Vòng quanh Thế giới

Hành trình bảo vệ hàng chục triệu người khỏi Covid-19 của vaccine AstraZeneca

Theo The Guardian
Chia sẻ

Ngày 11/2/2020, các nhà khoa học của Đại học Oxford đã bắt tay để phát triển và sản xuất một loại vaccine chống lại virus gây Covid-19.

Đến nay, nghiên cứu của đội ngũ do Giáo sư Andy Pollard và Giáo sư Sarah Gilbert dẫn đầu đã đạt thành quả đáng kể. Loại vaccine mà họ kết hợp với AstraZeneca đã được sử dụng cho hàng triệu người trên khắp nước Anh cũng như các quốc gia khác.

Giáo sư Kate O’Brien,người đứng đầu bộ phận tiêm chủng, vaccine và sinh phẩm của WHO, cho biết loại vaccine này "có hiệu quả" và "quan trọng". Đây là sự công nhận đối với đội ngũ của Oxford nói chung, cũng như Gilbert và Pollard nói riêng, những người đã làm việc không ngừng nghỉ để cho ra đời loại vaccine giá thành hợp lý, dễ phân phối và bảo vệ nó trước nhiều lời công kích.

Giáo sư Sarah Gilbert và Giáo sư Andrew Pollard, những nhân vật chủ chốt trong quá trình phát triển vaccine Oxford AstraZeneca.

Dù phải đương đầu với những ý kiến nghi ngờ, thậm chí chỉ trích, nhưng nhóm nghiên cứu ở Oxford vẫn kiên trì làm công việc của mình và chứng minh bằng thành quả thực tế. Nhiều năm trước, Giáo sư Gilbert gây chú ý khi thành lập nhóm nghiên cứu thử nghiệm vaccine cho Ebola, và sau đó là hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), cũng có nguồn gốc từ virus corona.

Cuối năm 2019, những ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc). Giáo sư virus học người Thượng Hải Zhang Yongzhen đã giải mã cấu trúc di truyền của virus và công bố kết quả của mình trên internet. Dựa trên dữ liệu đó, Gilbert và các đồng nghiệp của cô lập tức bắt tay vào nghiên cứu một loại vaccine chống lại virus.

Tuy nhiên, họ nhận ra dịch bệnh này có phạm vi lớn hơn mình nghĩ rất nhiều, đồng nghĩa với việc cần những thử nghiệm quy mô hơn. Vì vậy, Gilbert đã tìm đến Pollard, một bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về việc điều hành các thử nghiệm vaccine tầm cỡ. "Rõ ràng là chúng ta sắp gặp phải một vấn đề lớn trên phạm vi toàn cầu, thứ sẽ thay đổi cuộc sống của nhân loại", Pollard nói.

Nhóm nghiên cứu ở Oxford đã thu thập một loại virus cảm cúm thường gặp ở tinh tinh và biến đổi để nó không lây nhiễm ở người. Sau đó, họ tiếp tục cải tạo virus để huấn luyện hệ thống miễn dịch của con người chống lại chúng. Cùng với sự hỗ trợ từ "gã khổng lồ" dược phẩm AstraZeneca, nhóm đã có thể sản xuất vaccine và bắt đầu thử nghiệm.

Và chính thời điểm này, nhóm đã trải qua một trong những quãng thời gian tồi tệ nhất. "Chỉ vài ngày sau khi tiêm chủng cho các tình nguyện viên, một trang tin tức 'lá cải' đã viết rằng người đầu tiên được chúng tôi tiêm vaccine đã chết", Pollard cho biết. "Đó là tin giả, nhưng tôi thấy mình có trách nhiệm với những tình nguyện viên. Nhóm phải liên hệ với các phương tiện truyền thông uy tín để nhờ họ nói lên sự thật".

Phong trào chống vaccine cũng gây trở ngại cho công việc của nhóm nghiên cứu. Đến tháng 12/2020, sau khi thu thập đủ dữ liệu trong các thử nghiệm Giai đoạn 3, vaccine của họ cuối cùng cũng được cơ quan quản lý Anh phê duyệt để sử dụng.

"Công việc này vốn khó khăn, và đến bây giờ vẫn thế. Nhưng nó tạo ra một thứ có ý nghĩa. Có rất nhiều người đã làm việc không ngừng nghỉ để vaccine được ra đời. Và chúng tôi làm điều đó cùng nhau", Gilbert nói. Khi các nhà nghiên cứu nhanh chóng thay đổi trong cách làm việc của họ để sản xuất vaccine, công chúng cũng dõi theo từng bước tiến với một góc nhìn khác.

Nói về tương lai mà vaccine sẽ mang lại cho chúng ta, cả Gilbert và Pollard đều tỏ ra lạc quan. "Chúng ta có thể sống chung với Covid-19 như những loại virus gây bệnh vặt thời thơ ấu. Tôi sẽ rất vui nếu có một ngày chủng virus này chỉ đủ làm mình bị cảm lạnh, miễn là chúng ta có thể ngăn mọi người chết vì nó", Pollard nói. "Tuy nhiên, nếu Covid-19 trở thành một dạng cúm, có thể chúng ta phải thường xuyên cải tiến vaccine để duy trì khả năng miễn dịch".

Xem thêm: Tại sao tiêm vaccine Covid-19 liều thứ 2 lại quan trọng?

Chia sẻ

Theo

The Guardian

Tin mới nhất