Thời trang

'Lão đại' Nike và những sáng kiến không tưởng!

V.
Chia sẻ

Bứt phá mọi lề lối thời trang, các nhà thiết kế đại tài của Nike đã làm gì khi nảy sinh nhiều ý tưởng dân dã, thậm chí hơi quái để sản sinh những "đứa con" kinh điển?

Nike Waffle Trainer

Nghe waffle là biết đang nói về bánh quế rồi đấy!

Mà thật, ai ngờ đâu Bill Bowerman đã nảy ra ý tưởng đổi mới sản phẩm giày dép bằng cách tạo ra các rãnh trên đế giày để tăng độ bám ổn định khi ông và vợ làm bánh quế cho bữa sáng?

Mẫu thiết kế giày chạy huyền thoại năm 1971 Nike Waffle Trainer đã ra đời “khó tưởng” nhờ khuôn làm bánh quế từ nhà phát minh kiêm nhà sáng lập của lão đại Nike. 3 năm sau, Bill Bowerman được cấp bằng sáng chế và hình mẫu “waffle” với những rãnh nhỏ trong đế đã ảnh hưởng vĩnh viễn lên nhiều thiết kế của Nike cho đến hiện tại.

Lão đại Nike và những sáng kiến không tưởng!

 

Air Jordan XI

Đông đảo ý kiến cho rằng Air Jordan XI ít nhiều lấy cảm hứng từ báo đen châu Phi, một loài vật mạnh mẽ hay chiếc xe thể thao thanh lịch nào đó, nhưng hoá ra chúng ta đều… nghĩ hơi xa.

Trông rất vô lý, làm sao tin được đôi Air Jordan XI có thiết kế hầm hố và tương lai như thế kia lại lấy ý tưởng từ máy cắt cỏ? Air Jordan XI là mẫu giày mà bất cứ người cuồng Nike nào cũng thèm muốn, chứ đừng nói tới phối màu “Bred” (Black/Red = Bred, bản phối đen đỏ cực hiếm và đắt tiền).

Tinker Hatfield - cha đẻ của Air Jordan XI, người nổi danh “phù thủy thiết kế” lại có cách nhìn sự vật rất khác lạ khi hợp tác cùng Nike. Tinker nói: “Đúng! Nó là máy cắt cỏ nhưng được thiết kế rất đẹp và góc cạnh, thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi tạo ra phiên bản thứ 11 của dòng giày Jordan”.

Ông chia sẻ thêm: “Với máy cắt cỏ, đôi lúc sẽ va chạm vào bờ vào hoặc tường nhà nên tôi muốn phần mép phải được làm chắc chắn. Phần trên ít bị hành hạ nên không thành vấn đề. Điều đó đã truyền cảm hứng cho lớp da trên Air Jordan XI, nó không chỉ sáng bóng mà còn rất cứng cáp, chống xước, mềm dẻo, lại không hề rạn nứt”.

Lão đại Nike và những sáng kiến không tưởng!

Tinker còn tiết lộ Michael Jordan - huyền thoại bóng rổ, đồng thời là người thúc đẩy sự thành công của dòng Nike's Air Jordan khi chiêm ngưỡng mẫu thiết kế này đã không kiềm chế được thích thú và thốt lên rằng: “Nó quá thú vị!”

Nike Roshe Run

Nếu bạn tìm hiểu về quy trình sản xuất, khâu thiết kế sản phẩm buộc phải đáp ứng nhiều điều kiện cần bạn sẽ biết nó nan giải thế nào. Với một nhà thiết kế, “All in one” (tất cả trong một) là cụm từ bất khả thi nhất. Dĩ nhiên Dylan Raasch đã gặp không ít khó khăn khi phải đáp ứng cả 3 yêu cầu:

- Một đôi giày có kiểu dáng đơn giản

- Phải thật bình dân, giá thành chỉ ở mức tối đa là $70

- Sử dụng cho mục đích luyện tập thể thao

Dylan đã phải tự hỏi rằng giải pháp nào cho một sản phẩm đáp ứng được mức giá bán lẻ là $70 khi hội tụ những yếu tố khó nhằn: giày đẹp, bắt mắt, thiết kế thuyết phục người mua. Vị trí của Dylan lúc ấy là thiết kế ra sản phẩm hợp dòng thời trang (Nike Sportswear Running) chứ không phải sản phẩm dành riêng biệt dành cho chạy bộ (Nike Running).

Dylan đang nhận một bài toán khó không đúng chuyên ngành của mình!

Vậy đâu là khởi nguồn ý tưởng của Dylan? Thật thú vị khi biết rằng Dylan đam mê với Thiền từ thuở nhỏ và khi trưởng thành, đó là một phần cuộc sống của anh. Ẩn chứa trong nguồn cảm hứng là sự tĩnh tâm và lấy sự đơn giản làm trục cân bằng.

Nguyên bản Nike Roshe Run được lấy từ khu vườn Thiền định theo kiến trúc Phật giáo.

Đôi giày nguyên bản đầu tiên có màu sắc được lấy cảm hứng khu vườn của nhà sư khi tập Thiền. Phần đế ngoài của Nike Roshe Run có hoạ tiết giống bánh waffle dù ban đầu Dylan đã sử dụng cảm hứng từ những phiến đá đặt cách nhau (stepping stone) trên đường đi trong khu vườn.

Đây là cách Nike Roshe Run được tạo ra.

Vào 2015, mẫu giày đã giúp Nike “đá chung sân” với ZX Flux của adidas. Vì tên gọi Roshes RunNike Roshe Run bị lầm tưởng là giày chạy và đã làm không ít người bị “sứt đầu mẻ trán”, sự thật phần đế phylon trần trụi không đủ độ bám để chạy đi đâu. Khoảng cuối năm 2016, Nike Roshe Run được đổi tên thành Roshe One.

Lão đại Nike và những sáng kiến không tưởng!

 

Nike Air Force 1

Là sự phối hợp mang tính cách mạng từ vẻ đẹp Nhà thờ Đức Bà ở Paris và chuyên cơ của tổng thống Mỹ.

Trong khi Tinker Hatfield lấy cảm hứng cho “cửa sổ” trong suốt của Nike Air Max 1 từ trung tâm Georges - Pompidou (Paris)…

Thì nhà thiết kế Bruce Kilgore lại tìm ra cách biến đôi “Không lực 1” (Nike Air Force 1) thành đôi giày thể thao với kết cấu ổn định nhờ công trình kiến trúc khác, cũng ở Paris.

Cái tên Air Force 1 lấy ý tưởng từ chuyên cơ dành cho tổng thống Mỹ. Ra mắt vào năm 1982, Air Force 1 nhanh chóng trở thành xu hướng mạnh mẽ từ khắp nơi trên thế giới. Đôi giày trắng có vẻ ngoài đơn giản lập tức sold out ngay ngày đầu tiên ra mắt.

Bạn hỏi tại sao ư? Vì nó mang trong mình tính cách mạng của giới sneaker. Có thể nói đây là mẫu thiết kế đầu tiên được kết hợp công nghệ. Nike Air Force 1 (AF1) tích hợp công nghệ “air”, một túi khí được bố trí bên trong đế giày để hấp thu lực khi tiếp đất, giảm chấn thương cho bàn chân.

Nike AF1 ban đầu được tạo ra với mục đích dành riêng cho người chơi bóng rổ, về sau nhờ sự ưu ái của các sao làng giải trí có tầm ảnh hưởng ưa thích, Nike AF1 được “hô biến” thành dòng giày thời trang.

Từ chàng CR7 xứ Bồ Đào Nha lừng lẫy…

Đến chủ nhân hit Crazy nổi danh một thời - CeeLo Green nổi bật và xuyệt tông với Nike AF1.

Jay - Z cũng rất thoải mái khi diện em trắng huyền thoại này.

Nike Foamposite One 

Phải, như bạn thấy, nó được sản sinh từ bao da đựng kính mắt.

Trong cuộc họp diễn ra năm 1997, nhà thiết kế của Nike - Eric Avar tình cờ trông thấy một bao da đựng kính mắt để trên bàn và điều đó đã tạo cảm hứng cho Nike Foamposite One ra đời, cũng trong thời điểm đó.

Nike Foamposite One là đôi giày hết sức kỳ lạ, ban đầu khi mang bạn sẽ cảm thấy không hề vừa vặn. Tuy nhiên, càng đi lâu, hơi nóng của bàn chân sẽ làm chất liệu “foamposite” (nguồn gốc là nhựa PU lỏng, sau đó được đúc trong khuôn để tạo nên chất liệu foamposite) giãn nở theo phom bàn chân.

Lão đại Nike và những sáng kiến không tưởng!

Nike Air Zoom Generation

Với hình mẫu là chiếc xe thể thao Hummer H2.

Khi thiết kế Nike Air Zoom Generation dành riêng cho siêu sao bóng rổ Lebron James, nhà thiết kế Eric Avar đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ chiếc Hummer H2.

Đôi giày có “bumper” (thanh cản nhô ra ở đầu xe hoặc đuôi xe) theo phong cách Hummer, tăng độ bền cho giày vì Lebron James nổi tiếng là một kẻ phá hoại, không thương tiếc gì giày dép. Ngoài ra, còn một câu chuyện khác khi James vẫn còn non trẻ và suýt nữa phá banh sự nghiệp của mình khi bị bắt gặp đang lái một chiếc Hummer H2 “đánh võng” trên đường phố Akron, Mỹ.

Lão đại Nike và những sáng kiến không tưởng!

 

Bạn mơ hồ hiểu vì sao những đôi giày “limited” của Nike lại đắt giá chưa? Không hẳn vì chúng dĩ nhiên được gắn mác phiên bản giới hạn, mà còn vì những câu chuyện thú vị phía sau!

Chia sẻ

Bài viết

V.

Tin mới nhất