Sức khỏe

Những nước nào đang tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer?

Song Long
Chia sẻ

Một số quốc gia ở châu Âu đang khuyên những người trẻ tuổi tiêm vaccine AstraZeneca ở liều đầu tiên nên tiêm vaccine thay thế, phổ biến nhất là vaccine dùng công nghệ mRNA như Pfizer, cho mũi thứ 2.

Khi biến thể Delta của virus SAR-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nguy hiểm đang tấn công toàn cầu, một số nước chấp thuận việc tiêm trộn các loại vaccine khác nhau để thúc đẩy quá trình tiêm chủng.

Tiêm trộn vaccine có nghĩa là sử dụng thêm loại vaccine không cùng nhà sản xuất liều thứ nhất để tiêm mũi thứ hai. Những người ủng hộ điều này tin rằng việc tiêm trộn có thể giúp tăng tốc độ và hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng.

Một số nghiên cứu đang điều tra tác động của việc trộn các mũi tiêm phòng Covid-19. Dữ liệu đã công bố từ các thử nghiệm hỗn hợp ở Tây Ban Nha và Anh, cho thấy việc trộn vaccine dẫn đến phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và đôi khi tốt hơn hai liều của cùng một loại vaccine.

Những nước nào đang tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer?

Một số quốc gia đã và đang sử dụng lịch tiêm vaccine kết hợp dựa theo các khuyến nghị thay đổi liên quan đến vaccine AstraZeneca vì một tác dụng phụ rất hiếm gặp là tình trạng đông máu.

Một số quốc gia ở Châu Âu hiện đang khuyên những người trẻ tuổi trước đây đã tiêm vaccine AstraZeneca ở liều đầu tiên nên tiêm vaccine thay thế, phổ biến nhất là vaccine dùng công nghệ mRNA như Pfizer.

Pháp, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch nằm trong số những quốc gia tư vấn lịch tiêm chủng hỗn hợp vì lý do này.

Tây Ban Nha và Đức hiện sử dụng vaccine Pfizer hoặc Moderna như liều thứ hai cho những người trẻ tuổi đã tiêm liều đầu tiên là AstraZeneca, sau những lo ngại về các cục máu đông hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, hơn là do hiệu quả.

Tại Ý, Thủ tướng Mario Draghi, 73 tuổi, đã chuyển sang tiêm Pfizer cho liều thứ hai sau khi tiêm mũi một của hãng AstraZeneca. Nước này có mục tiêu tiêm vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer cho những người đã chủng ngừa liều đầu tiên bằng thuốc của AstraZeneca. 

Tiêm trộn vaccine có hiệu quả không?

Thử nghiệm Com-COV của Đại học Oxford, với sự tham gia của hơn 800 tình nguyện viên, đã nghiên cứu hiệu quả của việc tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer và cho thấy phản ứng miễn dịch chống lại virus được tạo ra mạnh mẽ hơn.

Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy thứ tự của các loại vaccine đã tạo ra sự khác biệt, với AstraZeneca là mũi 1 theo sau là Pfizer “tạo ra kháng thể và phản ứng tế bào T cao hơn việc tiêm Pfizer, tiếp theo là AstraZeneca”.

Tế bào T kích thích sản xuất kháng thể và giúp chống lại các tế bào bị nhiễm virus. Nghiên cứu cũng chỉ ra hai liều Pfizer tạo ra mức kháng thể cao nhất.

Cả việc tiêm trộn lẫn việc tiêm một mũi AstraZeneca và một Pfizer đều tạo kết quả tốt hơn so với tiêm cả hai liều đều là AstraZeneca vốn dĩ cũng đã rất hiệu quả.

Trong một nghiên cứu khác vào tháng 5 ở Tây Ban Nha với hơn 600 tình nguyện viên cũng phát hiện ra tiêm một liều AstraZeneca sau đó là Pfizer có hiệu quả hơn hai liều AstraZeneca.

Ở Đức, một nghiên cứu thứ 3 cũng cho thấy phản ứng miễn dịch khi tiêm trộn tốt hơn so với việc tiêm cùng 2 liều đều là AstraZeneca và tốt hoặc tốt hơn 2 liều cùng là Pfizer.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng hiện còn thiếu dữ liệu lâm sàng đầy đủ để xác định liệu việc tiêm trộn có hiệu quả hay không.

Tiến sĩ Anna Blakney, trợ lý giáo sư tại Phòng thí nghiệm Michael Smith và Trường Kỹ thuật Y sinh tại Đại học British Columbia, thuộc nhóm thực hiệnt thử nghiệm nhằm trộn vaccine dùng công nghệ mRNA và vaccine dùng vector virus AstraZeneca. “Những gì chúng ta thấy ở chuột là kết hợp hai loại này hiệu quả hơn một trong hai. Vì vậy, tôi nghĩ nó có thể được, nhưng chúng ta chưa có dữ liệu để nói liệu đây có phải là phương thức thực sự hiệu quả hay không”.

Chia sẻ

Bài viết

Song Long

Tin mới nhất