Sức khỏe

Giật mình với số lượng người bị chó cắn khi đi chúc Tết

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, số bệnh nhân đến tiêm vắc xin ngừa dại trong dịp Tết nguyên đán vừa qua trên địa bàn TP.HCM tăng vọt. Vị bác sĩ cũng cho rằng, nguyên nhân có thể do người dân đến nhà nhau chúc Tết, bị chó tấn công.

Theo Người Lao Động, ngày 31/1, trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thông tin: Dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp nhận hàng trăm người đến tiêm vắc-xin phòng dại do mèo cào; chó, chuột và một số động vật có vú cắn.

Theo bác sĩ Dũng, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bệnh viện này tiếp nhận 496 người đến tiêm vắc-xin do chó cắn, 55 người bị mèo cào, 8 người bị chuột cắn, 29 người bị động vật có vú khác cắn. Bên cạnh đó, cũng có 84 trường hợp tiêm vắc-xin phòng uốn ván đơn.

Giật mình với số lượng người bị chó cắn khi đi chúc Tết Ảnh 1
Ảnh minh họa

Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Dũng cho rằng có thể do người dân đến nhà nhau chúc Tết, bị chó tấn công. Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở tiêm chủng, phòng khám trên địa bàn TP nghỉ nên người dân đều tiêm vắc-xin phòng dại ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

"Số liệu tiêm phòng dại tại bệnh viện có thể xem là con số chung của TP trong dịp nghỉ Tết", bác sĩ Dũng nói.

Tiền Phong nêu, hôm mùng 2 Tết, anh N.V.H (32 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) cùng gia đình sang thăm nhà và chúc Tết người họ hàng. Thấy cửa nhà đang mở, anh cất cao giọng chúc mừng năm mới gia chủ thì bị con chó đang nuôi con nằm trong góc nhà lao ra cắn vào chân phải.

Vết cắn do chó gây ra không gây nguy hiểm nhưng chảy máu và khiến anh H. đau nhức nhưng do chủ nhà không nhớ được thời gian tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nên để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, sau khi sơ cứu, khử trùng vết thương, anh H. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Trường hợp này là ca bệnh điển hình trong số hàng loạt người bị chó cắn trong dịp Tết nguyên đán.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, vắc xin thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Tiêm phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất