Sức khỏe

Ghép nối thành công bàn tay trái bị đứt lìa cho bệnh nhân

Tùng Nguyễn
Chia sẻ

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 59 tuổi, trong tình trạng bị đứt gần lìa bàn tay trái, chỉ dính lại một cầu da nhỏ.

Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, trước khi nhập viện 3 giờ, bệnh nhân tự chặt tay, đứt gần lìa cổ tay trái, chảy rất nhiều máu. Bệnh nhân được sơ cứu ở tuyến trước và sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây nguyên.

Ghép nối thành công bàn tay trái bị đứt lìa cho bệnh nhân Ảnh 1
Các bác sĩ ghép nối bàn tay bị đứt lìa thành công. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây nguyên).

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành sơ cứu, đánh giá sơ bộ vết thương, chỉ định chụp phim làm các xét nghiệm cần thiết rồi chuyển lên phòng mổ.

Tại phòng mổ, ê-kíp phẫu thuật Khoa Chấn thương Chỉnh hình vừa hồi sức, vừa tiến hành kết hợp xương bằng đinh, khâu nối vi phẫu mạch máu để đưa máu nuôi dưỡng đến phần xa bàn tay, sau đó nối tĩnh mạch giúp máu hồi lưu. Tiếp đến là khâu nối hệ thống gân gấp, gân duỗi, hệ thống thần kinh giữa, trụ và nhánh nông thần kinh quay.

Sau khoảng hơn 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã khâu nối phục hồi các cấu trúc giải phẫu bị đứt lìa. Khi tỉnh lại, bệnh nhân đã có thể vận động nhẹ được các ngón tay.

Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện, chăm sóc tại y tế cơ sở và được hẹn tái khám để đánh giá và tập phục hồi chức năng.

Theo các bác sĩ, tổn thương đứt gần lìa, đứt lìa chi là tổn thương phức tạp, bệnh nhân có thể bị chảy nhiều máu, chi thể bị đứt lìa bảo quản không đúng cách có thể bị hoại tử, phẫu thuật mất nhiều thời gian đồng thời quá trình phục hồi sau mổ kéo dài.

Do đó, khi bệnh nhân bị đứt lìa chi thể cần được sơ cứu nhanh chóng băng ép cầm máu tránh mất máu quá nhiều, đồng thời phải bảo quản chi thể đứt lìa đúng cách (dùng khăn hoặc gạc bọc lại, bỏ vào túi nilon, sau đó bỏ vào thùng đựng đá lạnh, lưu ý không ngâm trực tiếp chi bị đứt lìa vào nước đá).

Bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được xử lý và can thiệp kịp thời.

Chia sẻ

Bài viết

Tùng Nguyễn

Tin mới nhất