Vòng quanh Thế giới

Khoảnh khắc tình yêu sưởi ấm trái tim: Cụ bà 88 tuổi đến thăm chồng trong khu cách ly giữa tâm dịch Covid-19

Theo Dailymail
Chia sẻ

Cách một lớp cửa kính tại trung tâm cách ly, cụ bà 88 tuổi lặng lẽ nhìn người bạn đời đã nắm tay mình đi qua 60 mùa mưa nắng. Dịch Covid-19 là thủ phạm chia cắt đôi vợ chồng đã ở tuổi gần đất xa trời.

Bức ảnh khiến nhiều người rớm nước mắt được chụp khi cụ bà Dorothy Campbell đến thăm chồng, ông Gene, tại viện dưỡng lão Life Care Center ở thành phố Kirkland, bang Washington (Mỹ). Ông lão 89 tuổi phải cách ly ở viện dưỡng lão, trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực thực thi nhiều biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của Covid-19.

Ánh mắt lo lắng của cụ bà Dorothy khi thấy chồng qua phòng cách ly.

Life Care Center là vùng tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, với ít nhất 6/12 ca tử vong là bệnh nhân sống ở nơi này. Chính phủ đã hạ lệnh phong tỏa viện dưỡng lão, đưa các cụ vào khu cách ly bên trong nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan truyền, đồng thời cấm thân nhân đến thăm. Nhiều cụ già ở Life Care Center mang trong mình bệnh mãn tính, khiến họ càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của virus SARS-CoV-2.

Bởi lệnh cấm người tiến vào khu vực cách ly, mãi đến hôm 5/3, Dorothy mới có cơ hội được nhìn thấy chồng mình. Charlie Campbell, con trai của cặp đôi, là một cựu y tá ở thành phố Silver (New Mexico), đã đưa mẹ đến bên ngoài phòng cách ly của bố để hai người được trông thấy nhau trong chốc lát.

Con trai của hai cụ giúp mẹ gọi cho bố.

Trong chiếc áo bệnh nhân rộng thùng thình, cụ ông Gene dịu dàng trông theo vợ qua cửa sổ bằng kính. Xót xa khi thấy tình cảnh của chồng, bà Dorothy tuyệt vọng nhìn đau đáu gương mặt ông, chỉ sợ mình lãng phí một giây quý báu khi được ở bên nhau. Để giúp bố mẹ nghe được tiếng của đối phương, Charlie dùng di động gọi vào điện thoại bàn trong phòng cách ly, cho hai cụ thoải mái trò chuyện.

Cụ Gene trìu mến nhìn vợ.

Dù đáy lòng vẫn canh cánh nỗi lo về tử thần lảng vảng quanh viện dưỡng lão, lại khổ sở khi phải xa cách bạn đời, song vợ đến thăm vẫn khiến niềm vui nở rộ trên gương mặt đầy nếp nhăn của cụ ông 89 tuổi. Vừa trò chuyện với vợ qua điện thoại, ông vừa âu yếm nhìn bà, tựa như chẳng bao giờ thấy đủ. Thế nhưng, rồi cũng đến lúc họ phải chia lìa. Hết thời gian thăm người thân, cụ bà 88 tuổi bịn rịn từ biệt chồng rồi được con trai dìu về nhà. Bà không biết đến bao giờ hai người mới được đoàn tụ, mặt đối mặt nói cho thỏa nỗi nhớ thương bấy lâu nay.

Hai người lặng lẽ trò chuyện qua điện thoại.

Hôm 5/3, bang Washington xác nhận thêm một ca tử vong mới vì virus SARS-CoV-2 tại Hạt King, nâng tổng số người chết ở Mỹ lên đến 12, trong đó có đến 11 trường hợp là cư dân ở tiểu bang này. Nạn nhân mới nhất là một cụ bà ngoài 90 tuổi, qua đời hôm 3/3, chưa xác nhận có phải là người cư trú tại Life Care Center hay không.

Cũng trong ngày 5/3, nước Mỹ ghi nhận 70 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Washington. Trước đó, nhà chức trách Hạt King đã mua một nhà nghỉ trị giá 4 triệu USD để làm khu cách ly người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Phần lớn các trường hợp nhiễm Covid-19 được cho là liên quan đến Life Care Center, sau khi chính quyền địa phương công bố hai ca nhiễm đầu tiên ở đây. Sau khi một cụ già và một nhân viên tại viện dưỡng lão nhiễm bệnh, có thêm 27/108 cụ và 25/180 nhân viên bắt đầu xuất hiện triệu chứng của Covid-19.

Hết thời gian thăm người thân, Charlie dìu mẹ ra về.

Đến ngày 1/3, viện dưỡng lão báo cáo thêm 4 ca nhiễm mới, trong đó có một cụ ông 70 tuổi đã tử vong, trở thành người thứ hai trên toàn nước Mỹ thiệt mạng do Covid-19. Ông lão mất tại Bệnh viện Evergreen Health. Trước đó, nơi này từng tiếp nhận điều trị cho một người đàn ông hơn 50 tuổi, song ông đã qua đời. Người đàn ông này là bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ tử vong vì Covid-19.

Tính đến nay, đã có ít nhất 6 ca tử vong liên quan đến Life Care Center, trong đó có hai bệnh nhân vừa qua đời vào tuần trước, gồm một người đàn ông 50 tuổi qua đời tại bệnh viện ở Seattle, và một cụ bà 80 tuổi không hề nhập viện điều trị, mất tại nhà.

Các nhân viên y tế đưa bệnh nhân đi cấp cứu hôm 5/3.

Ellie Basham, giám đốc điều hành của Life Care Center, cho biết công tác chống dịch là thử thách cam go với tập thể dân cư và nhân viên tại viện dưỡng lão. Dù đã có người xuất hiện triệu chứng bệnh, nhưng trung tâm không được cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm. Do đó, họ phải trông cậy vào các cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương và CDC để xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh.

Mãi đến cuối tuần, Bonnie Holstad đến thăm chồng, ông Ken, mới hay tin viện dưỡng lão bị phong tỏa. Trước đó, không ai báo cho bà biết tin tức quan trọng này. Trong tin nhắn gửi đến người thân của cư dân sống tại viện dưỡng lão, ban quản lý chỉ nói rằng nhân viên ở đây phải mang khẩu trang vì có vài cụ già bị cảm lạnh. Đến khi biết tin viện dưỡng lão cấm người đến thăm, bà mới nhận được lời giải thích về các trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận.

Bà Bonnie Holstad lo lắng vì không nghe được tin tức của chồng.

Chồng của Holstad mắc bệnh Parkinson và đãng trí, lại mới ngã gãy xương hông, nhưng khi bà tìm đến nơi, y tá ở đây từ chối cho bà biết tình trạng của Ken. Suốt ngày 1/3, Holstad đứng chờ ngoài viện dưỡng lão nhưng chẳng thu được kết quả gì, gọi điện đến trung tâm thì không có người nghe. Khi bị tỏ thái độ gay gắt, y tá mới thông báo cho bà biết rằng ông Ken không bị sốt, cũng chẳng cần xét nghiệm vì không có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Mẹ của Bridget Parkhill cũng là một trong số những cụ già bị từ chối xét nghiệm Covid-19 vì “không xuất hiện triệu chứng bệnh” như sốt và suy hô hấp. Bà cụ 77 tuổi đã không khỏe suốt nhiều ngày, nhưng không được đưa đến bệnh viện hay làm kiểm tra chính vì lý do trên. Pat Herrick, con gái của một bà cụ 89 tuổi, luôn sống trong lo âu vì sợ mẹ sẽ nhiễm bệnh hoặc thậm chí mất mạng nếu virus lan ra khắp viện dưỡng lão.

Chia sẻ

Theo

Dailymail

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất