Con trai bà Phương Hằng có quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh không?

Trả lời Zing.vn, Luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm) cho biết theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ hợp pháp của công dân. Bất kỳ công dân nào khi phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội, xâm phạm lợi ích hợp pháp của bản thân hay người khác đều có quyền làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng.

"Pháp luật không giới hạn việc người dân chỉ được tố giác tội phạm nếu hành vi đó xâm phạm tới quyền lợi bản thân. Bất kỳ ai, bao gồm cả người thứ ba, có thể tố giác tội phạm nếu họ biết về hành vi phạm tội hoặc vi phạm luật pháp. Tố giác tội phạm là cách để bảo vệ quyền lợi và an toàn của bản thân mỗi người cũng như cộng đồng nói chung", luật sư Trang phân tích.

Đối chiếu trường hợp này, luật sư cho rằng nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội của Vy Oanh, con trai bà Phương Hằng có quyền độc lập tố giác nữ ca sĩ này. Việc tố giác là đúng quy định pháp luật. Cơ quan chức năng sau khi tiếp nhận sẽ phân loại, giải quyết đơn thư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để xác minh nội dung tố giác.

Trường hợp cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm, người tố giác có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong số các tội mà cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án hình sự nếu có yêu cầu của bị hại không có tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án mà không cần yêu cầu của bà Phương Hằng.

Về việc bà Phương Hằng có được tố giác khi bị tạm giam, luật sư cho biết theo nguyên tắc suy đoán vô tội, người bị buộc tội được coi là không có tội đến khi có bản án kết tội có hiệu lực. Do đó, người bị tạm giam chưa được coi là có tội và vẫn được hưởng các quyền, lợi ích cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.

Trích dẫn Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, luật sư cho biết người bị tạm giam vẫn có các quyền như được bảo vệ an toàn về tính mạng, thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm; được thực hiện quyền bầu cử, bỏ phiếu trưng cầu ý dân; được gặp thân nhân, người bào chữa; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự, được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật...

Do đó, dù bị tạm giam, bà Phương Hằng vẫn có quyền tố giác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội của người khác.

Công an gửi giấy triệu tập nhưng không đến có được không?

Trả lời Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội cho biết, khi cơ quan công an gửi giấy triệu tập lần 1 mà người được triệu tập vắng mặt, sẽ gửi giấy triệu tập lần 2, nếu cố tình vắng mặt tiếp thì có thể bị dẫn giải.

Trong vụ việc này, ca sĩ Vy Oanh cho biết, cô đang là bị hại trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng do Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang điều tra và đã có văn bản gửi đến Công an TPHCM cung cấp thêm một số thông tin nên không có mặt như giấy triệu tập yêu cầu. Luật sư Tiền cho biết, cơ quan công an sẽ xem xét lý do vắng mặt này có chính đáng không bằng cách xác minh thông tin.

Về vấn đề tố giác tội phạm, luật sư Tiền cho rằng mọi công dân đều có quyền tố giác tội phạm và ủy quyền tố giác tội phạm, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. 

Sự khác nhau giữa giấy mờigiấy triệu tập, luật sư cho biết, giấy mời được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.

Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được "giấy mời" của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.

Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp, không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo quy định tại Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11), giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng.

Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định.

Giấy triệu tập bị can tại ngoại, giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.

Trong tố tụng hình sự, chỉ có Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán là có thẩm quyền ký và sử dụng giấy triệu tập. Trong tố tụng dân sự, hành chính thì chỉ có Thẩm phán mới có thẩm quyền này.

Theo đó, nếu không phải là "người tham gia tố tụng" trong một vụ án/vụ việc cụ thể, công dân không thể bị triệu tập.

Dựa vào quy định này, thì hiện nay thẩm quyền ký giấy triệu tập trong một vụ án hình sự là công an (Điều tra viên). Khi bị công an triệu tập vì một vụ án hình sự thì người dân bắt buộc phải đến nếu không có thể bị áp giải, dẫn giải.

Như vậy, giấy mời và giấy triệu tập có bản chất hoàn toàn khác nhau. Có thể hiểu rằng, nếu nhận được giấy mời thì người được mời có thể lựa chọn đến hoặc không đến. Còn giấy triệu tập thì bắt buộc phải đến, phải có mặt, nếu không rất có thể sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất