Sức khỏe

Bí quyết giúp người bệnh tai mũi họng sống khỏe trong mùa dịch

Theo Ngọc Anh (Suckhoedoisong)
Chia sẻ

Thực hiện một số biện pháp phòng bệnh dưới đây giúp người bệnh luôn khỏe mạnh tại nhà mùa dịch.

Làm sao để nhận biết bị bệnh lý tai mũi họng thông thường với COVID-19?

Theo Ths. Bs Nguyễn Văn Hòa (Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa), viêm mũi họng là bệnh lý rất thường gặp, nhất là khi thay đổi thời tiết, lúc chuyển mùa do mũi họng là cơ quan tiếp xúc với không khí và thức ăn hàng ngày nên dễ bị vi khuẩn, vi rút xâm nhập.

Bí quyết giúp người bệnh tai mũi họng sống khỏe trong mùa dịch Ảnh 1
ThS. BS Nguyễn Văn Hòa đang khám và tư vấn cho người bệnh các biện pháp phòng bệnh tai mũi họng tại nhà

Các triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên thường là sốt, hắt hơi, chảy nước mũi trong, đau họng, trẻ nhỏ quấy khóc, ăn khó… đôi khi có các biến chứng trẻ đau tai, lắc đầu liên tục, nằm nghiêng một bên.

Những biến chứng đường hô hấp trên thường không nặng và diễn biến tự nhiên trong 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp sức đề kháng kém như người bệnh mạn tính, trẻ nhỏ, người cao tuổi… bệnh có thể gây biến chứng xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

COVID-19 do vi rút nên thường có các triệu chứng giống cúm thông thường như đau mỏi người, ngạt mũi, đau rát họng, ho, người mệt mỏi. Tuy nhiên, với những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thường có sốt >38oC, đau họng nhiều, ho nặng ngực khó thở, một số trường hợp giảm khướu giác.

Những triệu chứng này thường đã quá muộn hoặc một số trường hợp không có triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ nên thường nghĩ là cảm cúm thông thường, đây chính là những ca bệnh siêu lây nhiễm.

Do đó, người bệnh khi có các triệu chứng ho, đau, rát họng… cần lưu ý các yếu tố dịch tễ của bản thân, có di chuyển tới vùng dịch, tiếp xúc với những người ở vùng dịch không, hay có tiếp xúc với các ca bệnh F0, F1, F2…. Kịp thời thông báo với bác sĩ hoặc y tế địa phương để được hướng dẫn cụ thể, thực hiện khám sàng lọc và làm xét nghiệm COVID-19.

Các phương pháp phòng bệnh tai mũi họng mùa dịch

ThS. BS Hòa cho biết, có thể ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút gây các bệnh lý tai mũi họng bằng một số biện pháp sau:

1. Ngăn chặn sự lây lan của vi rút từ môi trường bên ngoài vào cơ thể bằng cách:

- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

- Nếu có việc cần ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác trên 2m.

- Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay. Rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát khuẩn sau khi ra ngoài về hoặc trước khi ăn.

- Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật tiếp xúc hàng ngày bằng dung dịch cồn tối thiểu 60%.

2. Bảo vệ lớp niêm mạc vùng hầu họng bằng cách:

- Uống đủ nước (tối thiểu 2 lít nước/ngày).

- Giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường. Súc họng có tác dụng giảm bớt vi rút tích tụ trên bề mặt niêm mạc họng, giảm cơ hội vi rút xâm nhập vào trong tế bào, nhân lên, phát triển với số lượng lớn để gây bệnh.

Trong thời gian giãn cách xã hội, việc đến thăm khám tại các bệnh viện gặp khó khăn, để phòng các bệnh đường hô hấp trên nhất là trong thời tiết nắng nóng cần: Hạn chế ra ngoài tiếp xúc khi không cần thiết, nên dùng nước mát không dùng nước đá lạnh để giữ cho mũi họng không bị viêm nhiễm. Để điều hòa từ 27oC trở lên kèm theo có quạt trong phòng, nên có phun sương giữ ẩm trong phòng để tránh cho mũi họng bị khô.

Nếu mắc các bệnh lý đường hô hấp trên cần rửa mũi, vệ sinh họng bằng các dung dịch sát khuẩn, khi có các triệu chứng viêm long đường hô hấp cần dùng kháng sinh, long đờm, bổ sung vitamin C (nước cap ép, ổi...) để tăng cường sức đề kháng.

3. Giữ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bằng cách:

- Bổ sung đầy đủ, cân bằng các chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, bao gồm:

+ Tinh bột: Cung cấp năng lượng cho cơ thể.

+ Chất đạm: Duy trì hệ miễn dịch và giúp nhanh lành bệnh.

+ Chất béo: Cung cấp năng lượng, giúp trao đổi chất cho cơ thể.

+ Tăng cường các loại rau xanh và trái cây giàu vitamin và chất khoáng: Vitamin A (giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi rút, vi khuẩn); vitamin C (nâng cao hệ miễn dịch, giảm triệu chứng viêm); vitamin D (kích hoạt hệ thống miễn dịch); vitamin E (giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp, hỗ trợ miễn dịch và kháng thể); kẽm giúp duy trì hệ miễn dịch; selen giúp nâng cao hệ miễn dịch.

Ngoài ra nên bổ sung các gia vị có tính kháng khuẩn, kháng viêm như hành, tỏi, ớt, gừng, rau mùi... trong chế độ ăn hàng ngày.

- Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Trong thời gian giãn cách hạn chế ngồi nhiều, vận động bằng cách leo cầu thang, tự thực hiện các công việc trong nhà, hoặc có thể tập các bài tập bằng máy chạy bộ tại nhà, các bài dưỡng sinh, thiền, yoga… để nâng cao sức khỏe.

- Giữ tâm trạng luôn thư giãn, thoải mái cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến hệ miễn dịch. Lo lắng, mất ngủ khiến hệ miễn dịch suy yếu làm cho vi khuẩn, vi rút dễ tấn công cơ thể.

Với diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19, ở độ tuổi và giới tính nào cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân cũng như cộng đồng.

Cùng Saostar đón đọc các kiến thức sức khỏe để chống Covid-19 tại CHĂM SÓC SỨC KHỎE MÙA DỊCH COVID-19

Chia sẻ

Theo

Ngọc Anh (Suckhoedoisong)

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất