Vòng quanh Thế giới

Chân dung Thái tử nối ngôi Nhật hoàng Akihito: Vị vua tương lai gần gũi với quốc dân

Minh Kiên
Chia sẻ

Trong hơn 30 năm qua, Thái tử Naruhito, người kế vị Thiên hoàng Akihito, liên tục bày tỏ tầm nhìn về một vị vua lý tưởng: "một người có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dân và luôn gần gũi với họ trong tâm tưởng".

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nhật, sau 217 năm, có một Nhật hoàng sẽ thoái vị thay vì phục vụ cho tới khi qua đời. Đó chính là Nhật hoàng Akihito. Ông sẽ nhường ngôi lại cho con trai là Thái tử Naruhito.

Nhật hoàng Akihito tại lễ đăng cơ năm 1990. Ảnh: Asahi Shimbun

Naruhito sinh ngày 23/2/1960, tên của ông trong tiếng Nhật được tạo thành từ hai chữ Hán theo tư tưởng Khổng tử có nghĩa là “người nhận khí chất từ trời cao”. Ngay từ khi còn nhỏ, Thái tử Naruhito đã được cha định hướng trở thành một con người hiện đại, đủ phù hợp để theo kịp với vị trí Nhật hoàng trong bối cảnh Nhật Bản đang không ngừng phát triển mỗi ngày.

Khác hẳn với ông cha đi trước là con cháu trong hoàng gia sẽ được vú nuôi chăm sóc, Thái tử Naruhito cùng anh em của mình lại được chính mẹ đẻ trực tiếp nuôi dạy trong những tháng năm đầu đời.

Đến tuổi đi học, ông theo học tại Gakushuin, hệ thống trường học các cấp từ mầm non đến đại học, dành riêng cho các thành viên gia đình quý tộc. Sau khi kết thúc chương trình học đại học chuyên ngành lịch sử của Đại học Gakushuin, Thái tử Naruhito tiếp tục lên đường đi học tập tại nước ngoài, ông học thạc sĩ tại trường Merton, Đại học Oxford.

Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako.

Thái tử Naruhito từ lâu đã là người ủng hộ toàn cầu về nước sạch, trong quá trình theo học tại Oxford, Naruhito từng nghiên cứu về vận tải đường thủy thời Trung cổ ở nước Anh. Đại học Oxford trao bằng danh dự tiến sĩ luật cho Naruhito vào năm 1991. Ông cũng là một nhà nghiên cứu tại bảo tàng lịch sử Đại học Gakushuin từ năm 1992 và thường có những bài giảng tại trường nữ sinh Gakushuin. Năm 2007, ông được chỉ định là chủ tịch danh dự cho Ban cố vấn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Nước và Vệ sinh.

Mặc dù mục tiêu ban đầu của Thái tử Nhật Bản là sẽ kết hôn trước 30 tuổi nhưng phải sau đó 3 năm, nghĩa là vào năm 1993, ông mới kết hôn với bà Masako Owada, cũng là một người tài hoa, giỏi giang thông thạo nhiều ngoại ngữ khác nhau, lớn lên tại Moskva và New York. Phải qua 3 lần cầu hôn thì Thái tử Naruhito mới được bà Masako Owada đồng ý, và tất nhiên, kết hôn với Thái tử Nhật Bản cũng đồng nghĩa với việc bà Masako phải gác lại sự nghiệp đang rộng mở trước mắt để về vun đắp cho cuộc sống gia đình. Hai người kết hôn vào ngày 9/6/1993 và tháng 12/2001, Thái tử phi Masako hạ sinh Công chúa Aiko.

Trong hơn 30 năm qua, Thái tử Naruhito liên tục bày tỏ tầm nhìn về một vị vua lý tưởng: “một người có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dân và luôn gần gũi với họ trong tâm tưởng”.

Trong chuyến thăm Đan Mạch vào năm 2017, Thái tử Naruhito khiến dư luận bất ngờ với hành động chưa từng có tiền lệ là chụp ảnh selfie với người qua đường. Tháng 6/2018, ông chạy bộ cùng cô Misato Michishita, vận động viên marathon đoạt huy chương bạc trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympics 2016 cùng một số người khác trong vườn thượng uyển Akasaka ở thủ đô Tokyo.

Ông và Thái tử phi Masako thường đến thăm nạn nhân chịu ảnh hưởng từ các thảm họa thiên tai. Tháng 6/2011, 3 tháng sau khi động đất và sóng thần tàn phá vùng Tohoku, hai người đã đến thăm Miyagi, một trong ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những tháng tiếp theo, Thái tử và Thái tử phi đến thăm hai tỉnh chịu ảnh hưởng khác là Fukushima và Iwate. Sau đó, gần như năm nào họ cũng thăm lại vùng Tohoku, theo Japantimes.

Ngày 1/5, Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi thừa kế ngai vàng Hoa Cúc, chính thức khép lại triều đại Heisei (Bình Thành) và mở ra một triều đại mới với tên gọi là Reiwa (Lệnh Hòa).

Thái tử Naruhito hứa hẹn cố gắng làm việc để thay đổi cách gia đình hoàng gia Nhật Bản hoạt động và bày tỏ mục tiêu mong muốn trong triều đại của mình là sẽ mang lại “một làn gió mới” với ngai vàng Hoa Cúc.

Naruhito ông chỉ là Nhật hoàng đầu tiên chào đời sau Thế chiến 2, Nhật hoàng đầu tiên được cha mẹ đích thân nuôi dạy mà còn là vị quân chủ đầu tiên của Nhật Bản du học ở nước ngoài. Và vì chỉ có một cô con gái nên Naruhito cũng là Nhật hoàng đầu tiên trong thời hiện đại không có con trai nối ngôi.

Lễ đăng quang chính thức của Nhật hoàng Naruhito sẽ diễn ra vào tháng 10 tới, một sự kiện có sự hiện diện của nguyên thủ 195 quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ

Bài viết

Minh Kiên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất