Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Nghệ sĩ Chí Tài qua đời và vấn nạn livestream 'bẩn': Khi nỗi đau của người khác được quy đổi thành view

Thay vì bày tỏ lòng tiếc thương trước người đã khuất, một bộ phận người tới nơi đặt linh cữu của cố nghệ sĩ Chí Tài chỉ để livestream tăng tương tác.

Chiều hôm qua (9/12), quản lý cũ cho biết nghệ sĩ Chí Tài qua đời khoảng 15h20 tại bệnh viện, sau khi bị đột quỵ tại chung cư ông đang sống.

Sự ra đi đột ngột của nam nghệ sĩ khiến đồng nghiệp và công chúng bàng hoàng, xót xa. Sau đó, thi thể cố danh hài được đưa về Trung tâm Pháp Y TP HCM (Trần Phú, quận 5).

Vấn nạn livestream 'bẩn': Khi niềm đau, nỗi buồn của người khác được quy đổi thành view Ảnh 1
Thông tin nghệ sĩ Chí Tài qua đời khiến cho người hâm mộ không khỏi bàng hoàng, xót xa. (Ảnh: Internet)

Tại đây, một bộ phận YouTuber, Facebooker đã "trực chiến" sẵn để ghi hình. Hình ảnh nhóm người ồn ào, không ngừng nói trước máy quay tương phản với nỗi buồn của người thân, đồng nghiệp bên linh cữu danh hài.

Thực tế, đây không phải là lần đầu những streamer, YouTuber ồn ào quay clip tại đám tang của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, câu chuyện này lại tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi cho cộng đồng.

Chen chúc livestream tại nơi đặt linh cữu của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tại Trung tâm Pháp Y TP HCM, "đội quân livestream" túc trực, chen chúc nhau để quay lại cảnh đồng nghiệp đến viếng linh cữu cố danh hài.

Vấn nạn livestream 'bẩn': Khi niềm đau, nỗi buồn của người khác được quy đổi thành view Ảnh 2
"Đội quân livestream" túc trực, chen chúc nhau để quay lại cảnh đồng nghiệp đến viếng linh cữu cố danh hài. (Ảnh: Lê Huy / Dân Việt)

Nhiều người bất chấp bám vào thành cửa Trung tâm Pháp Y, xô đẩy để có thể quay được cảnh nghệ sĩ đến thăm viếng cố nghệ sĩ. Những người trên tay cầm điện thoại, miệng thì liên tục kêu gọi mọi người "like" và "share" để có thêm động lực tiếp tục livestream.

Thay vì bày tỏ lòng tiếc thương trước người đã khuất, một bộ phận người tới nơi đặt linh cữu của danh hài gạo cội chỉ để chụp hình người nổi tiếng, livestream để tăng tương tác hay đơn giản chỉ vì hiếu kì.

Những điều này tạo nên một khung cảnh chen lấn, bát nháo, ồn ào,... đối lập hoàn toàn với nơi đặt linh cữu cố danh hài Chí Tài, vốn phải trật tự, trang nghiêm và tĩnh lặng.

Vấn nạn livestream 'bẩn': Khi niềm đau, nỗi buồn của người khác được quy đổi thành view Ảnh 3
Khung cảnh ồn ào, bát nháo do "đội quân livestream" và những người hiếu kỳ gây ra, đối lập hoàn toàn với nơi đặt linh cữu cố danh hài Chí Tài, vốn phải trật tự, trang nghiêm và tĩnh lặng. (Ảnh: Lê Huy / Dân Việt)

"Không hiểu những người này nghĩ gì mà trong giờ phút tang thương nhất, họ vẫn có thể cầm điện thoại lên livestream kiếm tương tác được

...

Việc này tuy nó chẳng sai phạm gì nhưng các bạn à, đạo đức chính là pháp luật tối cao. Đừng chỉ vì vài lượt view, vài cái like mà bán rẻ đạo đức như vậy", một bình luận được nhiều cư dân mạng đồng tình.

Điều đáng buồn, khung cảnh hỗn độn này trước đó cũng từng diễn ra tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, Mai Phương,…

Xem thêm: Hơn 2 triệu lượt tìm kiếm cố nghệ sĩ Chí Tài trên Google, thể hiện sự tiếc thương vô hạn

Khi niềm đau, nỗi buồn của người khác được quy đổi thành view

Trong đám tang diễn ra vào thời điểm cuối tháng 3/2020 của cố diễn viên Mai Phương, dù diễn ra trong thời điểm dịch bệnh với quy định không được tụ tập quá 10 người ở nơi công cộng, không ngăn được "đội quân livestream" quay, chụp nhiệt tình linh cữu của Mai Phương và những nghệ sĩ đến viếng.

Vấn nạn livestream 'bẩn': Khi niềm đau, nỗi buồn của người khác được quy đổi thành view Ảnh 4
YouTube tràn ngập video giả livestream đám tang Mai Phương để trục lợi thời điểm nữ diễn viên qua đời vào cuối tháng 3/2020. (Ảnh: Internet)

Thậm chí, khi không thể có được những "thước phim" đẹp như mong muốn, một bộ phận YouTuber, Facebooker đã đăng tải video livestream giả để thu hút người xem, hòng trục lợi từ sự ra đi của cô.

Thời điểm đám tang diễn ra, YouTube Việt Nam tràn ngập các video với tiêu đề “trực tiếp đám tang Mai Phương”. Tuy nhiên, nội dung các clip chỉ là các hình ảnh được cắt ghép từ nhiều nguồn. Thậm chí, nhiều video còn lấy hình ảnh tang lễ của các nghệ sĩ khác, hay cả những video không hề liên quan để bất chấp câu view, trục lợi cá nhân.

Điều này cũng lặp lại sau sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài mới đây.

Hàng loạt video có tiêu đề giật tít "Trực tiếp cảnh đám tang nghệ sĩ Chí Tài", "Danh hài Chí Tài được mai táng tại nhà tang lễ thế nào", “Toàn cảnh đám tang nghệ sĩ Chí Tài do Hoài Linh, Trường Giang lo hậu sự”,... đã xuất hiện hàng loạt trên YouTube và hút được hơn hàng chục nghìn lượt xem chỉ sau thời gian ngắn đăng tải.

Vấn nạn livestream 'bẩn': Khi niềm đau, nỗi buồn của người khác được quy đổi thành view Ảnh 5
Hàng loạt video có tiêu đề giật tít "đám tang Chí Tài" đã xuất hiện hàng loạt trên YouTube và hút được hơn hàng chục nghìn lượt xem. (Ảnh chụp màn hình) 
Vấn nạn livestream 'bẩn': Khi niềm đau, nỗi buồn của người khác được quy đổi thành view Ảnh 6
Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là những video giả livestream để thu hút những người xem tò mò. (Ảnh chụp màn hình) 

“Đấy là hành vi trục lợi quá đáng. Những người này bất chấp lấy sự đau thương, mất mát của người khác để thỏa mục đích của mình. Mình nghĩ YouTube nên có chính sách mạnh tay", một cư dân mạng bức xúc.

Có thể thấy, một bộ phận YouTuber, Facebooker hiện nay đã bất chấp tất cả chỉ để câu view, câu like trên mạng xã hội.

Bất chấp nguyên nhân là gì, việc trục lợi dựa trên nỗi đau của người khác là vô cùng phản cảm, kém văn minh, thiếu tôn trọng với người đã khuất và những người thân của cố nghệ sĩ.

Đừng góp view cho livestream phản cảm

Để chấm dứt (hoặc chí ít là hạn chế) được vấn nạn livestream bẩn, chắc chắn các nền tảng mạng xã hội như YouTube hay Facebook sẽ cần thắt chặt các quy định hơn nữa, để kiểm soát được nội dung được phát trực tiếp trên nền tảng của mình.

Các nền tảng mạng xã hội cần ban bố một khung hình phạt nặng cho những kẻ livestream "bẩn", đặc biệt là tại những không gian cần đảm bảo sự trang nghiêm như đám tang.

Vấn nạn livestream 'bẩn': Khi niềm đau, nỗi buồn của người khác được quy đổi thành view Ảnh 7
Hơn ai hết, cộng đồng cần tẩy chay, lên án và nói không với những livestream phản cảm. (Ảnh: Lê Huy / Dân Việt)

“Khi YouTuber trở thành một nghề, cần được đào tạo và "cấp phép" để người dùng thực hành theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nếu coi các nội dung sáng tạo trên YouTube là các món ăn tinh thần, cần có quy trình kiểm duyệt để đảm bảo loại bỏ các nội dung bẩn, độc hại", PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) từng chia sẻ trên Báo Giao Thông.

Hơn ai hết, cộng đồng cần tẩy chay, lên án và nói không với những livestream phản cảm. Sự tẩy chay sẽ trở thành "liều thuốc" mạnh nhất để giải quyết triệt để vấn nạn livestream bẩn.

Nếu còn người xem, những hành động phản cảm này sẽ còn kéo dài, những đám tang sẽ còn sự xuất hiện của "đội quân livestream".

Xem thêm: Hơn 2 triệu lượt tìm kiếm cố nghệ sĩ Chí Tài trên Google, thể hiện sự tiếc thương vô hạn

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Duy Huỳnh

Tin mới nhất