Sức khỏe

Bệnh nhân 37 tuổi bị hàm răng giả cắm ngang thực quản, nhập viện khẩn

Tùng Nguyễn
Chia sẻ

Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ vừa nội soi lấy thành công dị vật là hàm răng giả tháo lắp, cắm ngang trong thực quản người bệnh.

Thông tin từ bệnh viện, cho biết bệnh nhân là nữ 37 tuổi,  ở Hậu Giang. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ), trong tình trạng vật vã, nuốt đau, nuốt vướng, huyến áp tăng.

Bệnh nhân 37 tuổi bị hàm răng giả cắm ngang thực quản, nhập viện khẩn Ảnh 1
Các bác sĩ lấy dị vật là hàm răng giả ra khỏi thực quản bệnh nhân.

Trước đó, bệnh nhân có hàm răng giả khoảng 5-6 năm, móc cài bị gãy cách đây khoảng 6 tháng nhưng chưa đi kiểm tra lại, trong lúc uống nước không may răng giả bị trôi theo, vướng vào đường thực quản.

Sau đó, bệnh nhân cố gắng lấy ra và nôn ói nhưng không được, gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế địa phương khám sau đó chuyển đến BVĐKTƯ CT điều trị.

Sau khi được tiếp nhận tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định làm Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng cấp cứu. Các bác sĩ ghi nhận cách cung răng khoảng 15cm có 1 dị vật hàm răng giả cắm ngang sau nắp thực quản.

Các bác sĩ khoa Nội soi hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, Gây mê hồi sức tiến hành nội soi lấy dị vật có gây mê. Êkip do BSCK2. Lâm Chánh Thi – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bs. Nguyễn Ngọc Hà – khoa Gây mê hồi sức thực hiện.

Các bác sĩ đã lấy dị vật hàm răng giả ra ngoài. Kiểm tra lại thấy có vết xướt, giả mạc trắng, niêm mạc không còn chảy máu. Sau khi được bác sĩ gắp thành công dị vật, tình trạng bệnh nhân ổn định được chuyển khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học điều trị tiếp.

Tình trạng hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết đau cổ, ăn uống tốt, được chỉ định xuất viện.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bệnh nhân nuốt phải răng giả, thông thường móc cài của răng giả sẽ bị mắc tại vùng hẹp của thực quản nằm gần ngực, nơi có nhiều mạch máu lớn. Bệnh nhân có thể tử vong nếu móc sắt chọc trúng mạch máu lớn, gây chảy máu ồ ạt.

Nếu nhập viện muộn, móc sắt có thể gây tổn thương, nhiễm trùng vùng giữa ngực, bệnh nhân có thể chết do sốc nhiễm trùng. Khi bị răng giả rơi vào đường tiêu hóa, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, đến càng sớm thì việc can thiệp thực hiện lấy dị vật sẽ thuận lợi hơn.

Bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhân có lắp răng giả cần cẩn trọng nhai kỹ, uống chậm, không vội vàng trong quá trình ăn uống để tránh nuốt sặc dễ khiến dị vật rơi lọt vào thực quản và dạ dày, nhất là với những người đeo răng giả có thể tháo rời.

Những trường hợp sử dụng răng giả tháo lắp cần được kiểm tra định kỳ để bác sĩ chỉnh lại hoặc thay mới theo sự tiến triển của xương hàm, không nên đeo hàm răng giả cả ngày, cần tháo hàm ra để vệ sinh sau khi ăn hoặc trước khi ngủ.

Chia sẻ

Bài viết

Tùng Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất