Vòng quanh Thế giới

Gần 800.000 người nhiễm COVID-19 toàn cầu, Mỹ thêm hơn 18.000 ca sau 24 giờ

Linh Chi
Chia sẻ

Ngày 31/3, thế giới ghi nhận gần 800.000 ca nhiễm COVID-19, gần 38.000 người tử vong. Trong đó, số ca tử vong tại Mỹ tăng mạnh.

Ngày 31/3, thế giới ghi nhận 782.034 ca nhiễm COVID-19 và 37.638 người tử vong. Trong đó, Italy là nước báo cáo số ca tử vong lớn nhất.

Cụ thể, Italy phát hiện thêm 4.050 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc lên 101.739. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 17/3. Số ca tử vong được ghi nhận tại quốc gia này là 11.591, tăng 812 người. Thống kê được cơ quan bảo vệ dân sự Italy công bố. Viện Y tế Quốc gia Italy cho biết, độ tuổi trung bình của người tử vong là 78,5, với nạn nhân trẻ nhất 31 tuổi và già nhất 103 tuổi.

Chính phủ Italy ngày 30/3 cho biết sẽ gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc ít nhất đến Lễ phục sinh vào tháng 4 (12/4).

Gần 800.000 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. Ảnh: AFP

Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới khi ghi nhận thêm 18.089 ca nhiễm và 412 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lần lượt lên 161.580 và 2.995. Theo đó, New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 66.497 ca nhiễm; 1.218 người tử vong.

Tại Anh, số liệu chính thức được công bố ngày 30/3 cho thấy, tổng cộng có 22.141 ca nhiễm, 1.408 người tử vong. Một cố vấn khoa học của chính phủ Anh, Patrick Vallance, nhận định lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố hồi tuần trước đã kiềm chặt tốc độ lây lan của virus corona tại nước này. Vị cố vấn của chính phủ Anh cho biết, có khả năng khoảng 3% đã bị nhiễm bệnh nhưng nhiều người không có biểu hiện triệu chứng nào.

Theo trang web thống kê Worldometers, Tây Ban Nha hiện có 7.716 ca tử vong vì COVID-19, chỉ thấp hơn Ý. Quốc gia này xác nhận thêm 7.846 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc lên 87.956. Trong đó, Thủ đô Madrid và vùng Catalonia là hai địa phương có số người tử vong cao nhất Tây Ban Nha, lần lượt là 3.392 và 1.410.

Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3, cấm mọi người ra khỏi nhà trừ đi làm, mua thực phẩm hoặc thuốc men, chăm sóc người thân bị bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez hôm 28/3 công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa, buộc những người lao động ở các lĩnh vực không thiết yếu phải ở nhà trong 14 ngày tới

Đức ghi nhận thêm 4.450 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc tại quốc gia này lên 66.885. Con số tử vong hiện là 645. Đức hiện là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha.

Ngày 30/3, một người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel có kết quả âm tính với COVID-19 lần ba. Bà Merkel tự cách ly và làm việc từ xa vào ngày 20/3 sau khi gặp một bác sĩ nhiễm bệnh COVID-19.

Theo AFP, Pháp đã trở thành quốc gia thứ tư có số người chết vì COVID-19 vượt mốc 3.000 người, sau Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ý. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp là 3.024; 5.107 bệnh nhân trong tình trạng nặng cần hỗ trợ duy trì sự sống.

Iran ghi nhận thêm 3.186 ca nhiễm và 117 trường hợp tử vong, nâng tổng số người mắc và tử vong lần lượt lên 41.495 và 2.757 - là vùng dịch lớn thứ hai châu Á.

COVID-19 đã xuất hiện tại toàn bộ 11 quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.626 ca nhiễm và 37 người tử vong.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi

Tin mới nhất