Vòng quanh Thế giới

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA

Phương An
Chia sẻ

Giải thưởng lớn nhất của VinFuture trị giá 3 triệu USD được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman, Pieter Cullis với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra vaccine Covid-19 và cứu sống hàng triệu người trên thế giới.

Tối 20/1, lễ trao Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học tên tuổi trên thế giới. 

Sự kiện không chỉ trở thành tâm điểm của giới khoa học trên toàn cầu mà còn góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới. Đồng thời tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam. 
 

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA Ảnh 1
Giải thưởng lớn nhất của VinFuture trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada).

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa, phòng chống COVID-19. Vaccine được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch COVID-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học - những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. 

Tại buổi lễ, giải thưởng chính 3 triệu USD đã được trao cho 3 nhà khoa học gồm Tiến sĩ Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người". 

Công nghệ mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid, giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể, đồng thời không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ. 

Dựa trên khám phá của nhà khoa học Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của nhà khoa học Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine ngừa Covid-19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục. 

Kết quả, hàng tỷ người trên thế giới đã được hưởng thụ thành quả của nghiên cứu này, được bảo vệ trước virus. Cũng chính vì vậy, nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới không bị chìm sâu trong khủng hoảng vì đại dịch.

Giáo sư Katalin Kariko

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA Ảnh 2
Giáo sư Katalin Kariko.

Giáo sư Katalin Karikó sinh năm 1955 trong một gia đình làm nghề bán thịt ở Kisújszállás, một thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía đông. Tình yêu toán học và khoa học của bà bắt nguồn từ chính những bài giảng của các giáo viên tại ngôi trường địa phương mà bà theo học.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Karikó đăng ký vào Đại học Szeged. Bà theo học chuyên ngành hóa sinh và hoàn thành khóa học tương đương trình độ Thạc sĩ vào năm 1978.  

Karikó nhận học bổng Tiến sĩ khi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh học Szeged (BRC) của Học viện Khoa học Hungary. Bà nhận bằng Tiến sĩ năm 1982 tại Đại học Szeged.

Karikó bắt đầu làm việc tại Đại học Pennsylvania, thành phố Philadelphia năm 1989, tập trung nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm.

Giáo sư Katalin Kariko và Giáo sư Drew Weissman đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vắc xin mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer-BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vắc xin của họ.

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA Ảnh 3

Nghiên cứu mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. Hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể có khả năng nhận ra sự hiện diện đột ngột của RNA ngoại lai và phản ứng như thể đó là một cuộc tấn công của virus thực sự.  

Nghiên cứu năm 2004-2005 của Tiến sĩ Kariko và các cộng sự đảm bảo rằng RNA đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc các tác dụng phụ.  

Giáo sư Katalin Kariko từng đảm nhiệm chức Phó chủ tịch của BioNTech RNA Pharmaceuticals trong giai đoạn từ năm 2013-2019 và hiện là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech RNA Pharmaceuticals. 

Bà còn là đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của RNARx - một công ty về hoá sinh học thành lập năm 2006 tại Mỹ. Ngoài ra, vị giáo sư này vẫn tham gia giảng dạy tại Đại học Pennsylvania, đồng thời có tên trong danh sách được đề nghị cho giải Nobel năm nay.

Giáo sư Drew Weissman

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA Ảnh 3
Giáo sư Drew Weissman.

Giáo sư Drew Weissman sinh năm 1958 là giáo sư y khoa tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ). Năm 1997, ông gặp giáo sư Katalin Kariko và cả hai đã sát cánh cùng nhau trong suốt 2 thập kỷ ở phòng thí nghiệm để biến ARN, vật liệu di truyền giúp cơ thể tạo ra protein, thành phương pháp điều trị bệnh.

Cả hai nhà khoa học Weissman và Karikó đều được trao Giải thưởng Rosenstiel 2020. Ngoài ra, giáo sư Weissman cũng được được trao bằng danh dự bởi Đại học Y khoa Đại học Drexel . Năm 2021, ông được trao Giải thưởng Hoàng tử xứ Asturias trong hạng mục "Nghiên cứu khoa học". 

Sau khi nhận giải thưởng, giáo sư Drew Weissman đã gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, các nhà sáng lập và các nhà khoa học đã sáng lập ra giải thưởng. Ông cũng nói rằng bản thân ông không phải là người nhận giải thưởng này mà là hàng nghìn nhà khoa học đi trước và đi sau ông, những người sẽ tiếp bước nghiên cứu và tạo ra nhiều phương pháp chữa bệnh mới. 

"Đây không phải là dấu chấm của tất cả mọi thứ mà nó mở ra một liệu pháp vaccine Covid-19 mới, những thế hệ vaccine mới với những căn bệnh khác nhau”, giáo sư Drew Weissman nói.

Giáo sư Pieter Cullis

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA Ảnh 4
Giáo sư Pieter Cullis.

Giáo sư Pieter Cullis sinh năm 1946, là một nhà vật lý và sinh hóa người Canada, được biết đến với những đóng góp trong lĩnh vực hạt nano lipid, góp phần tạo ra công nghệ mRNA. Ông Cullis nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học British Columbia và sau đó ông chuyển đến Đại học Oxford. 

Vào những năm 1980, ông thành lập phòng thí nghiệm của riêng mình tại Đại học British Columbia. Vị giáo sư này cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá khác nhau về khoa học.

Trước đó, chia sẻ tại buổi Giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng, Hội đồng sơ khảo VinFuture diễn ra sáng 18/01/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Almaz, Hà Nội, GS Albert P. Pisano nói: “Hiếm thấy một giải thưởng nào có thể ghi nhận công sức của các nhà khoa học từ khâu lên ý tưởng đến hiện thực hóa, trở thành các công trình có thể tác động tới hàng triệu người như VinFuture”.

Ngoài giải thưởng chính này còn có 3 giải đặc biệt khác, mỗi giải trị giá 500.000 USD bao gồm:

- Giải cho nhà khoa học từ nước đang phát triển: Trao cho hai vợ chồng nhà khoa học Nam Phi là bà Salim Abdool Karim và ông Quarraisha Abdool Karim, với phát minh gel có chứa dược chất tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. 

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA Ảnh 5
Hai vợ chồng nhà khoa học Nam Phi là bà Salim Abdool Karim và ông Quarraisha Abdool Karim.

- Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ: Trao cho Giáo sư Zhenan Bao (người Mỹ gốc Trung) với nghiên cứu "Sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt được ứng dụng trong các ứng dụng bề mặt sinh học và cảm biến”.

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA Ảnh 6
Giáo sư Zhenan Bao.

- Giải đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới”: Trao cho Giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs). 

Chân dung 3 nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture triệu đô: Tác giả công nghệ gốc vaccine mRNA Ảnh 7
Giáo sư Omar Yaghi.
Chia sẻ

Bài viết

Phương An

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất