Sắc màu Cuộc Sống

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022

Quỳnh Trang
Chia sẻ

Sau hai phiên họp, thương lượng với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.

Sau hai phiên họp, thương lượng với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.  

“Trên cơ sở đàm phán rất dân chủ và quyết liệt, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đưa ra được quyết định thuyết phục được các bên, đó là mức lương tối thiểu vùng năm 2022 được tính từ 1/7/2022 đến hết năm 2023 là tăng 6,0%”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin với báo chí sau phiên họp.

Đây là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.

Thông tin với báo Người Lao Động, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho NLĐ. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1-1-2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 Ảnh 1
Hình minh họa. (Internet)

Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động. Một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, cùng với giá cả leo thang.  

Cũng theo vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, có nhiều lý do nên tăng lương cho NLĐ từ 1-7-2022. 

Thứ nhất, theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với NLĐ và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, chúng ta đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, đặc biệt trong quý I vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ. Trong khi đó NLĐ thì vẫn đang hết sức khó khăn.  

"Thời điểm này tăng lương, cùng chính vừa để hỗ trợ giúp cho NLĐ vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh" - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Hơn nữa, ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Cùng với việc chống dịch hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022 là có thể thực hiện được.

Mức tăng 6% nhận được sự đồng thuận của 17/17 thành viên; thời điểm tăng từ 1/7/2022 nhận được sự đồng thuận của 15/17 thành viên.

Xem thêm: Bắc Giang: Nữ chủ shop bị đâm nhiều nhát tử vong, công an khẩn trương truy tìm nghi phạm

Chia sẻ

Bài viết

Quỳnh Trang

Tin mới nhất