Vòng quanh Thế giới

Bên trong quốc gia phủ nhận sự tồn tại của Covid-19

Theo zing
Chia sẻ

Tanzania - quốc gia phủ nhận sự tồn tại của Covid-19 trong suốt thời gian dài - cho thấy bức tranh khác về những mất mát bị che giấu trong đại dịch.

Tại nghĩa địa Kondo ở Dar es Salaam, Tanzania, các tình nguyện viên giấu mặt đang đào hố và chặt cây để mở rộng khu vực có kích thước đã tăng gấp ba lần kể từ dịch bùng phát.

Nhiều người bốc mộ cho biết những người được chôn cất ở đây từ năm ngoái đều có một điểm chung: Tất cả đều chết vì Covid-19, nhưng không ai được chính thức ghi nhận là đã nhiễm virus. Họ chỉ biết điều này thông qua cuộc nói chuyện với gia đình nạn nhân và các quan chức từ thành phố.

“Đây là một trong những nghĩa trang của chính phủ cho nạn nhân Covid-19, nhưng chúng tôi không được phép gọi nó như vậy”, Ali Salum, một người làm việc ở đó cho biết. "Chúng tôi từng chôn cất một tuần một lần (trước đại dịch), nhưng trong năm qua, chúng tôi đã chôn cất một ngày một lần".

Bất chấp cả thế giới khốn đốn vì đại dịch, Tanzania, quốc gia nổi tiếng với đường bờ biển xanh như ngọc, vẫn phủ nhận sự tồn tại của Covid-19. Điều này là manh mối cho thấy những mất mát do Covid-19 gây ra có thể vẫn bị che giấu, theo Wall Street Journal.

Khoảng cách dữ liệu

Nghiên cứu gần đây của Economist ước tính 17 triệu người trên toàn thế giới đã chết vì Covid-19, gấp hơn ba lần so với con số chính thức hiện nay.

Việc Tanzania từ chối thu thập dữ liệu các ca mắc là ví dụ điển hình nhất cho thấy nhiều nước châu Phi đang che giấu số người chết vì Covid-19. Hiện rất ít quốc gia tại khu vực này cung cấp số liệu chính xác về trường hợp mắc và tử vong trong đại dịch.

Liên Hợp Quốc cho biết chỉ có hơn một nửa quốc gia ở châu Phi lưu giữ hồ sơ tử vong viết tay và 14 nước trong số đó chỉ ghi nhận lại 10% tổng số ca tử vong.

Theo Wall Street Journal, số liệu chính thức cho thấy chỉ có 220.000 người chết do Covid-19 tại lục địa có tổng dân số 1,3 tỷ người. Trong khi đó, Mỹ, nước có dân số 330 triệu người với tỷ lệ tiêm chủng hơn 58%, đã ghi nhận tới hơn 750.000 ca tử vong.

Các nhà khoa học cho biết khoảng cách giữa số người chết vì Covid-19 được ghi nhận chính thức và trên thực tế tại châu Phi có thể nghiêm trọng nhất thế giới.

Tại Tanzania, trong khi số người chết được báo cáo là 724 người, nghiên cứu của Economist ước tính số ca tử vong bất thường lên đến 69.000 người kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Người dân tại một chợ cá ở thành phố Dar es Salaam, Tanzania. Ảnh: Wall Street Journal.

Tại các quốc gia khác, những nghĩa địa và hố chôn người cũng đang cho thấy bức tranh khác so với dữ liệu chính thức. Ở thủ đô Kampala của Uganda, người làm việc tại nghĩa trang Bukasa cho biết số người chết được chôn cất trong ngày đã tăng từ 6 lên 30 người kể từ năm ngoái.

Trong một nghiên cứu gần đây tại nhà xác của thủ đô Lusaka, Zambia, virus corona đã được tìm thấy trên 87% thi thể vào tháng 6.

“Đất nước không Covid-19”

Vào tháng 4/2020, trước một sự kiện được truyền hình trực tiếp trên khắp cả nước, Tổng thống Tanzania lúc đó John Magufuli tuyên bố: "Tanzania hiện là đất nước không Covid-19".

Trong những tuần sau đó, ông Magufuli đã từ bỏ chính sách phòng chống dịch và giải tán nhóm phản ứng Covid-19 của Bộ Y tế được thành lập với sự tham vấn của WHO.

Quốc gia Đông Phi từ chối thực thi các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh được khuyến cáo và khẳng định chắc nịch là virus SARS-CoV-2 đã được ngăn chặn ở Tanzania bằng những lời cầu nguyện.

Vào tháng 5/2020, hàng nghìn người đã đổ vào một sân vận động ở Dar es Salaam để tham gia lễ hội trong khi cách đó vài km, ở vùng ngoại ô rộng lớn của Tabata, virus đang hoành hành.

Richard Manongo, một đầu bếp 36 tuổi, cho biết anh đã mất đi 4 người thân và suýt chết chỉ trong 3 tuần.

“Khi họ qua đời, chính quyền đến vào ban đêm và đưa các thi thể đi. Trên giấy chứng tử viết họ bị 'viêm phổi cấp tính'’’, anh cho biết.

Chính phủ Tanzania đã cấm các bác sĩ báo cáo Covid-19 là nguyên nhân gây tử vong và gọi những người đeo khẩu trang là không yêu nước. Nước này thậm chí còn từng từ chối tiếp nhận vaccine.

Một người làm quan tài cho biết sau khi dịch bùng phát, ông đã bán 7-8 chiếc mỗi ngày, thay vì 2-3 chiếc như bình thường. Ảnh: Wall Street Journal.

Và điều đó đã dẫn đến hậu quả vượt ra ngoài biên giới. Những ngày sau khi ông Magufuli tuyên bố virus bị loại bỏ, các quan chức ở nước láng giềng Uganda bắt đầu nhận thấy số ca mắc tăng vọt từ các tài xế xe tải ở Tanzania.

Năm ngoái, chỉ trong ngày 15/5, cứ 43 người có kết quả xét nghiệm dương tính ở nước này thì một người là lái xe tải từ Tanzania. Uganda sau đó đã buộc phải đóng cửa biên giới.

Quá sợ hãi để nói ra

Tại bệnh viện ở Dar es Salaam, các bác sĩ phải vật lộn điều trị cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh mà chính phủ cho rằng không còn tồn tại.

“Từ Covid-19 không được phép sử dụng”, một bác sĩ tại Bệnh viện Quốc gia Muhimbili, bệnh viện lớn nhất của Tanzania cho biết.

Kể từ tháng 6/2020, ông Magufuli xác nhận chính phủ đã ngừng cập nhật dữ liệu ca mắc và tử vong vì Covid-19 từ tháng trước, nói rằng điều này đang “thúc đẩy sự hoảng loạn trong công chúng”.

Sang tháng 7, khi hàng nghìn tài khoản trên mạng xã hội Tanzania đăng video về các cuộc chôn cất bí mật của chính phủ vào ban đêm, ông Magufuli đã thông qua quy định mới để kiểm soát việc đưa tin về đại dịch. Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào đăng về Covid-19 sẽ bị phạt tối thiểu là 1.800 USD hoặc đối mặt với án tù tối thiểu là một năm.

Hậu quả của việc phủ nhận Covid-19 là vào đầu năm nay, 6 chính trị gia cấp cao, bao gồm các thành viên trong nội các của ông Magufuli cùng một số tướng lĩnh hàng đầu, đã liên tiếp mất mạng vì căn bệnh mà chính phủ gọi là bệnh hô hấp.

Vào ngày 17/3, vị tổng thống Tanzania 61 tuổi cũng đột ngột qua đời sau 2 tuần vắng mặt bí ẩn. Chính phủ nước này cho biết ông chết vì bệnh tim nhưng một số quan chức cấp cao và các nhà lãnh đạo đối lập ở Tanzania cho biết ông Magufuli mắc Covid-19.

Với việc đồng minh của cố tổng thống vẫn đang điều hành cơ quan tình báo và an ninh, các bác sĩ và quan chức quản lý chính sách của ông Magufuli cho hay họ quá sợ hãi khi công bố điều này.

Người kế nhiệm ông Magufuli, Samia Suluhu Hassan, sau đó đã phối hợp với các cơ quan quốc tế và lên kế hoạch triển khai tiêm chủng. Nhưng trước sự hoài nghi về vaccine ngày càng lan rộng, đến nay mới chỉ có 1,6% dân số Tanzania được tiêm vaccine.

Nhiều người dân vẫn tin vào những biện pháp điều trị mà Bộ Y tế Tanzania đưa ra thời ông Magufuli.

Tại Bệnh viện Kinondoni, cách Muhimbili khoảng 5 km, hàng trăm người bệnh từng xếp hàng dài để vào các phòng trị liệu xông hơi mà họ cho là sẽ loại bỏ được virus.

Một số người dân tin rằng các phòng trị liệu xông hơi sẽ giúp họ loại bỏ virus. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, đầu tháng 2, Bộ trưởng Y tế Dorothy Gwajima đã mở một cuộc họp báo giống như một buổi biểu diễn nấu ăn. Đứng cùng các đại biểu, bà uống loại sinh tố chứa gừng, tỏi và chanh để đảm bảo với công chúng rằng cách tốt nhất để đánh bại bệnh “viêm phổi cấp tính” là thông qua các biện pháp tự nhiên.

Trong khi đó, tại nghĩa địa Kondo, ông Ali Salum đang phát quang thêm cây cối để lấy chỗ chôn cất trước số lượng người chết ngày càng tăng lên.

“Khi chúng tôi nghe cựu tổng thống nói rằng không có Covid-19, chúng tôi cảm thấy thật kinh khủng”, ông nói. "Bao nhiêu người đã chết vì lời nói dối này?".

Chia sẻ

Theo

zing

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất