Vòng quanh Thế giới

Thành phố ở Trung Quốc kiệt quệ vì bám trụ 'Zero Covid-19'

Theo Theo Zing
Chia sẻ

Thành phố Thụy Lệ của tỉnh Vân Nam - nơi chịu phong tỏa 4 lần trong 7 tháng qua - là minh chứng rõ nét cho những khắc nghiệt trong chính sách tiếp cận Covid-19 của Trung Quốc.

Thụy Lệ, phía tây nam Trung Quốc, là một thành phố nhỏ bé, hẻo lánh và chưa được nhiều người biết tới. Vậy nhưng, khi nói đến Covid-19, đây có lẽ là nơi quản lý chặt nhất trên thế giới.

Trong năm qua, thành phố đã phải phong tỏa 4 lần, với một lần kéo dài 26 ngày. Các ngôi nhà trong toàn bộ một quận từng phải di dời vô thời hạn để tạo “vùng đệm” ngăn các ca nhiễm từ nơi khác đến. Trường học đóng cửa trong nhiều tháng, ngoại trừ một số lớp - nhưng chỉ khi học sinh và giáo viên không rời khỏi khuôn viên trường, theo New York Times.

Nhiều cư dân, trong đó có Liu Bin, 59 tuổi, sống hàng tháng trời mà không có thu nhập, tại thành phố phụ thuộc nhiều vào du lịch và thương mại với nước láng giềng Myanmar.

Ông Liu, người điều hành công ty môi giới hải quan trước khi việc di chuyển qua biên giới dừng lại, ước tính ông đã mất hơn 150.000 USD. Việc xét nghiệm diễn ra gần như hàng ngày. Đến tiền mua thuốc lá, ông cũng phải mượn của con rể.

“Tại sao tôi phải chịu áp bức như thế này? Cuộc sống của tôi cũng quan trọng chứ”, ông nói. “Tôi đã tích cực tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Những người bình thường chúng tôi còn phải làm gì khác nữa đây?”

Khi phần còn lại của thế giới chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19, Trung Quốc là quốc gia cuối cùng theo đuổi việc loại bỏ hoàn toàn virus. Chiến lược này mang lại nhiều thành công. Quốc gia tỷ dân ghi nhận dưới 5.000 ca tử vong. Nhiều khu vực của đất nước không có ca nhiễm mới nào khiến Covid-19 giống như một ký ức mơ hồ với nhiều người.

Tuy nhiên, cư dân của Thụy Lệ - thành phố 270.000 dân - đang phải đối mặt với tình thế khắc nghiệt của chính sách “Zero Covid-19” dù chỉ một ca bệnh được phát hiện.

Bám trụ kéo dài

Trong khi các thành phố khác của Trung Quốc bị phong tỏa để kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh, những hạn chế thường được giới hạn ở một số khu vực lân cận, hoặc nới lỏng sau một vài tuần.

Nhưng ở Thụy Lệ, cả năm qua chứng kiến tình trạng “tê liệt” kéo dài, với nhiều người phải ở nguyên trong nhà nhiều tuần liền. Ngay cả trong khoảng thời gian giữa các đợt phong tỏa chính, người dân vẫn không được phép dùng bữa tại nhà hàng. Nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa.

Tùy học sinh khối lớp mới được tiếp tục học trực tiếp nếu họ sống trong khuôn viên trường. Phòng học chuyển đổi thành ký túc xá. Vì học sinh ở lại trường nên họ cũng có lớp học vào cuối tuần.

Một tài xế xe ôm công nghệ cho biết anh đã xét nghiệm Covid-19 90 lần trong 7 tháng qua. Một phụ huynh khác thì nói rằng con trai một tuổi của anh xét nghiệm 74 lần.

Hàng chục nghìn cư dân đã rời khỏi thành phố để đến các nơi khác trong “thời gian nghỉ” giữa các đợt phong tỏa. Số dân đã giảm xuống còn khoảng 200.000 người. Để kiểm soát lượng người ra ngoài, giới chức yêu cầu người dân phải trả phí cho 21 ngày cách ly trước khi khởi hành.

Thành phố ở Trung Quốc kiệt quệ vì bám trụ 'Zero Covid-19' Ảnh 1
Một địa điểm xét nghiệm ở Thụy Lệ vào tháng 9/2020 khi thành phố phong tỏa lần đầu tiên. Ảnh: AFP.

Thụy Lệ báo cáo 5 ca bệnh có triệu chứng trong cộng đồng vào tháng 10. Hơn 96% dân số của thành phố và khu vực lân cận đã được chủng ngừa. Không có khu vực nào tại Trung Quốc xác nhận có ca mắc từ Thụy Lệ.

Mặc dù vậy, các quan chức khẳng định họ chưa nghĩ tới việc điều chỉnh chính sách.

Jin Dongyan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết kể từ khi dịch bùng phát, thành phố liên tục triển khai phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt mà không tính đến các chiến thuật có thể ít tốn kém hơn.

“Họ tin rằng đó là cách duy nhất để thành công, nhưng thực tế không phải vậy”, ông nói. “Tình hình đang diễn biến nhanh chóng. Bây giờ mọi thứ rất khác so với năm 2020”.

Ông nhận định Thụy Lệ là hình ảnh thu nhỏ chứng minh cách tiếp cận ngoan cố của chính phủ Trung Quốc đối với đại dịch.

Trong những tuần gần đây, nhiều khu vực khác trên cả nước đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế khi đợt bùng phát mới liên quan đến hoạt động du lịch nội địa khiến hơn 700 người bị nhiễm bệnh.

Khoảng 10.000 khách du lịch bị mắc kẹt ở Nội Mông sau khi phát hiện các ca bệnh tại đây. 30.000 du khách đến Disneyland Thượng Hải đã dành hàng giờ đồng hồ để chờ xét nghiệm trước khi họ có thể rời công viên.

Bắc Kinh phong tỏa nhiều khu vực, các chuyến bay và tàu cũng bị hủy. Tất cả đèn giao thông của một quận ở phía đông tỉnh Giang Tây từng chuyển sang màu đỏ để ngăn chặn việc đi lại không cần thiết.

"Chúng tôi không còn đường sống"

Thụy Lệ dễ bị tổn thương không chỉ bởi virus mà còn cả gánh nặng của việc phong tỏa.

Có đường biên giới với Myanmar, thành phố thu hút nhiều khách du lịch và thương nhân. Trong năm 2019, hai bên giao lưu qua lại gần 17 triệu lần tại khu vực này.

Khi Trung Quốc phong tỏa, thương mại và du lịch đều sụp đổ. Đường biên giới của Thụy Lệ có lỗ hổng, làm dấy lên lo ngại về các trường hợp nhập cảnh. Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar đã khiến một số người tìm cách tị nạn cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp ở Thụy Lệ.

Vị trí xa xôi và quy mô nhỏ của Thụy Lệ cũng có nghĩa là nhiều người Trung Quốc không biết về hoàn cảnh khó khăn của cư dân thành phố.

Giữa sự tuyệt vọng của người dân, một cựu quan chức thành phố tháng trước đã viết một bài blog có tên “Thụy Lệ cần tổ quốc quan tâm” - một động thái đáng ngạc nhiên tại một quốc gia nơi các quan chức hầu như không bao giờ đi chệch đường lối của chính phủ.

“Mỗi lần thành phố phong tỏa là một lần mất mát nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần. Mỗi lần chiến đấu với Covid-19 là một lần tích tụ bất bình”, ông Dai Rongli viết.

Những cư dân Thụy Lệ đăng tải câu chuyện của họ lên mạng xã hội, sau đó nhận được sự chia sẻ rộng rãi. Họ nói mình không thể đến thăm người thân bị ốm hoặc lái xe trên những con đường vắng vẻ, với hàng loạt cửa hàng và nhà hàng đóng cửa.

Nhân viên cộng đồng giao thực phẩm và nhu yếu phẩm cho cư dân Thụy Lệ trong thời gian phong tỏa vào tháng 7. Ảnh: AFP.

Thành phố ở Trung Quốc kiệt quệ vì bám trụ 'Zero Covid-19' Ảnh 2
Nhân viên cộng đồng giao thực phẩm và nhu yếu phẩm cho cư dân Thụy Lệ trong thời gian phong tỏa vào tháng 7. Ảnh: AFP.

Không những vậy, chính quyền cấm người dân phát sóng trực tuyến buôn bán ngọc bích để hạn chế đơn đặt hàng đá quý và giao hàng. Giữa sự tấn công dữ dội, các quan chức bác bỏ rằng những lo ngại là "phóng đại", đồng thời cảnh báo với “tội phạm” đang sử dụng “dư luận và thông tin sai sự thật để gây rối trật tự xã hội”.

Họ hứa sẽ cải thiện các điều kiện cách ly và tăng cường hỗ trợ cho người nghèo, thông qua trợ cấp, tặng gạo và các mặt hàng chủ lực khác, cũng như giảm tiền thuê nhà cho một số công ty. Họ cũng cam kết sẽ tăng số lượng phòng khách sạn có sẵn để cách ly cho những người tìm cách rời Thụy Lệ.

Các biện pháp đó dường như không hiệu quả đối với những người như ông Li, một thương gia buôn ngọc ở độ tuổi 50.

Đầu năm nay, ông Li và một nhóm đã gom góp khoảng 3 triệu USD đầu tư cho thị trường ngọc bích ở Thụy Lệ với hy vọng thành phố sẽ mở cửa vào tháng 5. Hiện họ vẫn nghe gì về sự trợ giúp của chính quyền.

Ban đầu, công ty tuyển dụng khoảng 50 người. Bây giờ, "chúng tôi chỉ dám giữ một người để canh cửa”, ông nói. "Chúng tôi không thể trả tiền cho họ".

Chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng vọt. Ông Li cho biết một kg cải chíp từng có giá dưới 6 NDT (dưới 1 USD), nhưng bây giờ tăng lên 8-10 NDT.

“Những người bình thường”, ông thở dài, “không còn cách nào để sống".

Chia sẻ

Theo

Theo Zing

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất