Vòng quanh Thế giới

Chia sẻ cảm động của nữ bác sĩ có chồng bị nhiễm virus corona tại Vũ Hán

Thanh Vân
Chia sẻ

Ngay trong ngày sinh nhật vội vàng tại bệnh viện, Dong Fang sững sờ khi hay tin chồng cô, một bác sĩ tại bệnh viện khác, đã bị nhiễm virus corona.

Đã nhiều ngày qua, Dong Fang, một bác sĩ tại Bệnh viện số 3 thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) không sao chợp mắt được dù chỉ trong chốc lát. Số ca nhiễm virus trong thành phố ngày càng gia tăng, mà đội ngũ y bác sĩ thì đã thấm mệt do trường kỳ làm việc không ngơi nghỉ. Suốt cả tuần nay, cô buộc lòng phải dùng đến thuốc ngủ để ru mình vào giấc, tranh thủ hồi sức để tiếp tục ứng phó với dịch bệnh.

Kể cả khi ý thức không mấy tỉnh táo, trong lòng nữ bác sĩ 39 tuổi vẫn canh cánh nỗi lo. Giường cho bệnh nhân lại thiếu, phải làm sao? Cấp dưới không đủ trang bị bảo hộ, biết làm thế nào? Cả chồng của cô nữa, anh là một bác sĩ bị lây bệnh trong lúc làm việc, liệu sức khỏe có khá hơn chăng? Công tác bận rộn dường như tách hai vợ chồng ra hai thế giới riêng biệt, thế nên khi Dong hay tin chồng bị nhiễm virus, anh đã được chuyển đến phòng điều trị cách ly tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.

Dong Fang công tác tại Bệnh viện số 3, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Ngày 19/1 năm nay có lẽ là sinh nhật khiến Dong thấp thỏm nhất trong đời. Cầm trên tay chiếc bánh kem chồng gửi đến mừng sinh nhật, niềm hạnh phúc ngọt ngào của cô chưa giữ được bao lâu thì đã tan biến khi nghe anh báo tin mình nhiễm virus. “Chồng tôi nói anh ấy bị lây bệnh từ hôm trước. Lẽ ra anh định về nhà mừng sinh nhật cùng tôi, ngờ đâu lại xảy ra cớ sự này”, cô nức nở.

Bị guồng quay công việc cuốn lấy, lại thêm tình hình dịch bệnh phức tạp nên hai người không dám ở cùng con trai, đành gửi bé cho ông bà chăm sóc. Tối hôm ấy, Dong lặng lẽ ngồi bên bàn ăn bánh kem, rủ rỉ trò chuyện video cùng chồng. Tình thế gấp rút nơi tiền tuyến khiến nữ bác sĩ không có lấy một cơ hội ghé thăm chồng, cô luôn bận bịu chữa trị cho bệnh nhân tại bệnh viện của mình, có khi phải làm việc suốt 72 tiếng không ngừng nghỉ.

Cuối tháng 1, virus corona ở Vũ Hán càng lúc càng hoành hành dữ dội. Ngay khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, nười dân thành phố đã lập tức đến bệnh viện thăm khám. Sự hoảng loạn lan rộng trong toàn dân, đến nỗi dù đã biết không còn giường trống, nhiều người vẫn kiên quyết ở lại bệnh viện để được điều trị chứ không về nhà.

“Càng nhiều người tập trung tại bệnh viện, virus càng dễ lây lan. Những người có triệu chứng nhẹ nên ở nhà để theo dõi tình hình sức khỏe sẽ an toàn hơn. Tôi thực sự hy vọng mọi người hiểu điều này”, Dong nói. Đến ngày 7/2, gần như tất cả các bệnh viện điều trị virus corona trong thành phố đã đầy người hoặc thậm chí quá tải. Với chỉ 6600 giường, song bệnh viện phải chuẩn bị tinh thần tiếp nhận lượng bệnh nhân lên đến 7000 người trên toàn tỉnh Hồ Bắc, chưa tính số trường hợp nghi ngờ bị lây nhiễm.

Chiếc bánh mừng sinh nhật cô nhận được từ chồng.

“Giờ đây, chúng ta có thể suy xét đến phương pháp tư vấn trên mạng. Các bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân cách xử lý các triệu chứng nhẹ tại nhà, từ đó chuẩn bị đủ giường trống để tiếp nhận các ca khẩn cấp. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh tại Vũ Hán cần cập nhật công nghệ, thiết lập một hệ thống trực tuyến để thông báo cho bệnh nhân về số giường của mỗi bệnh viện”, cô nói.

Là một thành viên trong ban lãnh đạo của khoa, Dong thường xuyên mất ngủ vì lo lắng vấn đề thiếu vật tư. Nhiều đêm, nữ bác sĩ trằn trọc đến tận 2h sáng mà vẫn không yên lòng. Sự thiếu thốn này càng khiến khả năng tấn công của virus tăng mạnh, mà thời gian lại không cho phép họ kéo dài. Dù không hiểu rõ trọng trách mà bố mẹ gánh trên vai, nhưng hai cậu con trai 4 và 10 tuổi của Dong vẫn ủng hộ cô hết mình. Con trai nhỏ của Dong nói: “Con nhớ mẹ lắm. Con biết mẹ đang điều trị cho bệnh nhân, nên con sẽ tự chăm sóc bản thân, không để mẹ phải lo lắng. Sau này lớn lên, con nhất định sẽ làm bác sĩ. Mẹ ơi cố lên nào, Vũ Hán cố lên!” 

Dong nghẹn ngào: “Thằng bé không biết bố đang mắc bệnh nghiêm trọng. Phổi của chồng tôi bị tổn thương, anh ấy phải dùng máy thở oxy. Tôi không dám chắc căn bệnh này sẽ không để lại di chứng cho anh”. Ngày 23/1, đêm trước giao thừa, Dong òa khóc nức nở vì áp lực trong căn nhà vắng hơi người. Từ đó, cô luôn nghỉ ngơi tại bệnh viện để trốn tránh cảm giác cô đơn. “Trước đây, dù có đối mặt với virus tôi cũng chưa từng sợ hãi, vì tôi biết luôn có chồng bên cạnh. Thế nhưng, giờ anh đã phải lui khỏi trận chiến vì loại virus quái ác đó. Hiện tại tôi chỉ cầu mong mọi chuyện được yên ổn”, cô chia sẻ.

Chia sẻ

Bài viết

Thanh Vân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất