Vòng quanh Thế giới

Giải mã những điều kiêng kỵ ngày Tết của người châu Á

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Tuy đều đón chung không khí mừng vui của ngày Tết âm lịch, song mỗi quốc gia châu Á lại có những điều kiêng kỵ riêng để tránh xui rủi, mang lại may mắn và tài lộc cho năm mới.

Tết là dịp người người, nhà nhà sum vầy và nhớ về nguồn cội, quây quần bên người thân, bạn bè. Dịp khai xuân năm mới, ai cũng mong mình được may mắn, hạnh phúc và thuận lợi. Để chiêu tài rước lộc, cầu bình an, vui vẻ và khoẻ mạnh, tránh điềm không may, mỗi quốc gia châu Á lại có tập tục đặc trưng của riêng mình. 

Việt Nam

Vào ngày Tết, người Việt thường nhắc nhau giữ tâm bình khí hoà, không tỏ thái độ hằn học, nói những lời gay gắt, xúi quẩy, cãi nhau to tiếng hay khóc lóc với người xung quanh. Những ngôn ngữ, hành động nóng nảy ấy sẽ ảnh hưởng đến vận trình của cả một năm sau đó, khiến cả năm bạn đều bực dọc không vui. 

Ngoài ra, ông bà còn dặn con cháu không nên quét dọn nhà cửa ngày đầu năm, bởi nó sẽ "quét" luôn may mắn, tài lộc ra khỏi nhà. Ngay cả rác cũng không nên đem ra khỏi nhà trong thời gian này. Thay vào đó, chúng ta có thể tổng vệ sinh thật sạch sẽ trước khi mồng 1 đến để nghênh đón vận may. 

Cũng như kiêng lau dọn, tập tục cổ truyền của người Việt cũng khuyên chúng ta không nên... tắm ngày đầu năm để may mắn đừng "trôi" đi mất. Các gia đình càng không nên cho lửa hoặc nước vào dịp năm mới để tránh bị "tán lộc".

Bên cạnh đó, ngày Tết không nên mặc trang phục thuần trắng một màu vì đó là màu tượng trưng cho tang tóc trong văn hoá Việt. Những nhà có tang cũng không nên đi chúc Tết đầu năm, bởi văn hoá "xông đất" của người Việt Nam rất kỵ điều này. 

Khi đến nhà chúc Tết mà gia chủ đang ngủ, đừng cố đánh thức họ. Không chỉ khách khứa, người thân trong nhà cũng đừng gọi nhau dậy trong ngày đầu năm mà hãy để họ được ngủ thoải mái. Nếu không, người bị đánh thức sẽ phải chịu cảnh bị giục giã, hối thúc suốt cả năm.

Người Việt cũng cố tránh làm vỡ đồ đạc để không rơi vào cảnh đổ vỡ, chia lìa; không động kim chỉ để tránh vất vả cả năm; không vay mượn nhằm "né" vận túng thiếu đeo bám; không xuất hành ngày mồng 5. Ngoài ra, ông bà cũng dặn chúng ta không nên ăn các món "xui" trong năm mới, ví dụ như thịt chó, mực, thịt vịt,...

Trung Quốc

Ngày Tết, người Trung Quốc thường chuẩn bị một mâm thức ăn thịnh soạn để cúng tổ tiên. Mỗi một năm trong lịch của người Trung ứng với một con vật, nên vào năm của con vật nào thì họ sẽ tránh giết thịt con vật đó vào dịp Tết. 

Người ở đất nước tỷ dân đặc biệt kỵ việc cắt tóc, gội đầu vào năm mới. Trong tiếng Trung, "tóc" đồng âm với chữ "phát" trong "phát tài", do đó, nếu động chạm đến tóc trong ngày Tết, họ sẽ cắt gọt hết những may mắn, lộc lá của bản thân. Người Trung Quốc cũng không giặt quần áo trong hai ngày đầu năm, bởi đây là thời điểm kỷ niệm ngày Thuỷ thần được sinh ra.

Cũng giống như Việt Nam, người dân xứ Trung kiêng quét nhà ngày Tết. Họ còn tránh chạm vào dao kéo, vừa để không gây thương tích, vừa "né" sự bất hạnh, nghèo khổ đeo bám gia đình. Để xua sự túng quẫn tránh xa, họ cũng không ăn cháo vào năm mới, bởi ngày xưa đây là món chỉ người nghèo mới ăn. 

Năm hết Tết đến, người dân Trung Quốc cũng tránh việc uống thuốc vào ngày đầu năm để không bị "ám quẻ" ốm đau. Vào lúc giao thừa, họ thường ném vỡ cốc uống thuốc với hy vọng cốc vỡ thì bệnh tật cũng tan biến theo. 

Người ở đất nước tỷ dân thường kiêng ăn thịt trong bữa đầu tiên của ngày mồng 1, vì đa số họ theo đạo Phật, mà đức Phật là người ăn chay. Họ làm vậy để thể hiện sự tôn kính với thần linh, cầu mong được phù hộ trong năm mới.

Hàn Quốc

Dịp đầu năm mới, người Hàn thường tránh tặng giày cho nhau, vì nó tượng trưng cho sự chia cắt, ly biệt. Khi nhận được món quà này trong ngày Tết, họ sẽ gửi lại một khoản tiền nho nhỏ làm vật trao đổi để tránh điềm xui.

Vào đêm giao thừa, người Hàn dặn nhau không được ngủ. Theo truyền thuyết, nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi, đầu óc cũng trở nên kém minh mẫn.

Nhật Bản

Cũng tương tự như văn hoá Trung Quốc và Việt Nam, người Nhật Bản kiêng lau dọn dịp đầu năm. Khi vị thần năm mới đến thăm nhà, họ sẽ đem theo may mắn và điềm tốt lành, nhưng việc quét dọn sẽ xua vận đỏ đi mất. Vì thế, trong suốt 3 ngày Tết, người Nhật không quét tước, dọn dẹp hay thậm chí phơi chăn để đón phúc lộc. Các công việc lau chùi cần dùng đến nước cũng phải kiêng hết.

Người Nhật càng phát huy tính tình điềm đạm, nhỏ nhẹ sẵn có vào dịp Tết. Họ kìm nén bản thân để không phát sinh tranh cãi, to tiếng hoặc xô xát để tránh vận rủi đeo bám cả năm. 

Năm mới xuân về, người dân xứ sở hoa anh đào cũng không dùng dao kéo. Trong quan niệm của họ, hành động "cắt" tương ứng với cắt duyên, không có lợi cho các mối quan hệ. Thêm vào đó, nếu chẳng may làm tay bị thương thì sức khoẻ của người đó sẽ gặp vấn đề.

Ngày đầu tiên của năm mới, người Nhật chỉ đem tiền quyên cho đền chùa làm công đức chứ không dùng vào việc khác. Theo tập tục truyền thống, dùng tiền "thả ga" vào ngày mồng 1 sẽ khiến họ "vung tay quá trán" và chẳng tiết kiệm được bao nhiêu trong suốt quãng thời gian còn lại của năm. Thay vào đó, họ sẽ dùng tiền để mua sắm vào ngày mồng 2.

Campuchia

Với hơn 90% dân số theo đạo Phật, các điều kiêng kỵ của người dân Campuchia chủ yếu xoay quanh việc thăm viếng chùa chiền. Khi vào chùa, không ai được đội mũ hay mang giày. Hơn nữa, họ không được gây ồn ào, đứng gần hoặc chạm vào các nhà sư. Khi muốn chụp ảnh một sư thầy nào đó, người dân cần phải xin phép để tỏ lòng tôn trọng. Tất cả những phong tục trên đều nhằm thể hiện sự tôn kính với thần phật và cầu mong may mắn cho năm mới.

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất