Vòng quanh Thế giới

10 năm nhìn lại thảm hoạ động đất, sóng thần ở Nhật Bản: Góc khuất đáng sợ hơn cả thiên tai

Theo Asia One
Chia sẻ

Dù may mắn thoát khỏi cái chết, nhưng những người phụ nữ sống sót sau thảm hoạ động đất, sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản phải đối mặt với một vấn nạn khủng khiếp.

Nhật Bản đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày đất nước vượt qua thảm họa động đất, sóng thần đã cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người. Giữa lúc này, sự xuất hiện của một bộ phim tài liệu đã khiến dư luận thế giới chấn động, bởi nó vạch trần góc khuất cực kỳ đáng sợ sau ngày tai ương xảy đến - lạm dụng tình dục trong các khu tị nạn. 

Buried Voices là bộ phim tài liệu dài 45 phút của đài truyền hình quốc gia NHK, được hình thành dựa trên dữ liệu từ hàng loạt cuộc gọi đến đường dây nóng của những người phụ nữ ở 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm hoạ, bao gồm Fukushima, Iwate và Miyagi. Một số người từng là nạn nhân của các vụ tấn công tình dục trong khu tị nạn cũng được phỏng vấn ẩn danh. 

Một người phụ nữ đã rơi vào cảnh khốn cùng khi chồng chết trong trận động đất, nhà cửa hoá thành đống đổ nát. Khi cô đến khu tiếp nhận dân sơ tán, người đứng đầu trung tâm bảo cô tìm gặp anh ta tại văn phòng vào tối hôm đó để nhận khăn và thức ăn. "Khi tôi đến, anh ta đã ép tôi quan hệ tình dục", cô nói.

Một cô gái khoảng 20 tuổi kể lại: "Một người đàn ông trong khu tị nạn dần phát điên, gã bắt được một người phụ nữ, sau đó lột sạch quần áo của cô ấy trong góc tối. Những người xung quanh vẫn ngồi yên đó và vờ như mình chẳng thấy gì, lại còn nói: 'Chuyện khó tránh, hai người họ còn trẻ mà'".

Một người khác vẫn còn khiếp hãi khi nhớ lại cảnh mình bị nhiều gã đàn ông lạm dụng: "Tôi sợ rằng mình sẽ bị giết và ném xác xuống biển, còn họ thì thản nhiên quy sự biến mất của tôi cho cơn sóng thần. Nếu thật vậy, tôi có oan khuất cũng chẳng biết nói cho ai".

Đường dây nóng Yorisou được thành lập vài tháng sau khi thảm hoạ xảy ra, nhằm giải quyết các yêu cầu giúp đỡ, xin tư vấn hay chỉ đơn giản là nơi mọi người trút bầu tâm sự mà không công khai danh tính. 

Trong vòng 5 năm kể từ năm 2013, nhân viên tổng đài đã tiếp nhận hơn 360.000 cuộc gọi, với hơn một nửa đến từ nữ giới. Qua điện thoại, họ bày tỏ mong muốn được giúp đỡ để đối phó với nạn lạm dụng tình dục, bao gồm bạo lực gia đình và cưỡng hiếp. Trong số những người phụ nữ bị xâm hại đó, có đến 40% là các bé gái vị thành niên hoặc phụ nữ trẻ khoảng 20 tuổi.

Chia sẻ với NHK, người đứng đầu đường dây nóng Tomoko Endo nói rằng lễ kỷ niệm chỉ càng gợi lại ký ức kinh hoàng của các nạn nhân, ép họ nhớ về quá khứ khủng khiếp 10 năm trước. Nếu thảm hoạ tái diễn, đường dây nóng Yorisou sẽ nỗ lực để bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục.

Sau thảm họa Tohoku năm 2011, báo cáo cho thấy đã có 82 vụ tấn công tình dục, quấy rối hoặc cưỡng ép quan hệ xảy ra với các nạn nhân từ độ tuổi vị thành niên đến 60. Nhiều phụ nữ độc thân, ly thân, ly hôn hoặc góa bụa đã trở thành "con mồi" trong mắt những gã dâm ô, không ít người phải dùng thân xác để đổi lấy thức ăn và chỗ ở.

Đông đảo khán giả đã kêu gọi đài NHK phát sóng lại bộ phim này để lan toả sự chú ý, giúp càng nhiều người nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. "Tôi hy vọng những người bị ảnh hưởng bởi vấn nạn này có thể nhận được sự giúp đỡ. Và các bà mẹ, xin hãy bảo vệ con cái của mình", một người viết.

Giải thích lý do các nạn nhân không báo cảnh sát, nhiều ý kiến cho rằng họ thấy tủi hổ hoặc sợ không có ai tin tưởng mình. Trên trang web SoraNews 24, một người giận dữ chỉ trích "việc xâm phạm và cưỡng hiếp các nạn nhân của một thảm họa thiên nhiên, những người đã mất thân nhân và tất cả những gì họ có" là "thực sự đáng khinh bỉ".

Độc giả của trang Japan Today kêu gọi trừng phạt những kẻ phạm tội hiếp d.âm năm đó, dù tội xâm hại tình dục ở Nhật Bản chỉ có thời hạn truy cứu 10 năm. Hiện chính phủ và cảnh sát chưa đưa ra bình luận nào về sự việc.

Chia sẻ

Theo

Asia One

Tin mới nhất