Vòng quanh Thế giới

Mỹ thảo luận với Ba Lan về kế hoạch cung cấp tiêm kích Mig-29 cho Ukraine

Theo TTXVN / Báo Tin Tức
Chia sẻ

Mỹ đang hợp tác với Ba Lan nhằm đạt được thỏa thuận về việc để Warsaw cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu.

Nếu hoàn tất, thỏa thuận này sẽ cho phép Ba Lan chuyển giao một số máy bay chiến đấu có từ thời Liên Xô cho Ukraine. Đổi lại, Warsaw sẽ nhận được mẫu tiêm kích F-16 từ Mỹ.

Nhà Trắng trong ngày 5/3 cho biết Mỹ đang đàm phán với Ba Lan và các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề này, đồng thời thừa nhận còn nhiều thách thức hậu cần, khâu triển khai trên thực địa, nhất là cách thức máy bay được chuyển từ Ba Lan đến Ukraine.

Một quan chức của Ba Lan cho biết nước này không ở trong tình trạng chiến tranh với Nga, nhưng thể hiện lập trường ủng hộ Ukraine trước chiến dịch quân sự của Moskva. Tuy nhiên, mọi quyết định liên quan đến vấn đề quân sự, hỗ trợ quân sự đều phải được NATO thông qua.

Mỹ thảo luận với Ba Lan về kế hoạch cung cấp tiêm kích Mig-29 cho Ukraine Ảnh 1
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ba Lan tại căn cứ Không quân số 22 ở Malbork. Ảnh: Anadolu Agency

Nguồn thạo tin ẩn danh cho biết, loại máy bay Mỹ muốn Ba Lan chuyển giao cho Ukraine là Mig-29. Ba Lan đang sở hữu 28 tiêm kích MiG-29, nhiều nhất trong khối NATO. Đây là tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 4 được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và biên chế năm 1982.

Từ năm 2006, Ba Lan bắt tay triển khai chương trình hiện đại hóa không quân, với lô tiêm kích F-16 đầu tiên được nhập khẩu từ Mỹ. Đến năm 2020, Warsaw ký tiếp hợp đồng trị giá 4,6 tỉ USD đặt mua 32 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, với lô hàng đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2024.

Phát biểu trước 300 nghị sĩ Mỹ theo hình thức trực tuyến ngày 5/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensk đã hối thúc Mỹ chuyển giao cho Ba Lan và một số đồng minh NATO ở Đông Âu tiêm kích F-16 để tạo điều kiện cho nhưng nước này chuyển máy bay chiến đấu do Nga sản xuất cho Ukraine.

Quân đội Ukraine cần máy bay có nguồn gốc từ Nga, bởi phi công nước này đã quen với việc huấn luyện, điều khiển tác chiến.

Về phần mình, Nga luôn phản đối việc NATO hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. “Điều này tạo ra nguy cơ không thể chấp nhận được. Thậm chí, nó còn có thể dẫn đến xung đột Nga-NATO”, hãng thông tấn TASS ngày 5/3 dẫn lời ông Alexey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga khi đề cập đến việc NATO tiếp tục cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.

Chia sẻ

Theo

TTXVN / Báo Tin Tức

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất