Sức khỏe

Sau khi ăn cháo hải sản, cụ bà phải cấp cứu khẩn vì lý do bất ngờ

Tùng Nguyễn
Chia sẻ

Trong lúc ăn cháo hải sản, cụ bà tại TP HCM đã nuốt luôn dị vật vào bụng. Ngay sau đó bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cứu chữa kịp thời.

Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), nơi đây vừa liên tiếp cấp cứu bệnh nhân nuốt dị vật, gây tổn thương đường tiêu hóa, trong đó có cụ nuốt cả mảnh vỏ sò lớn.

Sau khi ăn cháo hải sản, cụ bà phải cấp cứu khẩn vì lý do bất ngờ Ảnh 1
Sau mổ, bà N. đã ổn định và đang được theo dõi sát tại bệnh viện.

Cụ thể, bệnh nhân tên là N.T.N. (86 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM). Trước đó, cụ bà ăn cháo hải sản, do không còn răng nên cụ bà chỉ có thể nuốt thức ăn mà không biết đã nuốt luôn cả vỏ sò.

Hai ngày sau, cụ N. đau lâm râm bụng dưới, được con đưa tới khám Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám vì nghi bị rối loạn tiêu hóa. Lúc khám cho cụ bà, các bác sĩ ghi nhận tình trạng viêm ruột.

Kết quả chụp CT-Scanner bụng để kiểm tra nguyên nhân khiến ruột bị viêm thì phát hiện có dị vật đâm xuyên ngang ruột non của cụ bà.

Dù bà N. có rất nhiều bệnh lý nền, nhưng trong tình thế cấp cứu nên không thể trì hoãn ca phẫu thuật. Nếu để dị vật di chuyển xuống và gây thủng ruột già thì tỷ lệ tử vong của bệnh nhân là rất cao.

Sau vài tiếng nhập viện, bà N. được chuyển vào phòng mổ. Các bác sĩ đã nội soi để thám sát vị trí và mở một đường nhỏ để lôi dị vật ra ngoài. Dị vật được lấy ra là hai mảnh vỏ sò có kích thước lên tới 5cm. Sau mổ, bà N. đã ổn định và đang được theo dõi sát tại bệnh viện.

Tiến sĩ, bác sĩ Mai Phan Tường Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết gần đây liên tiếp có nhiều trường hợp phải nhập viện do nuốt phải dị vật như tăm, xương cá, xương vịt, xác trà, vỏ sò, vỉ thuốc…

Thức ăn từ khi vào cho tới lúc đi hết ống tiêu hoá sẽ mất khoảng 4 ngày. Kể từ lúc nuốt vào, thức ăn sẽ còn nằm ở dạ dày khoảng 4 tiếng. Vị trí dễ bị dị vật xuyên thủng, nằm kẹt lại nhất chính là từ dạ dày ra ruột non và từ ruột non xuống ruột già. Nếu bệnh nhân tới bệnh viện sớm, có thể soi gắp dị vật ra.

Trong trường hợp muộn hơn thì sẽ được chỉ định chụp phim mỗi 6 tiếng để kiểm tra vị trí của dị vật, theo dõi và chờ dị vật ra ngoài theo đường tự nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi nếu thấy dị vật gây tổn thương, thủng, áp xe đường tiêu hóa thì bắt buộc phải phẫu thuật để xử trí.

Bác sĩ khuyến cáo, để tránh không nuốt các dị vật, người dân khi ăn cá nên lóc xương trước. Nếu ăn trái cây có hạt nên bổ ngang, vì khi bổ dọc hạt sẽ nằm song song với múi trái cây, khó phát hiện ra dị vật.

Chia sẻ

Bài viết

Tùng Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất