Vòng quanh Thế giới

Lý do giới khoa học muốn điều tra 'nCoV lọt từ phòng thí nghiệm'

Vnexpress
Chia sẻ

Nhiều nhà khoa học ngày càng hưởng ứng điều tra giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, dù biết khả năng này khó xảy ra.

Sau thời gian dài tránh xa các cuộc tranh luận, một số nhà khoa học nổi tiếng gần đây cởi mở bày tỏ những điều còn nghi ngại về nguồn gốc nCoV, cũng như hưởng ứng lời kêu gọi điều tra của Tổng thống Joe Biden.

"Lúc đầu có rất nhiều áp lực khi lên tiếng, bởi nó đi liền với những thuyết âm mưu và người ủng hộ Trump. Có rất ít cuộc thảo luận đúng đắn ngay từ đầu", Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, nói.

Các nhà virus học phần lớn nghiêng về giả thuyết động vật bị nhiễm bệnh, có thể là dơi hoặc một động vật nuôi lấy thịt khác, truyền virus sang người ngoài phòng thí nghiệm. Không có bằng chứng trực tiếp cho thấy virus "rò rỉ" từ phòng thí nghiệm, nơi các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu virus.

Nhưng vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong cuộc điều tra chung với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khiến việc bác bỏ giả thuyết trên trở nên khó chấp nhận, theo Iwasaki và 17 nhà khoa học khác lập luận trong bài viết trên tạp chí Science tháng này.

"Tôi thường chỉ nói công khai về một chủ đề nếu có một số kết quả khoa học khiến tôi tự tin về phát hiện hoặc kết luận mới", Jesse Bloom, người nghiên cứu về tiến hóa của virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nói. "Trong trường hợp nguồn gốc nCoV, tôi vẫn không tự tin về những gì đã xảy ra".

Nhưng "rõ ràng việc không nói bất kỳ điều gì về nguồn gốc này đang được hiểu là đồng tình với ý tưởng virus chắc chắn có nguồn gốc từ động vật", ông nói thêm.

Hai tuần sau khi bài viết của nhóm nhà khoa học được đăng tải, Tổng thống Biden ngày 26/5 kêu gọi các cơ quan tình báo "nỗ lực gấp đôi" và gửi báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày. Một ngày sau, ông cho biết sẽ công bố báo cáo cho công chúng.

Trong khi nhiều nhà khoa học hưởng ứng cuộc tìm kiếm câu trả lời, một số cảnh báo những đáp án, nếu có, có thể không đến sớm.

"Cho tới khi kết thúc quá trình, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta không biết được nhiều hơn những gì đã biết", W. Ian Lipkin, nhà virus học tại Trường Y tế Cộng đồng Mailman, Đại học Columbia và là một trong những nhà khoa học Mỹ đầu tiên đến Trung Quốc đầu năm 2020, nói.

Lý do giới khoa học muốn điều tra 'nCoV lọt từ phòng thí nghiệm' Ảnh 1
Chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán đóng cửa hồi tháng 1/2020. Ảnh: AFP.

Sự thiếu hợp tác của Trung Quốc với WHO từ lâu làm dấy lên nhiều nghi ngờ về cách nCoV xuất hiện và lan khắp thế giới. Tháng 2/2020, chính phủ Trung Quốc đồng ý tổ chức cuộc nghiên cứu khoa học, nhưng nhiều người chỉ trích rằng nó được xây dựng như một nghiên cứu hợp tác giữa chuyên gia Trung Quốc và quốc tế, đồng thời Bắc Kinh kiểm soát truy cập dữ liệu. Ngoài ra, cuộc nghiên cứu này không điều tra các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu về virus.

Những ngày đầu có nhiều đồn đoán rằng một chương trình chiến tranh sinh học của Trung Quốc đã tạo ra nCoV. Tháng 3/2020, Lipkin và cộng sự đăng bài viết bác bỏ khả năng trên.

"Không có bằng chứng nào cho thấy virus được tạo ra như loại vũ khí", Lipkin nói. "Tôi không thay đổi quan điểm của mình về điều này".

Tuy nhiên, việc nCoV xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, nơi có Viện Virus học Vũ Hán mà các nhà khoa học đang nghiên cứu hàng chục chủng virus corona được thu tập từ các hang động ở miền nam Trung Quốc, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi.

Vũ Hán là một trung tâm đô thị với lượng du khách lớn thường xuyên từ mọi miền Trung Quốc. Thành phố này cũng có nhiều chợ kinh doanh động vật hoang dã lớn, với nguồn cung đến từ khắp cả nước. Khi các loại động vật hoang dã được nuôi nhốt gần nhau, virus có thể lây truyền từ loài này sang loài khác, đôi khi có thể dẫn tới những sự kết hợp để tạo ra những căn bệnh mới.

Nghiên cứu của phòng thí nghiệm Vũ Hán bắt đầu sau khi một loại virus corona dẫn tới dịch SARS năm 2002. Các nhà nghiên cứu nhanh chóng tìm ra nhiều họ hàng của loại virus này ở loài dơi và cầy hương, được bán ở các chợ Trung Quốc. Phát hiện này giúp nhiều nhà khoa học nhận ra virus corona từ động vật có thể lây truyền và gây ra dịch bệnh.

Xem thêm: Các nhà khoa học ở Vũ Hán từng bị dơi cắn, lại 'nóng' nghi án Covid-19 thoát từ phòng thí nghiệm

Các nhà virus học có thể thực hiện nhiều biện pháp để giảm nguy cơ nhiễm virus mà họ nghiên cứu. Nhưng trong những năm qua, một số tai nạn vẫn xảy ra. Nhiều nhà khoa học đã bị bệnh và họ lây nhiễm các loại virus đang nghiên cứu cho những người khác.

Năm 2004, một nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Quốc gia ở Bắc Kinh nhiễm virus corona gây dịch SARS. Người này đã lây bệnh cho những người khác, trong đó có mẹ của bà.

Năm 2020, nguồn gốc đại dịch Covid-19 trở thành mặt trận mới trong cuộc tranh luận kéo dài về an ninh phòng thí nghiệm, với những câu hỏi liệu rủi ro nghiên cứu có vượt quá mục tiêu ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh tương lai của cuộc nghiên cứu hay không.

"Loại nghiên cứu này đã gây nhiều tranh cãi", Filippa Lentzos, nhà nghiên cứu an toàn sinh học tại Đại học King ở London, nói.

Các nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ Trung Quốc phủ nhận cáo buộc Covid-19 là do rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm. Một số nhà khoa học nước ngoài cũng bác bỏ giả thuyết này.

Robert Garry, nhà virus học tại Trường Y khoa Tulane, thấy các nhà khoa học Trung Quốc đã thu thập virus nCoV và nghiên cứu, nhưng không bao giờ công bố bất kỳ thông tin nào về nó, dù vẫn công bố báo cáo về các loại virus corona khác trong nhiều năm qua.

"Tôi cảm thấy khó hiểu. Tại sao họ lại giữ thông tin về virus này?", Garry hỏi.

Nhiều nhà khoa học khác từng cảm thấy ít nhất khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm nên được khám phá. Tuy nhiên, ý tưởng đã bị lu mờ khi quan chức chính quyền Trump tuyên bố virus có thể là vũ khí sinh học. Các nhà nghiên cứu đã đặt hy vọng vào cuộc điều tra chung giữa WHO và Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh liên tục cố chuyển điều tra theo hướng có lợi cho họ.

Trong khi đó, nhiều người tin vào giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm cố gắng mở đường cho các nhà khoa học công khai hơn về vấn đề này. Trong hàng loạt thư ngỏ, nhóm nhà nghiên cứu đã bày tỏ quan ngại về cuộc điều tra chung và sự không chắc chắn về nguồn gốc virus, dù không công khai nói về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Tháng 3/2021, báo cáo 313 trang của nhóm điều tra WHO và Trung Quốc chỉ dành 4 trang nói về khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng không đưa ra được dữ liệu đáng kể nào để ủng hộ kết luận của họ rằng giả thuyết này khó xảy ra.

Iwasaki và nhóm nhà khoa học có cùng chí hướng quyết định phải lên tiếng. "Chúng tôi cảm thấy rằng đã đến lúc lên tiếng về nó và tìm kiếm thêm nhiều bằng chứng khoa học về những gì đang xảy ra", bà nói.

Tuy nhiên, bà Iwasaki nhấn mạnh chưa thấy trường hợp rõ ràng nào chứng minh cho giả thuyết virus bị rò rỉ, nhưng cho biết "hoàn toàn cởi mở về các khả năng".

Lý do giới khoa học muốn điều tra 'nCoV lọt từ phòng thí nghiệm' Ảnh 2
Nhân viên an ninh đứng canh gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan, nói "điều chúng tôi muốn" là các nhà khoa học được thoải mái nói về những gì họ đã làm và chưa làm về nguồn gốc của virus.

Tiến sĩ Lipkin cho biết ông thấy thất vọng khi biết hai cuộc nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán cho thấy các biện pháp an toàn ở đây được thực hiện với mức độ khiêm tốn. Ông nói đây không phải là bằng chứng cho thấy nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, "nhưng nó chắc chắn làm tăng khả năng phải điều tra".

Ngoài ra, ngay cả khi nCoV lây truyền từ dơi hoặc động vật khác sang người ngoài phòng thí nghiệm như nhiều nhà khoa học khác tranh luận, rất khó để tìm bằng chứng chắc chắn cho giả thuyết này. Dù giới khoa học có thể có bằng chứng rất vững chắc cho thấy hai virus corona gây dịch SARS và MERS truyền từ dơi sang người, nguồn gốc về bốn loại virus corona gây bệnh cho người khác vẫn là bí ẩn.

"Không phải lúc nào bạn cũng gặp may. Nó có thể mất hàng thập kỷ", Garry nói.

Chia sẻ

Bài viết

Vnexpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất