Trong bối cảnh xã hội hiện đại Trung Quốc, ngày càng có nhiều người trẻ chọn phá vỡ những chuẩn mực truyền thống bằng một hình thức mới lạ: kết hôn với bạn thân. Thay vì tìm kiếm một mối quan hệ tình yêu lãng mạn hay gắn bó về mặt tình dục, họ xây dựng một cuộc hôn nhân dựa trên giá trị chung, sở thích tương đồng và sự hỗ trợ lẫn nhau. Xu hướng này được biết đến với cái tên "hôn nhân tình bạn".

Về mặt pháp lý, họ là vợ chồng và thường chung sống dưới một mái nhà, song phần lớn chọn ngủ ở phòng riêng, giữ gìn sự riêng tư. Cả hai bên vẫn hoàn toàn tự do hẹn hò bên ngoài, và nếu có nhu cầu sinh con, họ có thể cân nhắc các phương pháp như thụ tinh nhân tạo hoặc nhận con nuôi.
Tại Nhật Bản, các công ty mai mối chuyên nghiệp đã sớm xuất hiện để đáp ứng nhu cầu kết đôi theo hình thức "bạn bè kết hôn", phục vụ đủ loại khách hàng, từ người vô tính, đồng tính cho đến những người dị tính muốn tránh né áp lực từ hôn nhân truyền thống. Ở Trung Quốc, xu hướng này cũng lan rộng, dù kín đáo hơn, như một cách nhẹ nhàng để đối phó với kỳ vọng xã hội.
Một ví dụ điển hình là Meilan, một phụ nữ ngoài 20 tuổi đến từ Trùng Khánh. Bốn năm trước, cô đã đăng ký kết hôn với người bạn thân nhất của mình. Cả hai quyết định không tổ chức đám cưới, không trao đổi sính lễ hay nhẫn cưới theo phong tục, và đồng thuận không sinh con.

Theo Meilan, điều quan trọng nhất là họ có thể trở thành người giám hộ hợp pháp cho nhau, có quyền quyết định thay người kia trong những trường hợp y tế khẩn cấp. Gia đình của họ ban đầu không hiểu và không đồng thuận với quyết định này, nhưng cũng không thể can thiệp bởi cả hai đã tự lập về tài chính.
Với thu nhập hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.400 USD) mỗi tháng, họ cùng nhau mua một căn nhà ở vùng ngoại ô, mỗi người góp một nửa chi phí mua và cải tạo nhà. Cuộc sống chung của họ rất rõ ràng: mỗi người một phòng riêng, không phát sinh quan hệ tình dục và tôn trọng không gian riêng tư tuyệt đối.
“Tôi và chồng giống như những người bạn cùng phòng, nhưng sâu sắc hơn chúng tôi là gia đình của nhau", Meilan chia sẻ. Cả hai còn lập một tài khoản ngân hàng chung để tiết kiệm cho các chuyến đi du lịch trong tương lai.
Thông tin về cuộc sống hôn nhân đặc biệt của họ được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hơn 12.000 người theo dõi. Nhiều cư dân mạng bày tỏ sự ngưỡng mộ, xem câu chuyện của họ là hình mẫu cho một mối quan hệ bền vững, tự do và độc lập.

Câu chuyện của Chloe, một phụ nữ 33 tuổi đến từ Thượng Hải, cũng tương tự. Chloe kết hôn với người bạn đại học của mình vào năm ngoái. Đối với cô, đây là cách để tránh né những lời bàn tán của xã hội khi xung quanh bạn bè cùng trang lứa đều đã lập gia đình, sinh con.
"Ở tuổi này, nếu còn độc thân, tôi luôn phải đối mặt với ánh mắt dò xét và những lời bàn ra tán vào", Chloe tâm sự. Để đảm bảo quyền lợi cho cả hai, cô và chồng đã ký một thỏa thuận tiền hôn nhân, trong đó quy định rõ các khoản chi tiêu chung, quyền sở hữu tài sản cá nhân, cũng như các quy tắc về thăm viếng họ hàng.
Đặc biệt, thỏa thuận còn bao gồm một "điều khoản ly hôn", nếu một trong hai người tìm được tình yêu đích thực và muốn tiến tới một cuộc hôn nhân truyền thống, họ có thể dễ dàng ly hôn mà không ràng buộc hay tranh chấp.
Hiện tại, Chloe và chồng vẫn chưa tiết lộ với gia đình về bản chất mối quan hệ của mình, và có thể sẽ cân nhắc nhận con nuôi trong tương lai.
Theo Pan Lian, một chuyên gia tư vấn về quan hệ gia đình ở tỉnh Hồ Bắc, mô hình hôn nhân tình bạn có thể giúp những cá nhân duy trì sự độc lập và hỗ trợ nhau về mặt tinh thần. Tuy nhiên, cô cảnh báo rằng đây có thể chỉ là một giải pháp tạm thời trước áp lực xã hội.
"Những cuộc hôn nhân như vậy có thể thiếu nền tảng vững chắc để tồn tại lâu dài", Pan nhận định. "Khi điều kiện sống cho người độc thân được cải thiện, như giá nhà giảm hoặc phúc lợi xã hội tốt hơn, nhu cầu tìm kiếm giải pháp thay thế hôn nhân truyền thống có thể sẽ suy giảm".
Dẫu vậy, với thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay, hôn nhân tình bạn đang dần trở thành một lựa chọn mới mẻ, phản ánh sự thay đổi trong cách họ nhìn nhận về hạnh phúc và tự do cá nhân.