Công Nghệ

Từ chuyện MV mới của K-ICM bị dislike gấp 10 lần like cho đến bài toán hóc búa chưa có lời giải của YouTube

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Không chỉ khiến nhiều nghệ sĩ như K-ICM đau đầu, "bão dislike" còn đang là bài toán hóc búa chưa có lời giải của YouTube, và có thể khiến nền tảng video này khai tử nút dislike trong tương lai!

Tối qua (19/2), K-ICM đã chính thức tung ra sản phẩm âm nhạc mang tên “Cần Một Lý Do” hợp tác cùng Quang Đông.

Chỉ sau 7 giờ phát hành, MV “Cần Một Lý Do” đã nhanh chóng vươn lên top 1 trending. Sau 12 giờ, MV vẫn giữ vững 'ngôi vương' và thu về gần 2,6 triệu lượt xem.

MV “Cần Một Lý Do” của K-ICM bị bão dislike của cư dân mạng khi có gần 778.000 dislike trong khi chỉ có 101.000 like.

Mặc dù đạt thành tích khủng nhưng “Cần Một Lý Do” cũng đang trên đà xác lập một kỷ lục không mấy vui vẻ, đó là lượng dislike của MV đã lên tới 680 ngàn lượt - gấp 10 lần lượt like. Trước đó, teaser của MV này cũng “đút túi” lượng dislike khủng, cao nhất nhì Vpop, với gần 800 ngàn lượt.

Đành rằng cảm thụ âm nhạc thì không ai giống ai. Ai cũng có thể dislike những video mà mình không thích trên YouTube. Tuy nhiên, khi những dislike này xuất phát từ một phong trào nào đó của cư dân mạng, kết quả sẽ không còn khách quan lẫn công bằng. Đây cũng là bài toán hóc búa chưa có lời giải của YouTube, và có thể khiến nền tảng video này khai tử nút dislike trong tương lai!

Từ chuyện MV mới của K-ICM bị dislike gấp 10 lần like nhìn ra thế giới

Nút dislike đã trở thành một thứ “vũ khí” vô hình trên Internet mà người đó có thể dùng để cố tình hạ bệ và công kích ai đó bản thân không thích. (Ảnh: Searchenginejournal)

Năm 2010, YouTube đã thay đổi hệ thống xếp hạng các video từ thang điểm 5 sao sang nút Like/Dislike (Thích/Không thích). Kể từ khi đổi mới, chức năng Like/Dislike của YouTube cho phép người dùng mạng thoải mái đưa ra cảm nhận cá nhân cũng như ý kiến cá nhân trên từng video.

Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ đây, nút dislike đã trở thành một thứ “vũ khí” vô hình trên Internet mà người đó có thể dùng để cố tình hạ bệ và công kích ai đó bản thân không thích.

Thực tế, K-ICM không phải trường hợp đầu tiên mà chỉ là gần nhất bị bão dislike từ một bộ phận cư dân mạng. Trước đó, một loạt những ngôi sao nổi tiếng thế giới như Justin Bieber, Maroon 5, Luis Fonsi,… hay Influencers như James Charles, Tati Westbrook,… và nhiều thương hiệu nổi tiếng như Pepsi, Gillette,… cũng từng hứng bão dislike vì trót làm phật ý cộng đồng mạng.

Hay như YouTube, nền tảng video này cũng đã trở thành nạn nhân lớn nhất của chính mình khi video YouTube Rewind 2018 dù có gần 200 triệu lượt xem và 2,7 triệu like nhưng lại nhận về hơn 17 triệu dislike từ cư dân mạng. Đây cũng là video bị “ghét” nhất nhất nền tảng này.

Do YouTube nhận thấy không phải nút dislike nào cũng đều được đánh giá một cách công tâm, thế nên đội ngũ YouTube đã vạch ra những kế hoạch đối phó với vấn đề này.

Cho đến tương lai có thể không còn nút dislike vì thói xấu của một bộ phận người dùng

YouTube đã tính đến việc loại bỏ hoàn toàn nút dislike để chống lại nạn bão dislike của một bộ phận người dùng mạng. (Ảnh: Tubefilter)

Theo nguồn tin từng được đăng tải trên The Verge vào đầu năm 2019, YouTube đã tính đến việc loại bỏ hoàn toàn nút dislike để chống lại nạn 'bão dislike”.

Theo đó, Tom Leung - Giám đốc quản lý dự án tại YouTube, cho biết rằng đội ngũ phát triển của họ đã cân nhắc lựa chọn cho phép chủ kênh YouTube bật/tắt khả năng bầu chọn like/dislike. Thế nhưng bình chọn thích/không thích của người xem rất quan trọng với những người nổi tiếng, đây cũng là thước đo giúp phục vụ mục đích nghiên cứu và đánh giá của YouTube, do đó phương án này là gần như không thể.

Ông Leung cũng đưa ra phương án về việc lựa chọn hỏi người xem tại sao họ lại nhấn nút “dislike,” có thể là thông qua một câu hỏi với danh sách các lý do, từ đó người làm video sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về việc tại sao mình lại bị nhận phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, Leung cũng nhấn mạnh về việc giải pháp này rất khó để để thực hiện, bởi nó yêu cầu một hệ thống hoạt động vô cùng phức tạp.

YouTube cũng đã nảy ra ý tưởng loại bỏ hoàn toàn nút dislike, nhưng Leung cho rằng như vậy sẽ không công bằng, bởi không phải ai nhấn nút dislike đều là người có ý đồ công kích cá nhân.

Thế nên, ông Leung cho biết rằng các thay đổi này mới chỉ ở trong giai đoạn thảo luận chứ chưa đi vào thực tiễn.

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin mới nhất