Vòng quanh thế giới

Thả cá trê phóng sanh, người phụ nữ bị phạt hơn 200 triệu đồng

Minh Quân

Vụ phóng sanh của người phụ nữ này đã gây xôn xao dư luận.

Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc phóng sinh trái phép vì mục đích tâm linh đã liên tục gây xôn xao dư luận tại Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về sự xâm hại hệ sinh thái nghiêm trọng. Một trường hợp điển hình xảy ra vào cuối năm 2020, khi một phụ nữ họ Từ đã chi hơn 90.000 nhân dân tệ (khoảng 320 triệu) để mua 25.000 cân cá trê ngoại lai nhằm thực hiện nghi lễ cầu phúc cho người thân. Hành động tưởng chừng vô hại này không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn kéo theo hệ quả sinh thái nặng nề, khiến bà cùng người bán cá bị kết án phải bồi thường tổng cộng 58.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 200 triệu đồng).

Theo thông tin từ Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, vụ việc xảy ra vào tháng 12/2020. Bà Từ đã mua cá từ một người đàn ông họ Lưu và tiến hành thả số lượng lớn cá trê – vốn là loài ngoại lai – xuống hồ Tiền Tư tại thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, mà không thông báo cho cơ quan chức năng. Dù bị người dân địa phương và nhân viên quản lý hồ phát hiện và ngăn cản, bà Từ vẫn lén chuyển sang hồ Trường Đãng gần đó để tiếp tục thả cá.

Ảnh: HK01
Ảnh: HK01

Sự việc nhanh chóng gây báo động khi cá trê – vốn là loài sinh trưởng trong vùng nhiệt đới – không thể thích nghi với điều kiện thời tiết lạnh, dẫn đến việc hơn 20.000 cân cá chết hàng loạt chỉ trong thời gian ngắn. Ban quản lý hồ Trường Đãng đã lập tức báo cáo và tổ chức chiến dịch vớt cá chết kéo dài suốt 10 ngày.

Kết quả giám định cho thấy, loài cá được thả là cá trê đầu bẹt châu Phi (còn gọi là cá trê da trơn), nguồn gốc từ lưu vực sông Nile. Đây là sinh vật ngoại lai có tốc độ tăng trưởng gấp 5-6 lần cá bản địa, khả năng sinh sản mạnh, thích nghi tốt với môi trường ô nhiễm và thậm chí có thể bò trên cạn – khiến chúng trở thành mối đe dọa xâm lấn sinh học nghiêm trọng.

Các chuyên gia cảnh báo, sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai như cá trê châu Phi không chỉ làm suy giảm đa dạng sinh học mà còn gây ra hàng loạt hệ lụy khác như cạnh tranh thức ăn, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, truyền bệnh giữa các loài, và thay đổi môi trường sống. Đặc biệt, số lượng gần 4.800 cân cá trê chưa bị vớt lên nếu còn sống sót sẽ nhanh chóng sinh sôi, ăn thịt các loài cá con và sinh vật đáy, gây tổn hại sâu sắc đến sinh thái hồ Trường Đãng.

Ảnh: HK01
Ảnh: HK01

Tòa án xác định rằng hành vi thả sinh vật ngoại lai với số lượng lớn mà không thông báo cho cơ quan chức năng là trái với quy định bảo vệ môi trường và an toàn sinh học của Trung Quốc. Từ đó, hai bị cáo – bà Từ và ông Lưu – bị buộc phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường, bao gồm cả tổn thất tài nguyên sinh thái, phí khắc phục hậu quả và tiền phạt, với tổng số tiền là 58.000 nhân dân tệ.

Vụ việc không chỉ là lời cảnh tỉnh đối với những hành vi phóng sinh thiếu hiểu biết, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc siết chặt quản lý và nâng cao nhận thức cộng đồng về hiểm họa của sinh vật ngoại lai. Phóng sinh nếu không đúng cách có thể không mang lại phúc lành như mong muốn, mà ngược lại còn gieo tai họa cho môi trường – thứ tài sản chung đang bị đe dọa mỗi ngày.

Chia sẻ FacebookChia sẻ

Bài viết

Minh Quân

TIN MỚI