Vòng quanh Thế giới

Nếu đã vì tương lai, trước tiên hãy lắng nghe con trẻ

Huyền Trân
Chia sẻ

Sau hàng loạt những nỗ lực kêu gọi, vận động khắp nơi để phản đối Brexit, sau biết bao chờ đợi, hy vọng để "cuộc ly hôn chính trị" lịch sử sẽ không xảy ra thì cuối cùng kết quả đã đánh gục tất cả những ai đã mong muốn nước Anh tiếp tục ở lại, trong đó rất đông là người trẻ.

Khi thế hệ trẻ không được quyết định tương lai

Theo kết quả đã được công bố, 51,9% người dân Anh đã bình chọn cho việc “dứt áo ra đi” khỏi EU. Nhưng khi nhìn vào sự lựa chọn giữa việc “đi” và “ở” phân theo độ tuổi, người ta sẽ lại thấy một kết quả rất khác.

Cụ thể có tới 75% cử tri ở độ tuổi 18 - 24 đã bỏ phiếu chọn nước Anh ở lại, và con số này tiếp tục giảm xuống tương ứng với mức tăng lên của bậc tuổi.

brexit

Con số thống kê về phiếu bầu “ở lại” phân theo độ tuổi của tổ chức nghiên cứu YouGov

Một điều đáng chú ý trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân lịch sử lần này của nước Anh, đó là khác với cuộc trưng cầu ở Scotland, những công dân trong độ tuổi từ 16 - 17 tuổi lại không có quyền được bỏ phiếu. Trong khi một cuộc thăm dò của NUS đã chỉ ra rằng, khoảng 75% công dân trong độ tuổi này chắc chắn sẽ bình chọn “ở lại” nếu như có cơ hội. 

Từ đó một giả định đã được đặt ra, với tỉ lệ “mấp mé” 51,9% với 48,1% giữa “đi” và “ở”, nếu như những công dân trẻ trong độ tuổi 16 - 17 tuổi (chiếm khoảng 1,5 triệu người) cũng được bỏ phiếu thì kết quả nhiều khả năng đã có thể đảo ngược.

Nhưng tất nhiên, đó chỉ là một giả định và thực tế đã buộc những người trẻ sẽ phải chấp nhận sống cùng hậu quả của Brexit trong khoảng 70 năm tới, với những thay đổi từ giáo dục, việc làm, du lịch, cho tới hòa bình, kinh tế chính trị và hàng loạt những hệ lụy kéo theo khác. Khi được hỏi, hầu như không ai trong số họ tin hay mong đợi một “tương lai thịnh vượng” khi “có được quyền kiểm soát” như lời ông Boris Johnson đã từng tuyên bố.

brexit1

Trách móc của người trẻ khi những người thuộc thế hệ cũ đã bình chọn cho một tương lai “thiếu vắng EU” mà họ không hề mong muốn.

Madeline Gomes, 16 tuổi cũng viết thư gửi trang The Guardian rằng: “Tôi cảm thấy thật sự chán ghét đất nước này và những gì họ đã làm với tương lai của tôi. Tôi 16 tuổi, do đó tôi không được bỏ phiếu. Thực tế là những người chỉ còn sống trong khoảng 10 năm tiếp theo lại có quyền bỏ phiếu quyết định cho một tương lai mà cả thế hệ chúng tôi phải sống hết phần đời còn lại của mình, một tương lai mà chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân chủ cho phép bất cứ ai cũng quyền định đoạt số phận của Anh quốc. Thế nhưng chính thế hệ tương lai - những người hoàn toàn có thể bị thay đổi cả cuộc đời về sau vì Brexit thì lại không có cơ hội để nói lên sự lựa chọn của mình. Trong khi theo luật Anh, 16 - 17 tuổi là độ tuổi mà người ta đã có thể sống tự lập, tự đóng thuế, lập gia đình và thậm chí là tham gia chiến tranh như tất cả công dân trên 18 tuổi khác.

Vì tương lai, trước tiên hãy lắng nghe con trẻ

Thực chất, Brexit xảy ra không có nghĩa là tất cả đã chấm hết, bởi bất kể lựa chọn nào, dù “đi” hay “ở” thì có lẽ toàn thể người dân Anh cũng chỉ vì mong một sự khởi đầu mới cho một Vương quốc Anh hùng mạnh hơn, một cuộc sống thịnh vượng hơn và một xã hội tốt đẹp hơn mà giới trẻ là một phần quan trọng ở trong đó. 

Tuy nhiên một cuộc trưng cầu dân chủ để quyết định tương lai có Brexit hay không lại không màng đến sự lựa chọn của thế hệ trẻ có lẽ là điều thực sự không công bằng.

brexit2

Đó cũng là ví dụ cho một sự-không-công-bằng đã tồn tại từ hàng nhiều đời nay, khi con trẻ cũng thường phải sống trong một tương lai được định đoạt sẵn bởi người lớn mặc dù đó không phải là một tương lai mà chúng thực sự mong muốn.

Như việc thi cử học đại học, có những bậc phụ huynh đã tự vẽ ra cho con mình một kịch bản về tương lai xán lạn, rồi bắt ép chúng phải thi, phải học một ngành nào đó trong khi cũng chưa từng hỏi chúng có thích hay có muốn theo hay không. Vì vậy, có những đứa trẻ cực kỳ thích học nghệ thuật, nhưng lại bị gia đình bắt đi theo kinh doanh chẳng hạn. Và điều đó thực sự là một thảm họa.

Những người lớn thuộc thế hệ đi trước tất nhiên luôn mong muốn cho con em mình những điều tốt đẹp nhất, nhưng đôi khi vì những suy nghĩ chủ quan mà họ đã đẩy con em mình rơi vào hoàn cảnh buộc phải chấp nhận điều mà chúng hoàn toàn không muốn, phải sống với tương lai được định hình mà hề không có tiếng nói của chính mình trong đó.

Trên hết những người lớn, những người làm cha làm mẹ đều mong muốn những điều tốt nhất cho con cái sau này. Cũng như thực chất bất kể lựa chọn nào, dù “đi” hay “ở” thì tất cả cũng chỉ nhằm mong Vương quốc Anh trở nên hùng mạnh hơn, một cuộc sống thịnh vượng hơn và một xã hội tốt đẹp hơn mà lớp trẻ sẽ là một phần quan trọng ở trong đó.

Nhưng nếu đã vì tương lai, thì trước hết hãy lắng nghe thế hệ của tương lai đang thực sự cần gì, thực sự muốn gì, bởi chúng mới là những người sẽ phải sống và “trả giá” bằng cả cuộc đời mình với tương lai đó, chứ không phải bất kỳ một ai khác.

Chia sẻ

Bài viết

Huyền Trân

Tin mới nhất