Giải Trí

Dương Cẩm Lynh: 'Thiếu niên nói' như cánh cửa thần kỳ kết nối cha mẹ và con cái

Khôi Ngô
Chia sẻ

Dương Cẩm Lynh cho biết cô là fan của chương trình "Thiếu niên nói", đồng thời mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình ý nghĩa như thế.

Là một trong những người mẹ đơn thân của VBiz, giữa thời điểm dịch bệnh nCoV đang hoàng hành, gây ảnh hưởng không ít đến công việc, cuộc sống… thì với nữ diễn viên, đây là khoảng thời gian dành cho con cái, gia đình riêng của mình và có thời gian làm những điều mình thích. Dương Cẩm Lynh đã chia sẻ cùng SAOstar những suy nghĩ, tâm tư của cô.

- Việc dịch bệnh nCoV hoành hành đã ảnh hưởng gì đến Dương Cẩm Lynh? Cả trong công việc lẫn cuộc sống hiện tại?

- Công việc của tôi không bị ảnh hưởng gì nhiều vì tôi đã xác định tạm dừng đóng phim một thời gian để tập trung nghỉ ngơi và chăm sóc con cái. Hai năm rồi làm việc không ngừng nghỉ, giờ tôi mới có cảm giác được nghỉ ngơi, thư giãn như thế này. Trùng vào mùa dịch, con trai phải nghỉ học, nên hai mẹ con tranh thủ dành thời gian bên nhau. Những lúc con ngủ, tôi vẫn “luyện” phim, coi lại từng tập những phim mình đóng để phân tích sâu thêm điểm hay, điểm dở, hoặc luyện cả những phim đang “hot” như “Hạ cánh nơi anh”.

Nhưng với tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, tôi cũng như mọi người, dù ngồi trong nhà cả ngày vẫn thấy khó mà an tâm khi tin tức mỗi ngày lại thấy tăng thêm ca nhiễm Covid 19 mới. Con trai chưa biết ngày nào mới trở lại trường học, tôi và mọi người trong gia đình phải hạn chế đi lại, tiếp xúc với bên ngoài, cuộc sống bỗng dưng đảo lộn mà chưa biết ngày nào mới trở lại bình thường.

Thiết nghĩ, điều cần làm nhất của mỗi người bây giờ là giữ bình tĩnh, không hoảng loạn, chỉ nên tiếp cận và tin vào những nguồn thông tin chính thống, và đặc biệt là phải khai báo y tế trung thực. Tôi tin rằng với kinh nghiệm chống dịch của hệ thống chính quyền và y tế Việt Nam, chúng ta sẽ dập dịch thành công.

- Có con nhỏ, vậy Dương Cẩm Lynh đã làm gì để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con?

- Tôi đã tạo được cho con trai thói quen tốt là thường xuyên rửa tay diệt khuẩn, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Mới 3 tuổi nhưng Will rất ý thức và hợp tác với Mẹ trong chuyện này, thậm chí còn biết nhắc nhở khi thấy Mẹ quên nữa. Bên cạnh đó, tôi tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho con. Tự tay đi chợ, nấu ăn cho con theo thực đơn phong phú mỗi ngày cũng là một niềm vui trong hành trình chống dịch của hai mẹ con.

- Nhiều người cho rằng, nên cho trẻ ở nhà suốt, tránh tiếp xúc với bất kì ai, không ra ngoài chơi… Dương Cẩm Lynh nghĩ sao về điều này?

- Việc này sẽ khiến mình có cảm giác an tâm, vì thấy con được cách ly với thế giới bất an bên ngoài. Nếu chỉ ngắn ngày thì được, nhưng dài ngày thì đến người lớn mình cũng phát điên lên mất huống gì những đứa trẻ hiếu động.

Tôi nghĩ nên tùy tình hình để cân nhắc, với những gia đình ở vùng tâm dịch thì cẩn trọng là không thừa. Còn với những vùng khác, cha mẹ có thể không cần áp dụng triệt để, vẫn cho trẻ giao lưu với bên ngoài nhưng chỉ nên tiếp xúc với những người mà mình biết và nắm được lịch sử di chuyển, đi lại của họ.

- Lứa tuổi này, con trai thường bắt đầu chia sẻ, tâm sự nhiều điều với mẹ, nhưng với công việc bận rộn, Dương Cẩm Lynh có lo sợ con cảm thấy cô đơn?

- Chính vì sợ điều này mà tôi đã phải tạm gác chuyện phim ảnh lại. Tôi thấy lúc này con rất cần mẹ. Được ở bên con trong giai đoạn lên 3 này, chứng kiến con lớn mỗi ngày cả về thể chất và tư duy, tình cảm là điều tuyệt vời nhất.

Tôi luôn tự nhủ rằng sau này dù công việc có bận rộn thế nào thì vẫn phải tìm cách cân bằng, dành thời gian nhất định cho con. Khi nhỏ con còn cần mẹ, lớn lên hết cần, lúc đó chúng sẽ tìm đến những người bạn chứ không còn là của riêng mình nữa. Cho nên nhất định không được để con mình cô đơn.

- Nhiều nghệ sĩ chọn việc giấu kín gương mặt con mình vì không muốn con mình trở nên “đặc biệt” với bạn bè, thầy cô hay nhiều phụ huynh khác, còn Dương Cẩm Lynh lại không như thế, vì sao?

- Mỗi người có quan điểm nuôi dạy con khác nhau. Tôi muốn con mỗi sáng đi học tự tin bước chân ra khỏi nhà, tự tin bằng những gì đã được trang bị và tự tin khi phía sau luôn có một người mẹ che chở, yêu thương con hết lòng. Khi có mẹ là người nổi tiếng, tôi nghĩ con cái sẽ phải chịu một áp lực nhất định, nhưng mặt khác đó cũng là động lực để con phải nỗ lực phấn đấu.

Thời buổi công nghệ này, khó mà giấu kín được gương mặt của con trước công chúng, nên tôi chọn cách công khai để tập luyện cho con thích nghi với điều này ngay từ nhỏ.

- Với nhiều gia đình, việc cha mẹ, con cái trò chuyện, chia sẻ cùng nhau khá khó khăn vì khoảng cách thế hệ. Con càng lớn, càng khó nói chuyện cùng nhau, chị đã chuẩn bị những gì cho điều này chưa?

- Như trên vừa nói, khi con cái lớn chúng sẽ tìm đến bạn bè thay vì ở mãi trong vòng tay của ba mẹ. Đó là thực tế chúng ta phải chấp nhận, nhưng không được buông xuôi. Nếu không chịu học cách làm bạn của con, bạn sẽ phải dừng lại trước cánh cửa nội tâm riêng của chúng. Tôi đã thấy những đứa trẻ khi bước vào tuổi dậy thì có những phản ứng rất mạnh như: tuyệt thực, bỏ nhà đi, có ý định tự tử… khiến ba mẹ chúng lâm vào thế bế tắc và bất lực trước con.

Nuôi dạy con cái là cả một hành trình dài, không chỉ nên bao bọc yêu thương vô điều kiện mà phải có kỷ luật thích hợp để con biết điểm dừng, và trên hết phải là sự chia sẻ, đặt mình vào vị trí của con khi cần. Tôi không biết mình sẽ làm tốt đến đâu nhưng sẽ dùng cả trái tim và lý trí để đồng hành bên con.

- Hiện nay, trên sóng truyền hình đang có một chương trình mang tên: “Thiếu niên nói”, trong đó, những đứa trẻ sẽ được bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình về ba mẹ, thầy cô thông qua hình thức chia sẻ cùng mọi người. Chị nghĩ thế nào về format này?

- Với độ tuổi thiếu niên, trước đây chúng ta chỉ có những chương trình truyền hình mang tính giải trí nhiều hơn. Các bé có nhiều sân chơi để tranh tài ca hát, nhảy múa, thể dục thể thao, thi thố về kiến thức, tài năng… nhưng lại không có sân chơi để xả hết những suy nghĩ, đặc biệt là suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Và đây là lần đầu tiên các em có diễn đàn để nói lên tâm tư của mình với gia đình, nhà trường, xã hội, các em được khuyến khích để bộc lộ những tâm tư, tình cảm giấu kín lâu nay.

Những điều mà ở nhà các em không dám nói với ba mẹ, ở trường không dám nói với thầy, cô. Khi có nơi để trút nỗi lòng, các em sẽ thấy mình được quan tâm, được chia sẻ, tôn trọng; và những phản ứng tiêu cực từ các em sẽ phần nào được hạn chế. Tôi rất ủng hộ chương trình “Thiếu niên nói” và mong rằng chúng ta sẽ có thêm nhiều sân chơi nội tâm khác cho các em trong độ tuổi nhạy cảm này.

Chia sẻ

Bài viết

Khôi Ngô

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất