Vòng quanh Thế giới

Thuyền viên Việt cứu hai người Mỹ thoát chết trong vụ đắm tàu

An Hồng (VnExpress)
Chia sẻ

Chàng thanh niên 28 tuổi làm việc trên tàu đánh cá ở vùng biển Hawaii, Mỹ đã cứu mạng hai người và giúp 5 người khác khi tàu bị đắm.

Khanh Huynh, thuyền viên người Việt Nam, đứng trên một con tàu đánh cá ở cảng Honolulu vào ngày 29/3. Ảnh: AP.

Khanh Huynh bắt đầu rong ruổi trên những chuyến tàu đi đánh bắt cá xa bờ từ khi mới 12 tuổi. Trong 6 năm qua, Huynh làm việc trên các con tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở vùng biển Hawaii, Mỹ.

Chàng trai 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, cách TP HCM hơn 90 km, vừa cứu mạng hai người Mỹ và giúp giải cứu 5 người khi thuyền đánh cá bất ngờ chìm ngoài khơi cách đảo lớn của Hawaii hàng trăm km, AP đưa tin.

Huynh không phải là thuyền trưởng mà chỉ là một người làm công ăn lương lao động miệt mài 12-20 tiếng mỗi ngày với mức thu nhập chưa đến 10.000 USD mỗi năm. Trên thực tế, do không phải là công dân Mỹ, theo luật, Huynh không được phép đứng ra điều hành con tàu như một thuyền trưởng trong lãnh hải Mỹ. Tuy nhiên, thuyền trưởng người Mỹ Robert Nicholson phụ trách tàu Princess Hawaii chưa từng có kinh nghiệm làm việc trên một con tàu đánh bắt ở Thái Bình Dương. Một trong 8 thủy thủ trên tàu Princess Hawaii khẳng định Huynh chính là người phụ trách con tàu từ lúc rời cảng đến khi gặp nạn.

Tôi không nhìn thấy, dù chỉ một lần, thuyền trưởng người Mỹ có động thái như lái tàu, ra lệnh, chỉ huy hay làm bất cứ điều gì để con thuyền ổn định hơn hay vượt sóng nhẹ nhàng hơn”, Steve Dysart, nhân viên giám sát của Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ đi theo tàu cho hay. “Tôi chỉ nhìn thấy ông ta ở trong khoang thôi”. Lực lượng Tuần duyên Mỹ đang điều tra cáo buộc này chống lại thuyền trưởng Nicholson.

Vụ đắm tàu Princess Hawaii là vụ mới nhất trong hàng loạt tai nạn chết người xảy ra với các con tàu đánh bắt xa bờ vốn từ lâu đã làm dấy lên quan ngại về tình trạng bóc lột lao động nước ngoài.

Do không xin được thị thực diện làm việc ở Mỹ, cũng giống như khoảng 700 lao động nước ngoài đang làm việc ở Hawaii, Huynh không thể đặt chân lên đất liền và buộc phải sống trên những con tàu đánh bắt hàng năm trời mỗi đợt ra khơi. Kể cả khi tàu neo đậu ở cảng Honolulu, các thuyền viên, đa số đến từ Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương, cũng không được phép rời khỏi tàu. Khi không ra khơi, Huynh chỉ loanh quanh trên một cầu cảng chỉ cách bãi biển chật ních du khách ở Waikiki vài cây số.

Tàu Princess Hawaii chìm cách đảo lớn của Hawaii khoảng hơn 600 km. Ảnh: Tuần Duyên Mỹ.

Gần trưa ngày 25/3, khi Huynh đang lau dọn cabin còn những người khác thả mồi câu trên tàu cách Hawaii khoảng 650 km, tàu Princess Hawaii dài 19 m bắt đầu rung lắc giữa những cơn sóng lớn và nước biển bắt đầu tràn vào. Con tàu dần chìm. Ở trong cabin, Huynh cố đánh lái để giữ thăng băng nhưng vô ích vì nước biển đã khiến các cửa kính ở thân tàu vỡ tan.

“Tôi vội chạy tới nắm lấy bánh lái và cố gắng bẻ lái nhưng không thể”, Huynh nói. “Con tàu tiếp tục rung lắc và tôi ngã về phía cửa sổ bên hông tàu”. Huynh vội dùng búa phá vỡ cửa sổ để thoát ra ngoài. Lúc đó, anh thấy 5 người khác cũng đã kịp thoát thân, nhưng vẫn còn hai người Mỹ là thuyền trưởng Nicholson và Dysart bị mắc kẹt bên trong.

Nghe thấy tiếng Huynh hét lên: “Ra ngoài, ra ngoài, ra ngoài!“, Dysart vớ vội chiếc áo phao và bơi về hướng cửa thoát hiểm ở đuôi tàu. “Lúc đó tôi thực sự lo lắng vì bên ngoài cửa sổ chỉ toàn là nước”, Dysart nhớ lại.

Khi vừa tới cửa thoát hiểm, Dysart thấy Huynh đón sẵn ở đó và chìa tay ra kéo. “Cậu ấy đã cứu hai mạng người, trong đó có tôi”, Dysart nói. “Cậu ấy tóm lấy cánh tay tôi và lôi tôi ra ngoài”. Để thoát thân, Dysart và thuyền trưởng Nicholson phải lặn tìm lối thoát hiểm rồi bơi ngược lên mặt nước.

Huynh cùng Dysart và Nicholson sau đó dùng xuồng cứu hộ đi cứu 5 thuyền viên đang lênh đênh trên biển.

Princess Hawaii vừa được đại tu. Chủ tàu Loc Nguyen cho biết trong quá trình đại tu, tàu Princess Hawaii đã được lắp thêm máy làm đá, máy lọc nước và gia cố thân bằng các thanh thép. Nguyen tin rằng chính sóng lớn chứ không phải việc thay đổi cấu trúc con tàu là nguyên nhân tàu chìm.

Nhưng Dysart không đồng tình vì “sóng biển chỉ cao 2-3 m và vận tốc gió lúc đó khoảng 33km/h… Thời tiết không quá xấu”. Từng đi theo con tàu này ra khơi nhiều năm trước, Dysart nhận định có thể việc sửa chữa là nguyên nhân khiến con tàu không ổn định và chòng chành giữa sóng lớn.

Chia sẻ

Bài viết

An Hồng (VnExpress)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất